(Tổ Quốc) - Doanh số các mẫu ô tô trên trong tháng 8 đã sụt khoảng 50%, ghi nhận mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Toàn thị trường sụt giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, sản lượng bán hàng của tất cả hãng xe thuộc hiệp hội chỉ đạt 7.714 xe trong tháng 8, giảm 47% so với tháng 7 và 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính thêm cả 2 nhà sản xuất có doanh số lớn là Hyundai và VinFast, mức giảm doanh số của toàn thị trường vẫn đạt mức xấp xỉ 50%.
Tháng 8 trùng vào thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cùng ảnh hưởng tâm lý hạn chế mua xe trong tháng Ngâu khiến thị trường xe sụt giảm doanh số mạnh chưa từng thấy. Hầu hết hãng xe lớn đều ghi nhận tình trạng sụt giảm mạnh.
Doanh số của một số hãng xe lớn trong tháng 8 đều sụt giảm mạnh so với tháng 7.
Chẳng hạn, doanh số của Hyundai giảm từ hơn 4.000 xe xuống còn 2.182 xe, VinFast giảm từ gần 3.800 xe xuống còn hơn 2.300 xe, Toyota giảm từ 3.600 xe xuống còn hơn 2.500 xe. Một số hãng chứng kiến mức giảm doanh số trên 50% như Honda, Ford, Mitsubishi hay Isuzu. Tất cả tạo nên một tháng được cho là ảm đạm nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Toàn thị trường sụt giảm, các mẫu xe hàng hot cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Nhìn vào doanh số 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng 8, có đến 9/10 mẫu ghi nhận doanh số giảm so với tháng trước. Chỉ có duy nhất một mẫu "đi ngược dòng" là Kia Seltos. Mẫu SUV đô thị của Kia ghi nhận doanh số tăng nhẹ từ 767 lên 832 xe trong tháng vừa qua. Trong bảng danh sách này cũng chứng kiến những mẫu xe có doanh số giảm tính bằng lần như bán tải Ford Ranger (giảm 3,3 lần), Kia Cerato (giảm 2,5 lần) hay Hyundai Santa Fe (giảm 2,3 lần).
Đây cũng là tháng hiếm hoi có đến 5 mẫu xe chỉ đạt doanh số chưa đến 400 chiếc nhưng vẫn có mặt trong top 10 xe bán chạy nhất là Hyundai Grand i10, Kia Cerato, Hyundai Santa Fe và Mazda CX-5.
Doanh số 10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường so với 1 tháng trước đó.
Nhiều xe đạt doanh số thấp khó tin
Tháng 8 cũng chứng kiến nhiều mẫu xe được xem là "quốc dân" đạt doanh số thấp đến mức khó tin.
Misubishi Xpander – mẫu MPV đa dụng rất được thị trường ưa chuộng trong khoảng 3 năm qua, thường xuyên có mặt trong top 10 xe bán chạy chỉ đạt doanh số 98 xe trong tháng vừa qua. Ngoài ảnh hưởng của đại dịch khiến nhu cầu mua xe chạy dịch vụ giảm xuống gần như bằng 0, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cho cũng gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sản xuất của Xpander. Hãng này đã phát đi thông báo về tình trạng khó giao hàng những chiếc Xpander từ cách đây vài tháng.
Toyota Innova – đối thủ chính của Xpander cũng chỉ đạt doanh số 10 xe. Tháng trước đó, mẫu xe này cũng chỉ bán được 41 xe, cho thấy Toyota cần có ngay các biện pháp cần thiết (giảm giá kích cầu) nếu không muốn MPV "quốc dân" một thời bị người dùng lãng quên.
Mitsubishi Xpander và Toyota Innova đều có doanh số kém ấn tượng trong tháng vừa qua.
Ở phân khúc SUV, ngoại trừ Hyundai Santa Fe có doanh số tạm chấp nhận được (dù sụt giảm mạnh) ở mức gần 400 xe, hay Kia Sorento với hơn 100 xe, các mẫu xe còn lại đều có doanh số rất "đuối" như Toyota Fortuner với 69 xe bán ra, Ford Everest bán 13 xe hay Mitsubishi Pajero Sport bán 4 xe.
Tháng 8 cũng là giai đoạn nhiều mẫu xe được giảm giá mạnh để "kích cầu". Nhiều hãng tung ra chương trình giảm 50% phí trước bạ hoặc giảm trực tiếp tiền mặt cho khách mua xe, chưa kể các ưu đãi tặng kèm của đại lý. Mặc dù vậy, biện pháp "chữa cháy" này cũng không thể đẩy doanh số lên trong bối cảnh người dùng gặp khó trong bối cảnh giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra ngoài, không phát sinh nhu cầu mua sắm xe cộ.
Các hãng xe, đại lý kinh doanh đang kỳ vọng vào các biện pháp nới lỏng giãn cách trong tháng 9 này để đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Các chuyên gia dự đoán, doanh số xe trong tháng 9 có thể đi lên nhưng gần như không thể quay trở lại mức trước khi dịch bùng phát. Do đó, người dùng có thể tin rằng sẽ còn nhiều chương trích kích cầu hấp dẫn khác được đưa ra trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Thành Duy