(Tổ Quốc) - Trong khi giá cổ phiếu lập đỉnh, hàng loạt lãnh đạo và người nhà nhanh tay chốt lời thu. Bên cạnh đó, hàng loạt công ty cũng tranh thủ bán cổ phiếu quỹ thu về hàng trăm tỷ đồng.
Thời gian qua, "bữa tiệc chứng khoán" trở nên vô cùng sôi động khi dòng tiền đầu cơ cuồn cuộn đổ vào thị trường khiến hàng loạt cổ phiếu tăng phi mã chỉ trong thời gian ngắn. Chớp thời cơ này, lãnh đạo và người nhà đã nhanh tay chốt lời và thu về hàng trăm tỷ.
Điển hình nhất là thương vụ thoái gần hết vốn của vợ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) vừa qua. Theo đó, bà Lê Thị Hà Thành đã "chốt lời" thành công 1,6 triệu cổ phiếu DIG trong phiên tăng kịch trần vào ngày 25/11. Tạm tính theo giá cổ phiếu trong thời điểm trên, bà Thành có thể thu về hơn 106 tỷ đồng.
Động thái thoái vốn của phu nhân chủ tịch khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi lo ngại khi cổ phiếu DIG đang giao dịch trên đỉnh lịch sử. Đây cũng được xem là cổ phiếu bất động sản có mức tăng mạnh hàng đầu khi phi một mạch từ 30.000 đồng lên thẳng vùng đỉnh 72.000 đồng/cổ phiếu (phiên 18/11).
Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) thời gian gần đây cũng gây chú ý khi lãnh đạo dồn dập thoái vốn thu lời hàng tỷ đồng. Tuy không tăng nóng như DIG, nhưng DXG cũng liên tục phá đỉnh lịch sử khi tăng từ 18.000 đồng lên 32.700 đồng/cổ phiếu (phiên sáng 30/11) chỉ trong hơn một tháng.
Cập nhập mới đây, bà Đỗ Thị Thái, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đã bán xong 583.000 cổ phiếu DXG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,3%. Trước đó, hàng loạt lãnh đạo DXG cũng ồ ạt bán cổ phiếu tại công ty này.
Động thái thoái vốn của lãnh đạo cũng diễn ra tại Tổng công ty 36 – CTCP (mã G36). Khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh 54% lên vùng đỉnh lịch sử chỉ trong một tháng, ông Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên HĐQT đã nhanh chóng bán ra 5,5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,16% và chính thức không còn không còn là cổ đông lớn. Tạm tính theo giá ngày giao dịch cuối cùng vào 18/11, lãnh đạo có thể thu về hơn 100 tỷ đồng sau khi chốt lời cổ phiếu G36 tại vùng đỉnh.
Ngược dòng thời gian, hồi đầu tháng 10, sếp của CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) - ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc công ty cũng có màn "thoát hàng" thành công mỹ mãn khi thu về khoảng 724 tỷ đồng nhờ chốt lời 15 triệu cổ phiếu NKG đúng vùng đỉnh lịch sử khi đó. Sau khi thoái vốn, ông Vũ chỉ còn nắm 3,58% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại NKG.
Thời điểm đó, cùng với cơn sốt cổ phiếu cổ phiếu thép, thị giá NKG liên tục "công phá" đỉnh cũ, tạo lập đỉnh mới trên mốc xấp xỉ 56.000 đồng vào cuối tháng 10. Tuy giá ông Vũ bán ra không phải mức cao nhất, song cũng cho thấy vị lãnh đạo này khá thức thời khi bước sang đến tháng 11, mã này đã lao dốc xuống mức 42.500 đồng/cổ phiếu.
Lãnh đạo thoái vốn trong bối cảnh cổ phiếu NKG đang lập đỉnh
Bên cạnh đó, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp cũng đăng ký thoái vốn trong khi cổ phiếu đang trên đà bứt phá mạnh.
Một trong những cái tên được chú ý là CMS của CTCP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam. Đây là một trong những mã tăng mạnh nhất trên sàn chứng khoán khi giá tăng gấp 6 lần chỉ trong một tháng. Chốt phiên 29/11 cổ phiếu này dừng ở mức 28.200 đồng, đây cũng là giá cao nhất của CMS kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong khi thị giá lập đỉnh mọi thời đại, ông Phạm Minh Phúc, Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký bán ra hơn 1,6 triệu cổ phiếu CMS từ ngày 29/11 đến ngày 29/12. Cùng chiều giao dịch, ông Kim Ngọc Nhân, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cũng vừa đăng ký bán ra 625.434 cổ phiếu CMS cũng khoảng thời gian đó.
Đáng chú ý, trái ngược với sự "thăng hoa" trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của CMS lại không mấy sáng sủa khi liên tục ghi nhận thua lỗ. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng gần 9 tỷ đồng, tăng 19% so với khoản lỗ năm trước.
Mới "nổi sóng" trên thị trường không lâu, cổ phiếu TNI của CTCP Tập đoàn Thành Nam cũng gây ấn tượng với nhà đầu tư với12 phiên tăng trần liên tiếp. Đà tăng ngoạn mục gấp 3 lần trong một tháng đã giúp mã này chạm mốc 13.700 đồng vào phiên 26/11.
Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Hùng Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT (mã TNI) vừa đăng ký bán toàn bộ 391.490 cổ phiếu nắm giữ tại công ty này. Tuy giao dịch chưa được thực hiện, song thông tin này cũng khiến cổ phiếu TNI quay đầu giảm sàn hai phiên liên tục xuống mốc 11.900 đồng/cổ phiếu vào phiên sáng 30/11.
Chứng khoán thăng hoa, doanh nghiệp cũng "đua nhau" bán cổ phiếu quỹ
Giá cổ phiếu tăng cao khiến làn sóng bán cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp dường như tăng mạnh hơn bao giờ hết. Hàng loạt công ty chớp cơ hội "ngàn năm có một" đăng ký bán ra toàn bộ cổ phiếu quỹ thu về hàng trăm tỷ đồng.
Mới đây nhất là Chứng khoán VnDirect (mã VND) khi mới thông báo bán xong 5,9 triệu cổ phiếu quỹ và thu về khoảng 473 tỷ đồng. Công ty chứng khoán bán gần hết cổ phiếu quỹ trong thời điểm cổ phiếu đang bật tăng lên mức đỉnh lịch sử 81.400 đồng/cổ phiếu (phiên 24/11). Sau đó, mã này đã điều chỉnh về mức 80.900 đồng, song vẫn tăng hơn 60% trong một tháng.
Tương tự, Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã HAH) cũng tăng mạnh gấp 4 lần so với hồi đầu năm lên mức 71.800 đồng/cổ phiếu trong phiên sáng 30/11. Chớp cơ hội này, HAH cũng vừa bán ra toàn bộ 1,38 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Với giá bán bình quân 71.325 đồng/cổ phiếu, HAH đã thu khoảng 100 tỷ đồng sau thương vụ bán cổ phiếu quỹ này.
Thị giá tăng gấp hơn 6 lần kể từ hồi đầu năm, CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã API) cũng tranh thủ bán cổ phiếu quỹ và thu về xấp xỉ 100 tỷ đồng. Theo đó, API đã bán toàn bộ 1 triệu cổ phiếu quỹ nắm giữ với bán bình quân 98.900 đồng/cổ phiếu.
Trên thực tế, có khá nhiều doanh nghiệp niêm yết đã mua vào cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu ở mức thấp so với nội lực của doanh nghiệp. Việc bán cổ phiếu quỹ ở thời điểm hiện tại không chỉ giúp các doanh nghiệp này thu về lượng tiền đáng kể để bổ sung nguồn vốn sau một năm chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Minh Minh