(Tổ Quốc) - Đó là "thế giới" của Apple và Samsung, chúng ta chỉ đang sống trong thế giới đó.
Điện thoại thông minh không còn hot như trước đây. "Cục gạch" mà bạn mang theo mọi nơi, mọi lúc không giống một thiết bị của tương lai nữa – nó giống như một sản phẩm thiết yếu.
Khi người tiêu dùng đã ổn định với hệ sinh thái và lòng trung thành với thương hiệu, sự cạnh tranh trên thị trường này ngày càng thu hẹp. Trong khi các khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ còn có "đất" cho các thương hiệu mới, thì thị trường như Bắc Mỹ hay châu Âu – chỉ một số ít công ty được lòng người tiêu dùng. Quan trọng hơn, các thương hiệu mới gần như không có "cửa" để chiếm lấy lòng tin của người tiêu dùng.
Tháng 4 đánh dấu sự kiện 1 năm LG rút khỏi thị trường di động. Mặc dù điện thoại cao cấp của của hãng có doanh số khá hạn chế, những chiếc di động tầm thấp của LG vẫn từng rất thành công và khi LG "rời đi", một lỗ hổng không nhỏ đã xuất hiện tại thị trường Bắc Mỹ.
Thị phần smartphone tại Mỹ.
Không có LG, Motorola đã tiếp quản phần lớn lỗ hổng đó, vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần tại Mỹ sau gần 1 năm khi LG lặng lẽ rời thị trường. Nếu chỉ tính phân khúc dưới 400 USD, công ty này thậm chí còn giữ vị trí thứ 2, theo số liệu của Counterpoint Research.
Nhưng ở phân khúc cao cấp thì sao? LG không phải một đối thủ lớn nhưng những chiếc di động của hãng (nếu ra mắt) vẫn là đối trọng nhất định với Galaxy S22 hay Google Pixel 6. LG "mất tích" trên thị trường là một dấu hiệu khác cho thấy sự lựa chọn của người dùng đang cạn kiệt dần.
Nhìn vào doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu, bạn sẽ thấy điều này rất rõ ràng. Apple và Samsung hiện dẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp đến là Xiaomi, Oppo và Vivo trong top 5. Nhưng tại Mỹ, Oppo (bao gồm của OnePlus), Xiaomi và Vivo không có các kênh bán hàng chính thức. Tất cả các nhà sản xuất còn lại – kể cả Motorola – chỉ được xếp vào nhóm "nhà sản xuất khác".
Sự cạnh tranh có vẻ gay gắt hơn nhiều nếu tập trung vào nhóm điện thoại thông minh "cao cấp" – được định nghĩa là các thiết bị có giá bán hơn 400 USD. Không ngạc nhiên khi Apple thống trị phân khúc này. Các con số thống kê mới nhất cho thấy thị phần bán hàng toàn cầu của Apple trong phân khúc này ở mức khổng lồ là 60% vào năm 2021, tăng 5% so với năm trước.
Samsung vẫn giữ vị trí thứ 2 nhưng chỉ chiếm 13%, giảm 4% so với năm 2020. Trong khi Oppo cố gắng tăng thị phần của mình từ 2 lên 4%, không công ty nào trong số này có thể theo kịp doanh số của Apple. Điều này phần nào gây lo ngại cho các chuyên gia, những người muốn duy trì tính cạnh tranh ở thị trường di động.
Thị phần smartphone cao cấp toàn cầu năm 2020 và 2021.
Việc toàn bộ dải sản phẩm của Apple đều được định giá trên 400 USD đóng vai trò quan trọng cho thị phần tuyệt đối của hãng. Tuy nhiên, ngay cả khi LG và HTC rút khỏi thị trường, Huawei dính một "đòn" nặng dẫn đi thị phần giảm sút mạnh, "không gian" cho những người chơi mới vẫn không có.
OnePlus có doanh số khá tệ và đang dần tập trung vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng rất khó để gia nhập thị trường Mỹ.
Do đó, câu chuyện dù không mới nhưng người ta vẫn phải nhắc đi nhắc lại: khoảng cách giữa Apple và Samsung và phần còn lại của ngành – đặc biệt trong phân khúc di động cao cấp, nơi thu hút sự quan tâm của phần lớn người dùng – ngày càng tăng.
Nguyên nhân, tất nhiên, không đến từ việc LG rời đi. Nó chính xác hơn là kết quả của việc thị trường đã mất tính cạnh tranh, dẫn đến việc hàng loạt nhà sản xuất danh tiếng chọn cách rời bỏ thị trường, hơn là "cố đấm ăn xôi".
Khi sự cạnh tranh biến mất, đừng ngạc nhiên khi các tính năng mới cho smartphone ngày một ít, giá tiếp tục tăng còn người dùng thì có càng ít các sự lựa chọn.
Nguồn: Android Police
Đức Nam