(Tổ Quốc) - Theo đánh giá của JLL Việt Nam, trong quý đầu năm 2021, nhu cầu mua nhà phố, biệt thự tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt đến từ nhu cầu đầu tư. Trong đó, khu vệ tinh Tp.HCM nổi lên là thị trường được chú ý của phân khúc này.
Theo báo cáo của đơn vị này, lượng mở bán BĐS liền thổ của Tp.HCM vẫn còn hạn chế với chỉ 292 căn được tung ra trong quý đầu năm, trong đó 51% đến từ dự án Amelie Villa ở khu Nam Sài Gòn, còn lại là các dự án nhà phố quy mô nhỏ tại Q.12 và Bình Tân.
Trong khi đó, với thủ tục pháp lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, các tỉnh vệ tinh của Tp.HCM hiện trở thành tâm điểm về nguồn cung nhà liền thổ với lượng mở bán mới của 4 tỉnh còn lại đạt 1.656 căn. Tỉnh Đồng Nai ghi nhận số lượng mở bán mới cao nhất, đóng góp một nửa nguồn cung mới với 828 căn, gần gấp ba so với Tp.HCM.
JLL chỉ ra, tổng lượng bán BĐS liền thổ đạt 1.937 căn, tăng 45% so với quý trước. Bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19 trong quý và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, quý đầu tiên của năm 2021 vẫn chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ từ cả người mua để ở và người mua đầu tư. Lượng bán chủ yếu đến từ các dự án tích hợp tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu (lần lượt là 911 và 472 căn), trong khi Bình Dương, Long An và Tp.HCM ghi nhận lượng bán thấp hơn do số lượng căn được mở bán ít hơn. Phần lớn người mua chủ yếu là nhà đầu tư dài hạn, những người sẽ được hưởng lợi từ xu hướng giá đất liên tục tăng.
Về giá bán, đơn vị này cho hay giá bán sơ cấp tiếp tục tăng. Trong quý 1/2021, giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ tại các tỉnh phía Nam là 2.641 USD/m2 đất, chỉ bằng một nửa giá trung bình của Tp.HCM. Giá bán toàn khu vực phía Nam chứng kiến mức tăng trưởng tốt với mức tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng này chủ yếu đến từ các giai đoạn sau của một số dự án phức hợp quy mô lớn tại Thành phố Thủ Đức và tỉnh Đồng Nai, nơi các chủ đầu tư đã hoàn thiện một số tiện ích nội khu hỗ trợ như công viên giải trí, trường học quốc tế, bến du thuyền trên sông và do đó đã thành công trong việc thành lập một cộng đồng sinh sống.
"Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và tình hình quỹ đất hạn chế ở Tp.HCM dự kiến sẽ thu hút nhu cầu mua nhà liền thổ về các tỉnh lân cận. Cùng với sự gia nhập của các dự án khu đô thị chất lượng, giá sơ cấp của Nhà liền thổ ở cả Tp.HCM và vùng lân cận được kỳ vọng sẽ tăng mạnh", đại diện JLL nhấn mạnh.
Còn theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong quý đầu năm, phân khúc nhà phố, biệt thự khu vực Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 9 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 2.000 căn, tăng 1% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 33% (khoảng 666 căn), bằng 41% so với quý 4/2020. Nguồn cung mới trong quý tập trung chủ yếu ở Đồng Nai và Tp.HCM. Trong đó, Đồng Nai tiếp tục là địa phương dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường.
Đối với khu vực tỉnh giáp ranh, sự quan tâm của khách hàng tập trung chủ yếu vào những dự án quy mô lớn, quy hoạch bài bản và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín.
Riêng tại Tp.HCM, theo số liệu thống kê của đơn vị này, trong quý 1/2021 có 5 dự án mở bán (bao gồm 4 dự án mới và 1 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung cấp ra thị trường 346 căn, giảm 10% so với quý trước và giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 57% (tương đương 197 căn), giảm 26% so với quý 4/2020 và giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020. Trước việc tái bùng phát của dịch bệnh Covid-19 và lịch nghỉ tết Âm lịch kéo dài khiến nguồn cung và lượng tiêu thụ tại Tp. HCM giảm so với quý trước, tập trung cục bộ ở khu Đông.
Khu Đông tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của thị trường trong quý khi lần lượt chiếm 54% nguồn cung và 55% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.
Tình hình giao dịch thứ cấp không có nhiều biến động, thanh khoản thị trường ở mức trung bình. Các giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, giao thông kết nối trung tâm thuận lợi có giá bán trên dưới 10 tỷ đồng/căn.
Cũng theo đơn vị này, nguồn cung nhà phố, biệt thự đang có xu hướng dịch chuyển ra những địa phương giáp ranh Tp.HCM như Đồng Nai, Bình Dương,... nơi có quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện và mức giá bán còn tương đối thấp.
Báo cáo quý 1 của Savills Việt Nam cũng chỉ ra, tại Tp.HCM nguồn cung sơ cấp nhà phố, biệt thự hơn 470 căn, thấp nhất trong 5 năm qua, giảm 50% theo quý và 59% theo năm. 180 căn từ các dự án mở bán mới, trong khi 63% nguồn cung sơ cấp đến từ hàng tồn kho.
Nguồn cung nhà liền thổ dự kiến sẽ tiếp tục khan hiếm khi quy hoạch nhà ở Tp.HCM đến 2030 sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Trong 10 năm qua, phân khúc nhà thấp tầng chiếm chưa đến 10% nhà ở mới, tỷ lệ này được dự báo tiếp tục sụt giảm trong các năm tới.
Tuy vậy, tại khu vực ngoại thành đến 2023 sẽ có gần 9.200 nguồn cung mới sẽ mở bán. Bình Chánh chiếm 25% nguồn cung mới, tiếp theo là Quận 9 với 18%, và Quận 2 chiếm 17%. Nhìn chung tiến độ các dự án tương lai phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở Tp.HCM đến 2030. Dự án tương lai tập trung tại các Quận 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân, và các quận huyện ngoại thành Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và Hóc Môn. Đây là các quận có quỹ đất lớn, phù hợp để phát triển các dự án bất động sản song song và đồng bộ với việc nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường, Tp.HCM Savills Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế nội địa tiếp tục khả quan, giá tăng trong thị trường nhà liền thổ phần lớn đến từ lượng vốn lớn. Nguồn cung khan hiếm đang thúc đẩy mạnh mẽ phân khúc nhà phố, biệt thự.
Hạ Vy