(Tổ Quốc) - Bất chấp thị trường chung đỏ lửa, nhóm cổ phiếu này vẫn bứt phá mạnh mẽ với mức tăng ấn tượng.
Tiếp tục là một phiên giao dịch đầy sóng gió, thị trường chứng khoán liên tục "dò đáy". Áp lực bán tháo bung ra dồn dập trong phiên chiều khiến thị trường "bay màu" 26 điểm, lùi sâu về ngưỡng 1.406 điểm – mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường, những nhóm trụ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều đồng loạt lao dốc. Ngược dòng bán tháo, cổ phiếu vận tải biển,cảng biển là điểm sáng thu hút dòng tiền trong phiên hôm nay.
Tăng tích cực nhất là cổ phiếu VNA CỦA Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship khi tăng 9,1% lên mốc 52.600 đồng/cp. So với mức giá hồi đầu năm, mã này đã tăng gấp 2,2 lần.
Cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng duy trì được sắc xanh khi bứt phá 4,3% lên mốc 107.400 đồng/cp. Như vậy, sau phiên tăng điểm hôm nay cổ phiếu vận tải biển này đã chính thức gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số".
Tương tự, cổ phiếu MNV của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và GMD của Công ty Cổ phần Gemadept cũng lần lượt tăng 2,6% và 2,6% so với phiên hôm trước. Ngoài ra, loạt mã cổ phiếu vận tải biển cũng tăng giá như VSC ( 1,9%), SGP ( 1,6%), TCL ( 0,1%),...
Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng nhóm cổ phiếu vận tải biển vẫn "sáng cửa" để đầu tư nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng: Trong năm 2021, số dự án FDI CN chế biến, chế tạo còn hiệu lực đạt 15,592 dự án (tăng 3%) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 242 tỷ USD (tăng 6.8%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng số lượng dự án chậm lại (so với mức trung bình 7.2% trong 5 năm gần nhất), tốc độ tăng trưởng về vốn đầu tư có sự cải thiện so với mức 5.8% năm 2020. Quy mô vốn/dự án cũng tăng lên mức trung bình 15.5 triệu USD/DA (so với mức 14.9 triệu USD/DA năm 2020).
Thứ hai, hoạt động sản xuất cải thiện: Từ tháng 11/2021 đến tháng 2/2022, cả 2 chỉ số PMI và IIP liên tục cho thấy tín hiệu cải thiện mạnh. Cụ thể, PMI tháng 2/2022 đạt mức 54.3, duy trì ở mức trên 50 trong 5 tháng liên tiếp tính từ tháng 10/2021. IIP tháng 2/2022 ước tăng 8.5% cùng kỳ, ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp tăng trưởng so với cùng kỳ.
Thứ ba, vận tải thủy phục hồi: Hoạt động vận tải thủy đường biển và thủy nội địa 2021 ghi nhận hồi phục so với 2020. Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận tải đường biển và thủy nội địa ước đạt lần lượt 85 triệu tấn (tăng 3.3%) và 315.5 triệu tấn giame 6,4%), cải thiện đáng kể so với mức giảm 2.3% và 9.6% trong năm 2020.
Thứ tư, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của VN hồi phục: GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.
Đáng chú ý, theo quy hoạch cảng biển đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng công suất dự kiến đạt 6%/năm. Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tổng năng lực đáp ứng thông quan hàng hóa đến năm 2030 đạt 1,140 – 1,423 triệu tấn (trong đó container từ 38 – 47 triệu TEU). So với sản lượng thông quan năm 2021 là 706 triệu tấn và 24 triệu TEU, với mục tiêu này, tổng công suất hệ thống cảng biển được kỳ vọng sẽ tăng trung bình 6%/năm giai đoạn 2021 – 2030.
Với tốc độ tăng trưởng công suất được kỳ vọng ở mức 6% trong bối cảnh giá dịch vụ cảng biển nhiều khả năng chỉ được điều chỉnh dựa theo lạm phát kỳ vọng hàng năm (dự kiến ở mức trung bình 3%/năm), Mirae Asset cho rằng doanh thu đến từ dịch vụ khai thác cảng biển dự phóng sẽ tăng trưởng quanh mức trung bình 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Cũng đưa ra nhận định về nhóm ngành này, Chứng khoán SSI Research cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023, lâu hơn kỳ vọng ban đầu do: (1) các ca nhiễm Omicron tăng lên và khả năng xuất hiện các biến thể mới; (2) Chính sách Không-Covid của Trung Quốc; và (3) căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine, sẽ gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu. Ngoài ra, lượng tàu mới bàn giao trong năm 2022 chỉ giới hạn ở mức 3,1% trọng tải đội tàu hiện tại. Do đó, bộ phân phân tích SSI kỳ vọng ngành vận tải container quốc tế và nội địa sẽ tiếp tục hưởng lợi cho đến năm 2023.
Minh Minh