(Tổ Quốc) - Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu quay đầu đi xuống khi bão Laura tan dần, vàng giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng. Trái lại, giá gạo tăng mạnh, cao su lập kỷ lục 6 tháng.
Dầu Brent và WTI giảm
Giá dầu giảm trong phiên vừa qua do dự báo thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng khi các cơ sở sản xuất ở Vịnh Mexico hoạt động trở lại vì bão Laura đang yếu đi.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent kỳ hạn tháng 10 - đáo hạn vào ngày 28/8 – giảm 55 US cent (1,2%) xuống 45,09 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 35 US cent (0,8%) xuống 43,04 USD/thùng.
Bão Laura đã đổ bộ vào bang Louisiana sáng ngày 27/8 với sức gió 240 km/h, làm hư hại các tòa nhà, đổ gẫy cây cối và gây mất điện cho 400.000 người dân sống ở Louisiana và Texas. Tuy nhiên, nước biển dâng ít hơn dự đoán, do đó diện tích trồng trọt không bị ngập lụt như cảnh báo.
Trước khi bão đến, các nhà sản xuất dầu mỏ đã đóng cửa các cơ sở sản xuất dầu thô tương đương sản lượng 1,56 triệu thùng/ngày (84% sản lượng của khu vực Vịnh Mexico), sơ tán 310 cơ sở ngoài khơi. Tuy nhiên, ngày 27/8, các cơ sở này đã chuẩn bị hoạt động trở lại.
Dầu châu Á giảm do nhu cầu yếu, lợi nhuận thấp
Giá một số loại dầu thô giao ngay tới thị trường Châu Á giảm xuống mức thấp hơn dầu Brent do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực yếu làm giảm lợi nhuận của họ. Khoảng chênh lệch giá giữa dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp với dầu thô Trung Đông thu hẹp dần lại.
Chênh lệch giá giữa dầu thô kỳ hạn tháng 10 của Malaysia và Việt Nam so với dầu Brent đã giảm hơn 3 USD/thùng so với hàng giao vào tháng 9 trong hợp đồng cách đây một tháng.
Thông thường, các nhà tinh chế dầu sẽ phải mua dầu thô hàm lượng lưu huỳnh thấp với giá đắt hơn so với dầu thô Trung Đông – có hàm lượng lưu huỳnh cao. Tuy nhiên, lợi nhuận trung bình từ việc chưng cất dầu trong 2 tuần qua đã giảm khoảng 1 USD/thùng, làm giảm nhu cầu đối với dầu thô Malaysia và Việt Nam.
Dầu thô Labuan của Malaysia giao tháng 10 hiện có giá thấp hơn 1 USD/thùng so với dầu Brent, so với mức cộng 2 USD/thùng hồi đầu tháng 8/2020. Cách đây 1 tháng, dầu Labuan kỳ hạn tháng 9 có giá 4 USD so với dầu Brent. Dầu Kimanis của Malaysia hiện giá 30 US cent/thùng, so với 3,5 USD/thùng cách đây một tuần.
Dầu Thăng Long và Ruby của Việt Nam giao cùng kỳ hạn cũng đang giảm giá, xuống thấp hơn dầu Brent, so với mức 3,5 USD cách đây một tháng.
Vàng giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng
Giá vàng giảm hơn 2% trong phiên vừa qua, sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng bởi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra một chiến lược mới tích cực để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.931.96 USD/ounce; trước đó, có thời điểm giá tăng 1,1%. Vàng kỳ hạn tháng 12/2020 giảm 1% xuống 1.932,6 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng sau bài phát biểu của ông Powell. Theo đó, ông đã chính thức thông báo việc FED thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt. Fed không đưa ra cam kết rõ ràng về việc họ có thể duy trì lãi suất thấp trong thời gian bao lâu. Đây là lần thay đổi định hướng lãi suất tham vọng nhất của Fed tính từ khi Fed chính thức áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu vào năm 2012, cho thấy nguyên tắc ngăn lạm phát vốn được đưa ra làm mục tiêu chính sách trong suốt 1/4 thế kỷ qua, có thể đã không phát huy nhiều tác dụng trong bối cảnh thế giới đồng loạt áp dụng lãi suất thấp.
Mặc dù giá vàng giảm trong phiên vừa qua, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, bình luận của ông Powell cho thấy quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ sau Covid-19 sẽ mất nhiều thời gian, và ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ quá trình hồi phục này – yếu tố sẽ có lợi cho giá vàng trong tương lai.
Đồng tăng sau bài phát biểu của lãnh đạo Fed
Giá đồng tăng trong phiên vừa qua vì bài phát biểu của ông Powell cho thấy Fed sẽ hướng đến thúc đẩy lạm phát của Mỹ tăng – động thái có thể làm cho đồng USD suy yếu, từ đó đẩy giá các hàng hóa tính theo USD tăng lên.
Hiện USD đang giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm, khiến cho những hàng hóa giao dịch bằng USD trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,2% lên 6.615 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 2 năm là 6.707 USD/tấn đạt được vào tuần trước.
Thép tăng do nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do nhu cầu tiêu thụ mạnh và triển vọng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong mùa xây dựng.
Kết thúc phiên giao dịch, thép thanh vằn kỳ hạn tháng 1/2020 tăng 0,2% lên 3.717 CNY (540,356 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 3.946 CNY/tấn; thép không gỉ tăng 0,1% lên 15.090 CNY/tấn.
"Các nhà máy thép đang tăng tốc sản xuất khi mùa xây dựng cao điểm sắp tới", Citi Reserch viết trong một thông báo gửi tới khách hàng, và dự báo nhu cầu thép của Trung Quốc từ nay đến cuối năm sẽ tăng.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) kỳ hạn giao tháng 1/2020 giảm 0,4% xuống 815 CNY/tấn. Quặng sắt 62% nhập khẩu giao ngay tới Trung Quốc trong phiên trước đó (26/8) giảm 0,5% xuống 122 USD/tấn.
Nickel giảm khỏi mức cao nhất 9 tháng
Giá nickel giảm 0,2% trong phiên vừa qua, song vẫn quanh mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, do lo ngại nguồn cung từ Indonesia có thể sẽ tiếp tục khan hiếm. Nickel là nguyên liệu sản xuất thép không gỉ. Kết thúc phiên giao dịch, nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng chốt ở 15/130 USD/tấn.
Đường tăng
Giá đường đảo chiều đi lên sau nhiều phiên giảm. Cụ thể, đường thô kỳ hạn tháng 10 trên sàn New York tăng 0,19 US cent (1,5%) lên 12,77 US cent/lb do bão Laura gây thiệt hại cho các cánh đồng mía ở bang Louisiana của Mỹ, làm cây đổ rạp trong khi tháng 9 sẽ là lúc thu hoạch mía. Đường trắng giao cùng kỳ han trên sàn London cũng tăng 2,5 USD (0,7%) lên 362 USD/tấn.
Cục Nông trại Louisiana và Trung tâm Nông nghiệp tại Đại học Bang Louisiana ước tính khoảng 500.000 mẫu Anh đất trồng mía của bang Louisiana bị ảnh hưởng bởi cơn bão này.
Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn dồi dào nguồn cung đường thô do các nhà máy Brazil tiếp tục tăng sản lượng thêm khoảng 50% trong năm nay.
Ngô, đậu tương và lúa mì tăng
Dự báo thời tiết ở khu vực Trung Tây Brazil có thể khô hạn sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây đúng lúc cây đang rất cần nước tưới, từ đó nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng ngũ cốc đã đẩy giá cả ngô, đậu tương và lúa mì tăng trong phiên vừa qua.
Việc Trung Quốc tăng cường mua ngô Mỹ càng góp phần đẩy giá ngô tăng lên.
Kết thúc phiên giao dịch, ngô kỳ hạn tháng 12 tăng tăng 4-1/4 US cent lên 3,58-1/2 USD/bushel, đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 17-3/4 US cent lên 9,42 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ Đông kỳ hạn giao tháng 12 tăng 11 US cent lên 5,30-3/4 USD/bushel.
Gạo Ấn Độ và Thái Lan tăng, Việt Nam vững
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng tuần thứ 3 liên tiếp do giá rẻ hấp dẫn khách hàng Châu Phi, trong khi gạo Thái Lan tăng vì lo ngại hạn hán sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng, còn gạo Việt Nam vững giữa bối cảnh nguồn cung nội địa không còn nhiều.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá 384 – 390 USD/tấn, so với 383 – 389 USD/tấn của tuần trước; gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng lên 500 – 520 USD/tấn, từ mức 480 – 500 USD/tấn cách đây một tuần; trong khi gạo cùng loại của Ấn Độ vững ở 480 – 490 USD/tấn, là tuần thứ 2 giá không thay đổi.
Cao su lập ‘đỉnh’ 6 tháng
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ 4 liên tiếp, đạt mức cao mới trong vòng 6 tháng, do lo ngại nguồn cung khan hiếm ở Thái Lan do thiếu nhân lực vì dịch Covid-19.
Kết thúc phiên giao dịch, cao su kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Osaka tăng 2,8 JPY lên 184,3 JPY (1,74 USD)/kg. Đầu phiên có lúc giá đạt 185,6 JPY, cao nhất kể từ 26/2. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 35 CNY lên 12.615 CNY (1.834 USD)/tấn.
Cà phê robusta giảm khỏi mức cao nhất 8 tháng
Giá cà phê robusta giảm trong phiên vừa qua, mà lý do theo các đại lý là bởi họ đã mua quá mức trước đó, khi thấy lượng tồn trữ cà phê cả arabica và robusta tại các kho của các sàn giao dịch đều ở mức thấp.
Kết thúc phiên giao dịch, robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 11 USD (1,5%) xuống 1.405 USD/tấn; arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 0,25 US cent (0,2%) lên 1,2235 USD/lb.
Safras & Mercado cho biết Brazil đã thu hoạch được 96% sản lượng vụ này, tương đương mức trung bình 95% của thời điểm này trong 5 năm vừa qua, cho thấy mùa vụ tiến triển tốt.
Tại Châu Á, giá cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm do giá trên sàn liên lục địa ICE tăng và nguồn cung khan hiếm khi đang cuối vụ thu hoạch. Trong khi đó, giá cà phê Indonesia tiếp tục giảm do nguồn cung tăng.
Tại khu vực Tây Nguyên, cà phê nhân xô hiện giá 34.000 – 35.000 đồng (1,47 – 1,49 USD)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Cà phê robusta loại 2 (5% đen và vỡ) xuất khẩu giá cộng 80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn London của phiên 26/7, so với mức cộng 80 -90 USD/tấn cách đây một tuần.
Vụ mùa mới 2020/21 của Việt Nam đang tiến triển tốt, mưa thuận lợi và quả có vẻ lớn không kém năm trước, hứa hẹn sản lượng sẽ cao.
Tại Indonesia, cà phê Sumatra của tỉnh Lampung giá giảm do nguồn cung tăng vì đang vụ thu hoạch. Cụ thể, một doanh nghiệp Indonesia báo loại này giá 140 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 trên sàn London, thấp hơn mức 160 USD/tấn của tuần trước, trong khi một doanh nghiệp khác báo giá 200 USD/tấn, so với 210 USD/tấn của tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 28/8
Minh Quân