(Tổ Quốc) - Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, giá dầu cao nhất 2 tháng, đậu tương cao nhất 3 tháng, trong khi quặng sắt thấp nhất 1 tuần, đường thấp nhất gần 2 tuần, khí tự nhiên, vàng, đồng và cao su… đồng loạt giảm.
Giá dầu cao nhất 2 tháng
Giá dầu tăng 3% lên mức cao nhất 2 tháng, do các dấu hiệu nguồn cung thắt chặt trước mùa lái xe mùa hè tại Mỹ và EU tranh cãi với Hungary về kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga vì xung đột Nga – Ukraine.
Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, dầu thô Brent tăng 3,37 USD tương đương 3% lên 117,4 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 3,76 USD tương đương 3,4% lên 114,09 USD/thùng. Như vậy, sau khi tăng 6 phiên liên tiếp, giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/3/2022 và dầu WTI đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/5/2022.
Ngoài ra, giá dầu tăng theo xu hướng thị trường chứng khoán tăng và đồng USD giảm so với giỏ tiền tệ chủ chốt, khiến dầu trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá khí tự nhiên giảm
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 1%, do dự báo nhu cầu trong tuần này thấp hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York giảm 6,3 US cent tương đương 0,7% xuống 8,908 USD/mmBTU, trong phiên trước đó giá khí tự nhiên đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2008 – phiên thứ 2 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 139% do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh, đặc biệt kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày 24/2/2022, dấy lên mối lo ngại Moscow có thể cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.
Giá vàng tiếp đà giảm
Giá vàng giảm, khi kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng, cùng với đó là áp lực từ thị trường chứng khoán hồi phục.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,18% xuống 1.849,52 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 0,07% lên 1.847,6 USD/ounce.
Tuy nhiên, giá vàng giảm được hạn chế bởi đồng USD chạm mức thấp nhất gần 1 tháng và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Giá đồng giảm tiếp
Giá đồng giảm phiên thứ 3 liên tiếp, do lo ngại về các hạn chế Covid-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu – Trung Quốc – và tác động của lạm phát toàn cầu.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,03% xuống 9.370 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần (9.277 USD/tấn).
Tính đến nay, giá đồng giảm 14% kể từ mức cao kỷ lục (10.845 USD/tấn) hồi đầu tháng 3/2022.
Giá quặng sắt thấp nhất 1 tuần, thép cây tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc chạm mức thấp nhất 1 tuần, do nhu cầu hạ nguồn giảm trong khi các nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị thu hẹp trong quý 2/2022, trong bối cảnh các hạn chế Covid-19.
Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế lớn hơn so với năm 2020, với một số chỉ số bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 3/2022, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 0,8% xuống 834 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 4,1% xuống 806 CNY (119,99 USD)/tấn – thấp nhất kể từ ngày 19/5/2022. Giá than luyện cốc giảm 0,7% xuống 2.473 CNY/tấn và giá than cốc giảm 0,2% xuống 3.256 CNY/tấn.
Trong khi đó, trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 0,2% lên 4.505 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng giảm 0,1% xuống 4.632 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 6/2022 giảm 0,4% xuống 18.530 CNY/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tiếp đà giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do số liệu dịch vụ doanh nghiệp trong nước làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát và triển vọng nhu cầu suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Osaka giảm 1,2 JPY xuống 246,4 JPY (1,94 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/5/2022 (248,8 JPY/kg) trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 170 CNY lên 13.255 CNY (1.969,66 USD)/tấn, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 22/4/2022 (13.260 CNY/tấn) trong đầu phiên giao dịch.
Giá cà phê đồng loạt tăng tại Việt Nam, Indonesia, New York và London
Giá cà phê tại thị trường Việt Nam không thay đổi trong phiên giao dịch trầm lắng do tồn trữ thấp, trong khi hoạt động giao dịch tại thị trường Indonesia trở nên sôi động do nguồn cung và nhu cầu tăng.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 và tăng so với mức trừ lùi 200 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 250-270 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 230-270 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 40.600-41.700 VND (1,75-1,8 USD)/kg, không thay đổi so với 1 tuần trước đó.
Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 9,55 US cent tương đương 4,4% lên 2,266 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 19 USD tương đương 0,9% lên 2.107 USD/tấn.
Giá đường thấp nhất gần 2 tuần
Giá đường thô trên sàn ICE chạm mức thấp nhất gần 2 tuần, do lo ngại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – sẽ nỗ lực giảm giá năng lượng.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 0,14 US cent tương đương 0,7% xuống 19,54 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/5/2022 (19,27 US cent/lb).
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London tăng 1,5 USD tương đương 0,3% lên 565,4 USD/tấn.
Giá đậu tương cao nhất 3 tháng, lúa mì và ngô giảm
Giá đậu tương tại Mỹ tăng 2,7% lên mức cao nhất 3 tháng, do dự báo thời tiết tại khu vực trồng trọng điểm phía bắc trở nên ẩm ướt, có nguy cơ làm chậm thêm tiến độ trồng trọt.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2022 tăng 45-1/2 US cent lên 17,26-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 24/2/2022. Giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 5 US cent xuống 11,43-1/4 USD/bushel, trong khi giá lúa mì mùa xuân giao cùng kỳ hạn tăng 11-3/4 US cent lên 12,92-1/4 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2022 giảm 7-1/4 US cent xuống 7,65 USD/bushel.
Giá gạo thấp nhất hơn 5 năm tại Ấn Độ, tăng tại Thái Lan, không thay đổi tại Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 năm, chịu ảnh hưởng bởi đồng nội tệ suy giảm và nguồn cung tại các quốc gia xuất khẩu hàng đầu vẫn dồi dào.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm giảm xuống 350-354 USD/tấn, so với 351-356 USD/tấn cách đây 1 tuần
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm ở mức 450 USD/tấn, tăng so với 430-445 USD/tấn cách đây 1 tuần, do đồng baht tăng mạnh và chi phí sản xuất gia tăng.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam ở mức 415-420 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Giá dầu cọ cao nhất 3 tuần
Giá dầu cọ tại Malaysia đảo chiều tăng lên mức cao nhất 3 tuần, do hoạt động mua vào kiếm lời trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, khi dầu của Indonesia vẫn vắng bóng trên thị trường toàn cầu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 156 ringgit tương đương 2,44% lên 6.539 ringgit/tấn – cao nhất kể từ ngày 5/5/2022.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 27/5
Minh Quân