Giá trị ngành sách nói toàn cầu tăng trưởng trung bình mỗi năm 20% trong khi sách giấy duy trì tỉ lệ 5 đến 7%/năm. Đây là mảng nội dung tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản. Việt Nam đang ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường này.
Từ một trường hợp xuất bản ngược
Ngày 21/4, đường sách TP.HCM ghi nhận một sự kiện đặc biệt: ra mắt tập sách Tuổi trẻ dùng để làm gì của tác giả Huỳnh Chí Viễn. Trung bình, mỗi năm Việt Nam xuất bản hơn 33.000 đầu sách. Cuốn sách của nhà tâm lý sư phạm này khác biệt, bởi quy trình xuất bản của nó hoàn toàn ngược với truyền thống.
"Cuốn sách là tập hợp những bài viết của tôi dành cho các bạn trẻ trên Facebook, khi chứng kiến những chông chênh của họ trong cuộc sống", nhà giáo dục Huỳnh Chí Viễn chia sẻ. Viết dưới dạng "blog", dù được đón nhận nhiệt tình với lượng tương tác khá tốt trên mạng xã hội nhưng khi nhận được lời đề nghị chuyển nội dung thành sách nói, tác giả cũng không khỏi bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi tác phẩm nằm trong danh sách 15 cuốn sách được nghe nhiều nhất trên Voiz FM năm 2022. Thành công này kéo dài khi 6 tháng sau khi phát hành sách nói, tác giả nhận được đề nghị chuyển thể tác phẩm thành sách giấy, với số lượng bản in đầu tiên lên đến 3.000 quyển.
"Quy trình biên tập các bài viết thành sách nói khá đơn giản, vì văn phong gần nhau. Nhưng khi xuất bản sách giấy, đòi hỏi công tác biên tập,... đều phải dụng công nhiều hơn", ông Lê Hoàng Thạch, CEO ứng dụng Voiz FM nhận xét. Theo ông Thạch, sách nói và sách giấy dù khác nhau về hình thức nhưng vẫn nằm trong cùng một hệ sinh thái của ngành xuất bản. Thống kê hành vi người dùng mà Voiz FM ghi nhận trên hệ thống cho thấy, 60% người nghe sách nói sẽ đi tìm mua sách giấy nếu nội dung phù hợp. Hiện Tuổi trẻ dùng để làm gì đã đạt hơn 1,2 triệu lượt nghe. Chỉ riêng kênh youtube của ứng dụng, người nghe tác phẩm này cũng đã vượt 1.800 lượt. Như vậy, việc đơn vị xuất bản tìm đến tác giả thương lượng bản quyền tác phẩm nhiều tiềm năng phát hành sách giấy cũng là điều dễ hiểu.
Đến cơ hội phát triển của ngành xuất bản Việt
Hành trình xuất bản ngược của Tuổi trẻ dùng để làm gì mở ra một con đường mới cho ngành xuất bản Việt Nam. Theo ông Lê Hoàng Thạch, điển hình này cho thấy sách nói hoàn toàn có khả năng trở thành thăm dò thị hiếu độc giả của ngành xuất bản. Bởi chi phí đầu tư cho 1 tác phẩm sách nói so với toàn bộ chi phí biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành... sách giấy thường thấp hơn rất nhiều. "Đây sẽ là con đường mà các nhà làm sách cần chú ý trong tương lai. Tiềm năng của sách nói thực sự không hề nhỏ", ông Thạch khẳng định.
Thống kê từ Grand View Research cho thấy, quy mô thị trường sách nói toàn cầu được định giá là 5.364,9 triệu USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ CAGR là 26,3% từ năm 2023 đến năm 2030. Sau 15 năm hình thành và phát triển, sách nói thực sự đã có vị thế vững mạnh trên thị trường.
Ở Việt Nam, dù tham gia khá muộn nhưng thị trường sách nói đang phát triển tương tự như các quốc gia tiên tiến như Đức, Mỹ... là bỏ qua giai đoạn phát triển sách điện tử (ebook), tiến thẳng đến sách nói. Hiện mức độ đón nhận của người dùng Việt dành cho sách nói rất lớn, với lượng khách hàng tập trung ở thế hệ trẻ, những người trưởng thành. "Những năm qua, thị trường sách nói trong nước trải qua giai đoạn tích lũy về mặt số lượng. Thời gian tới sẽ tập trung cho chất lượng và tận dụng công nghệ để tối ưu khả năng tiếp cận của người dùng", ông Thạch nói.
Mất hơn 3 năm để chuyển thể hơn 3.000 tác phẩm thành sách nói, Voiz FM hiện đang là ứng dụng sách nói phổ biến hàng đầu Việt Nam. Theo ông Thạch, năm 2024 sẽ là thời gian Voiz FM bứt phá, với việc đầu tư công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào kho nội dung. Đồng thời, phát triển các nội dung chuyên sâu, nâng cao tính địa phương hóa hướng tới từng đối tượng nghe ở các vùng, miền khác nhau. Người sáng lập Voiz Fm khẳng định: Công tác liên kết với tác giả, đảm bảo quyền lợi cho người viết cũng sẽ tiếp tục được theo đuổi và tuân thủ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu".