Thị trường vốn gồm kiềng ba chân là nguồn vốn tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu. Khi mà thị trường cổ phiếu suy yếu, thị trường trái phiếu đứt gãy thì tất cả phụ thuộc vào tín dụng.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành đang tạo hành lang pháp lý cho các công ty bị quá hạn thanh toán gốc trái phiếu có thể hoán đổi tài sản hoặc gia hạn thanh toán gốc tối đa 2 năm với sự đồng ý của trái chủ. Theo thống kế của HNX, từ 16/09/2022 đến 31/1/2023 có 54 công ty bị quá hạn thanh toán gốc trái phiếu, trong đó phần lớn là doanh nghiệp BĐS. Trước đó, số lượng này gần như bằng 0.
Tháng 2/2023, chỉ có 2 công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ ("TPRL") với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam ("VBMA"), trong năm 2023 có tới 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tương đương với 2,4% tổng dư nợ tín dụng hiện tại. Đây là sự mất cấn đối nghiêm trọng ở thị trường vốn được xem như là kiềng ba chân.
Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, thị trường BĐS đóng băng và nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn thì nguồn tiền nào sẽ giúp các công ty thanh toán nợ trái phiếu đến hạn?
Nhà đầu tư lo lắng, công ty niêm yết gặp khó
Cần phải nhìn nhận rõ về tầm quan trọng của thị trường trái phiếu hiện nay. Theo thống kê từ HNX có 776 công ty phát hành TPRL. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2023 có tới 8.000 - 9.000 tỷ trái phiếu được mua lại trước hạn. Trong năm 2022 con số giá trị trái phiếu các công ty đã mua lại là 118 ngàn tỷ đồng.
Ngay cả các công ty đang niêm yết phải công bố thông tin đẩy đủ và minh bạch cũng phải chủ động mua lại trái phiếu trước hạn. Trong đó có một số doanh nghiệp BĐS như: Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), Tập đoàn DIC (DIG), Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG)…
Cơn lốc trái phiếu khiến các công ty buộc phải tìm mọi cách mua lại trái phiếu trước hạn để tránh ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Cá biệt là trường hợp của PDR, công ty này đã phải nhanh chóng bán 1 lô đất trên mặt tiền đường Điện Biên Phủ với giá thấp hơn rất nhiều so với thị trường, chỉ để mua lại 1.232 tỷ trái phiếu chưa đến hạn (khoảng 40% lượng trái phiếu đã phát hành). Ngoài mục đích cơ cấu giảm nợ còn nhằm bình ổn tâm lý của cổ đông khi giá cổ phiếu lao dốc chỉ vì công ty "có trái phiếu".
Niềm tin đã bị đánh mất, nhà đầu tư cá nhân đang xem trái phiếu như một loại "dịch bệnh", công ty nào còn số dư trái phiếu cũng đều là "con bệnh" bất chấp tình hình sức khỏe tài chính ổn định như thế nào đi nữa.
Phải có tiền mới tạo dựng được niềm tin
Với hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng chặt chẽ, ngân hàng là tổ chức có đầy đủ thông tin và am hiểu nhất về sức khỏe doanh nghiệp. Thông tin các ngân hàng có được cũng vượt trội hơn các nhà đầu tư khác trên thị trường. Và chính các ngân hàng cũng là tay chơi lớn nhất trên thị trường trái phiếu hiện nay.
Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ trong thông tư 16/2021/TT-NHNN đang tạo ra các rào cản ngăn ngân hàng mua trái phiếu phát hành với các mục tái cơ cấu, tham gia góp vốn mua cổ phần...
Đây cũng là điểm nghẽn đối với thị trường BĐS hiện nay vì bên mua không huy động vốn được thì không thể nào mua chuyển nhượng và phát triển dự án từ các công ty BĐS đang cần phải tái cơ cấu. Nếu cứ kéo dài vòng xoáy này thì nguy cơ số lượng dự án treo tăng lên, bùng phát nợ xấu đối với các ngân hàng là hiện hữu.
Từ cuối 2022, không nhiều doanh nghiệp có thể bán chuyển nhượng dự án để nhanh chóng tái cơ cấu, giảm nợ như trường hợp của của PDR. Một phần vì pháp lý, nguồn vốn từ tín dụng và trái phiếu vẫn đang bị đứt gãy nghiêm trọng,
Tình trạng này khiến thị trường trái phiếu gần như đóng băng. Tương tự thời điểm dịch Covid bùng phát khiến nợ xấu các ngân hàng có nguy cơ tăng vọt và SBV phải ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN sau đó. Vì thế, nới lỏng thông tư 16 là rất cần thiết khi lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ đáo hạn năm nay lên tới 285.178 tỷ đồng trong khi lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sơ cấp hiện tại là bằng 0.
Điều này không chỉ giúp các ngân hàng chủ động tham gia vào thị trường trái phiếu, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ở thị trường BĐS, mà còn lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường này.
Nghị định 08 của Chính phủ chỉ mới giúp được các công ty bị quá hạn thanh toán trái phiếu, chứ chưa thể nào khơi thông lại thị trường vốn quan trọng này. Cần có chính sách cụ thể mới giúp thị trường trái phiếu hiện nay ấm lại mà không cần bất kì kế hoạch giải cứu hay bơm tiền nào. Nếu không hành động khẩn cấp thì sự khó khăn sẽ sớm lan tới thị trường tín dụng sau khi đã càn quét thị trường cổ phiếu.