(Tổ Quốc) - Chốt phiên đêm qua giá dầu giảm 2% khi số liệu tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng, vàng tiếp đà tăng do USD suy yếu sau khi ECB thông báo giữ chính sách không đổi và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ở mức cao.
Dầu giảm gần 2% sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ tăng
Giá dầu giảm gần 2% trong phiên đêm qua, sau khi số liệu của Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ tăng trong tuần trước một phần do các nhà máy lọc dầu dọc theo Vịnh Mexico giảm hoạt động sau cơn bão Laura.
Chốt phiên 10/9, dầu thô Brent giảm 73 US cent hay 1,8% xuống 40,06 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas WTI giảm 75 US cent hay 2% xuống 37,30 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tăng 2 triệu thùng trong tuần trước. Điều đó khẳng định hướng tăng 3 triệu thùng được Viện Dầu khí của Mỹ báo cáo, nhưng là bất ngờ so với mức giảm 1,3 triệu thùng trong một thăm dò các nhà phân tích của Reuters.
Dầu thô Brent và WTI đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 trước đó trong tuần này và vẫn trong trạng thái bán quá nhiều vài ngày qua.
Tại Trung Quốc, ngân hàng ANZ cho biết nhập khẩu dầu có thể chững lại khi các nhà máy lọc dầu độc lập đã đạt được hạn ngạch tối đa.
Một dấu hiệu giảm giá khác, các nhà kinh doanh hàng hóa đang thuê các tàu để chứa dầu thô và dầu diesel.
Vàng tăng do USD suy yếu
Giá vàng tăng trong phiên qua do USD suy yếu sau khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) giữ chính sách không đổi và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ở mức cao, điều này làm giảm hy vọng sự phục hồi kinh tế nhanh chóng từ đại dịch.
Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.956,06 USD/tấn sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 2/9 tại 1.965,93 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa phiên tăng 0,5% lên 1.964,3 USD.
USD giảm 0,1% khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, trong khi Euro tăng sau khi chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ tỷ giá hối đoái.
Vàng đã tăng 29% trong năm nay do các gói kích thích kinh tế chưa từng có và lãi suất gần mức không của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Đồng giảm giá
Giá đồng giảm trong phiên do các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đợt tăng giá gần đây có bị quá mức không, nhưng đà giảm bị hạn chế bởi USD yếu sau khi số liệu việc làm của Mỹ được công bố và các bình luận của ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB).
Đồng đã tăng khoảng 50% từ mức thấp nhất 45 tháng hồi tháng 3, là kim loại công nghiệp có diễn biến tốt nhất trong năm nay, được hỗ trợ bởi sự phục hồi tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới và tồn kho đang giảm.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 1,3% xuống 6.646 USD/tấn.
Dự trữ đồng của kho LME tăng trong ngày 10/9 sau khi liên tục chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005 trong những tuần gần đây.
Đồng Euro lên mức cao nhất một tuần và USD giảm sau khi ECB nhắc lại không nhắm tới mục tiêu tỷ giá hối đoái.
Thép Trung Quốc giảm giá do nhu cầu yếu
Giá thép Trung Quốc giảm, thép không gỉ, thép thanh và thép cuộn cán nóng đóng cửa phiên giảm từ 1% tới 2%, do nhu cầu suy yếu.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 11 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm 2,7% xuống 14.050 CNY (2.054,54 USD)/tấn trước khi đóng cửa đạt 14.125 CNY.
Thép thanh dùng trong xây dựng giao tháng 1/2021 giảm 1,6% xuống 3.640 USD/tấn. Thép cuộn cán nóng đóng cửa giảm 1,8% xuống 3.732 CNY/tấn.
Dự trữ sản phẩm thép của các thương nhân tại Trung Quốc tăng lên 15,73 triệu tấn tính tới ngày 10/9, tăng 25.900 tấn so với tuần trước đó, theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel.
Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cũng giảm, đóng cửa giảm 2,3% xuống 822 CNY/tấn trong bối cảnh xuất khẩu mạnh mẽ từ các công ty khai thác lớn.
Cao su Nhật Bản phục hồi từ mức thấp nhất 2 tuần
Giá cao su Nhật Bản tăng do nhà đầu tư săn giá hời sau khi giá xuống mức thấp nhất 2 tuần trong đầu phiên này và trong bối cảnh hy vọng nhu cầu phục hồi nhanh chóng từ khách hàng Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 2/2021 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) đóng cửa tăng 4,5 JPY hay 2,6% lên 180,5 JPY (1,7 USD)/kg, sau khi đạt 175,6 JPY trong đầu phiên, thấp nhất kể từ ngày 25/8.
Hợp đồng cao su giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 40 CNY đóng cửa tại 12.200 CNY (1.784 USD)/tấn.
Đường giảm giá
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,12 US cent hay 1% xuống 11,91 US cent/lb.
Các đại lý cho biết sản lượng mạnh tại Brazil đang khiến thị trường được cung cấp tốt, trong khi triển vọng thêm trợ cấp xuất khẩu từ Ấn Độ trong niên vụ 2020/2021 cũng là yếu tốt giảm giá.
Các nhà máy đường tại khu vực trung nam Brazil đã sản xuất 2,93 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 8, nhiều hơn 16% so với cùng giai đoạn một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 3,7 USD hay 1% xuống 354,3 USD/tấn.
Cà phê tăng, giao dịch ở Việt Nam chậm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tăng 2,85 US cent hay 2,2% lên 1,317 USD/lb. Thị trường tiếp tục được hỗ trợ từ dự trữ vẫn ở mức thấp nhất trong 20 năm.
Ước tính sản lượng cà phê của Brazil năm 2020 được điều chỉnh tăng lên 59,6 triệu bao (60 kg/bao) từ dự báo 59 triệu bao hồi tháng 8, theo IBGE cơ quan thống kê của chính phủ.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 7 USD hay 0,5% lên 1.423 USD/tấn.
Tại Việt Nam giao dịch cà phê chậm chạp trong tuần này do dự trữ ở mức thấp và giá tăng.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở giá 34.000 – 34.500 đồng (1,47 USD – 1,49 USD)/kg, tăng từ 33.500 – 34.000 đồng/kg một tuần trước. Thị trường vẫn ảm đạm trong vài tháng qua do nông dân đã bán gần hết lượng cà phê của mình. Một thương nhân cho biết nếu không có sự thay đổi đáng kể trong giá toàn cầu, giá trong nước sẽ ở mức 34.000 đồng/kg cho tới đầu vụ thu hoạch mới vào tháng 10.
Các thương nhân đã chào bán cà phê robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 70 – 80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11, một tuần trước mức cộng là 90 – 100 USD.
Tại tỉnh Lampung của Indonesia, một nhà xuất khẩu cho biết cà phê robusta Sumatran có mức cộng không đổi 20 – 50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trong khi người khác cho biết mức cộng thu hẹp xuống 150 USD từ 200 USD trong tuần trước. Giá giảm do nguồn cung vẫn cao và do dự đoán vụ thu hoạch của Việt Nam bắt đầu trong tháng 11.
Giá gạo Ấn Độ cao nhất 1,5 năm
Tuần này, giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 18 tháng do các nguồn cung vẫn hạn hẹp bởi gián đoạn vì đại dịch.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng lên 387 – 394 USD/tấn so với 384 – 390 USD một tuần trước.
Số ca nhiễm Covid-19 tại nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới này chỉ đứng sau Mỹ, các nhà xuất khẩu đang phải vật lộn với tình trạng hạn chế container và công nhân tại cảng xuất khẩu gạo lớn nhất Kakinada.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước tăng tới 20% trong một tháng, trong bối cảnh lo sợ tình trạng thiếu hụt sản lượng. Theo các quan chức Bộ Nông nghiệp, mưa quá lớn trong tháng 3, 4, bão Amphan trong tháng 5 và 3 đợt lũ lụt trong tháng 6, 7 đã gây thiệt hại cho hầu hết cây trồng trong đó 70% là lúa.
Tại Việt Nam, nguồn cung trong nước thấp đẩy giá gạo 5% tấm tăng lên 490 – 495 USD/tấn trong ngày 10/9 từ 490 USD/tấn một tuần trước. Nguồn cung trong nước là rất thấp tại thời điểm này, trong khi một số nhà xuất khẩu tiếp tục phải hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó với khách hàng từ Malaysia, Timor-Leste và Châu Phi. Các thương nhân dự kiến giá giảm trong những tuần tới trước vụ thu hoạch thu đông.
Ngô lên mức cao nhất 5 tháng, đậu tương giảm do chốt lời
Trên sàn giao dịch Chicago giá ngô tăng lên mức cao nhất 5 tháng do tin tức bệnh dịch tả lợn ở Đức làm dấy lên dự đoán nhu cầu đối với thịt lợn Mỹ và thức ăn chăn nuôi tăng lên. Dự đoán nhu cầu ngô tăng từ Trung Quốc trong năm 2021 cũng hỗ trợ giá.
Giá ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 4-3/4 US cent lên 3,65 USD/bushel sau khi chạm mức 3,66-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 27/3.
Đậu tương đóng cửa giảm do các thương nhân chốt lời sau khi giá hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tăng 12 phiên.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 chốt phiên giảm 1-1/4 US cent xuống 9,77-1/2 USD/bushel sau khi đạt 9,82 USD, mức cao nhất của hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 6/2018.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/9
Minh Quân