(Tổ Quốc) - Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, giá dầu, vàng, đồng và quặng sắt tăng trở lại, khí tự nhiên tăng vọt 14%, trong khi cao su và cà phê giảm.
Giá dầu tăng gần 4 USD/thùng
Giá dầu tăng từ mức giảm mạnh 2 phiên trước đó, khi các nhà đầu tư chuyển tập trung sang nguồn cung thắt chặt, bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, dầu thô Brent tăng 3,96 USD tương đương 3,9% lên 104,65 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 4,2 USD tương đương 4,3% lên 102,73 USD/thùng.
Nguồn cung dầu toàn cầu giảm, khi Washington thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Iran – thành viên của OPEC- gây áp lực đối với Tehran khi nước này tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và mở rộng xuất khẩu.
Giá khí tự nhiên tăng 14%
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 14% lên mức cao nhất 1 tuần, được hỗ trợ bởi tồn trữ trong tuần trước thấp hơn so với dự kiến.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 78,7 US cent tương đương 14,3% lên 6,297 USD/mmBTU – cao nhất kể từ ngày 29/6/2022 và ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2022.
Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 67% khi giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng cao, khiến nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh, đặc biệt kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine xảy ra hôm 24/2/2022, dấy lên mối lo ngại Moscow sẽ cắt giảm nguồn cung sang châu Âu.
Giá vàng tăng
Giá vàng tăng do đồng USD giảm, khiến các nhà đầu tư mua vào kiếm lời sau 2 phiên giảm mạnh xuống mức thấp nhất 9 tháng.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,1% lên 1.740,16 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn New York tăng 0,2% lên 1.739 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính đến nay giá vàng đã giảm hơn 300 USD/ounce kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất trong tháng 3/2022, để kiềm chế lạm phát bất thường, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.
Giá đồng tăng
Giá đồng tăng từ mức thấp nhất 20 tháng trong phiên trước đó, song nhiều nhà phân tích dự kiến giá đồng sẽ tiếp tục giảm, do lãi suất tăng kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá đồng trên sàn London tăng 4,5% lên 7.858 USD/tấn, sau khi Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất – đang xem xét các biện pháp kích thích có trị giá 220 tỉ USD. Giá đồng có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2018, song tính chung cả tuần giá đồng vẫn giảm gần 3% và giảm gần 30% từ mức cao kỷ lục (10.845 USD/tấn) trong tháng 3/2022.
Trong phiên trước đó, giá đồng chạm 7.291,5 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Giá quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tại Đại Liên tăng do đồng USD giảm, song mối lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và các hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 3,9% lên 756,5 CNY (112,82 USD)/tấn và giá quặng sắt kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn Singapore tăng 1,7% lên 113,5 USD/tấn. Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 4 phiên liên tiếp trong 6 phiên.
Đồng USD giảm 0,2% sau khi tăng lên mức cao đỉnh điểm 20 năm so với giỏ tiền tệ chủ chốt, khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 3 liên tiếp
Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại suy thoái kinh tế, song giá cao su tại Thượng Hải hồi phục và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy doanh số bán xe hơi đã hạn chế đà suy giảm.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn Osaka giảm 1,8 JPY tương đương 0,7% xuống 247,8 JPY (1,8 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tuần trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 55 CNY lên 12.670 CNY (1.891 USD)/tấn.
Giá cà phê đồng loạt giảm tại Việt Nam, Indonesia, New York và London
Giá cà phê tại các nước cung cấp cà phê robusta lớn tại châu Á như Việt Nam và Indonesia đều giảm, theo xu hướng giá tại London suy giảm.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) chào bán ở mức trừ lùi 130-150 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn London và so với mức trừ lùi 150-160 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 41.800-42.300 VND (1,79-1,81 USD)/kg, giảm so với 42.400-44.000 VND 1 tuần trước đó.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6/2022 giảm 3,5% so với tháng trước đó xuống 137.403 tấn. Trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,02 triệu tấn cà phê, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 90-100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9/2022 và giảm so với mức trừ lùi 140-150 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 0,3 US cent tương đương 0,1% xuống 2,189 USD/lb.
Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2022 giảm 0,6% xuống 1.944 USD/tấn – thấp nhất 10,5 tháng.
Giá đường diễn biến trái chiều
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE tăng 0,53 US cent tương đương 2,9% lên 18,52 US cent/lb.
Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2022 trên sàn London giảm 0,3 USD tương đương 0,1% xuống 555 USD/tấn.
Giá lúa mì tăng 4%, đậu tương và ngô tăng
Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng 4%, hồi phục từ mức thấp nhất 4,5 tháng trong phiên trước đó, do lo ngại suy thoái trên thị trường tài chính suy giảm.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì tăng 32 US cent lên 8,36-1/2 USD/bushel, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/2/2022 (7,85-1/4 USD/bushel) trong phiên trước đó. Giá đậu tương tăng 42-3/4 US cent lên 13,65-1/2 USD/bushel và giá ngô tăng 11-1/4 US cent lên 5,96-1/4 USD/bushel.
Giá gạo tăng tại Ấn Độ và Thái Lan, không thay đổi tại Việt Nam
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh khi đồng rupee suy yếu, trong khi Bangladesh cho phép các thương nhân nhập khẩu 700.000 tấn gạo.
Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm tăng lên 361-366 USD/tấn so với 355-360 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam ở mức 415-420 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng lên 420 USD/tấn, so với 412-415 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá dầu cọ rời khỏi chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng, rời khỏi chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp do đồng ringgit suy yếu, song lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đã hạn chế đà tăng.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 80 ringgit tương đương 1,97% lên 4.135 ringgit (934,25 USD)/tấn. Trước đó trong phiên, giá dầu cọ giảm 4,8% bởi lo ngại nhu cầu khi nước sản xuất hàng đầu – Indonesia – tăng khối lượng xuất khẩu.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 8/7
Minh Quân