(Tổ Quốc) - Sau khi tăng mạnh trong năm 2020, giá đường thế giới năm 2021 dự báo sẽ giảm nhẹ do cung vượt cầu, mặc dù ở thời điểm hiện tại giá đang quanh mức cao kỷ lục nhiều năm.
Thị trường đường thế giới đã trải qua năm 2020 nhiều thăng trầm, song kết quả chung là sự "ngọt ngào" đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng như đầu tư mặt hàng này khi giá đường thô tăng 15,4% kết thúc năm ở 15,49 US cent/lb, trong khi đường trắng còn tăng nhiều hơn, 17,2% đạt 420,9 USD/tấn, lý do bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đường thế giới niên vụ 2020/21 sẽ chuyển hướng từ thừa cung sang thiếu cung, theo đó Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo là sẽ thiếu hụt khoảng 3,5 triệu tấn.
Sang năm 2021, xu hướng tăng giá đường vẫn chưa dừng lại bởi giá dầu thô tiếp tục tăng (nguyên liệu sản xuất đường cũng là một trong những nguyên liệu chính sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol) và tình trạng thiếu container gây khó khăn cho việc vận chuyển mặt hàng đường.
Do đó, chỉ từ đầu năm 2021 đến ngày 10/2/2021, giá đường trắng tiếp tục tăng thêm 12,9% lên 475,2 USD/tấn, cao nhất trong vòng 4 năm; đường thô cũng tăng 6,13% lên 16,44 US cent/lb. Thị trường rơi vào tình trạng cung hụt cầu khi Mỹ công bố tỷ lệ tồn trữ - sử dụng đường trên thị trường này (một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình cung – cầu) đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp, đạt 14,4% trong tháng 2/2021, so với 13,5% của tháng 1.
Ở thời điểm hiện tại, giá đường tăng mạnh do tình trạng thiếu container gây khó khăn cho việc xuất khẩu đường của Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, mặc dù nguồn cung của nước này dồi dào,
Các nhà máy đường Ấn Độ trước đây dự tính xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường trong tháng 2, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ đạt 1/3 khối lượng đó, tương đương khoảng 70.000 tấn, so với 370.000 tấn của tháng 1/2021, thông tin từ Shree Renuka Sugar Ltd – công ty xuất khẩu đường lớn nhất của Ấn Độ - cho biết.
Xuất khẩu đường của Ấn Độ gặp khó ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn cung đường trắng chất lượng thấp, là loại đường mà các thị trường Afganistan, Sri Lanka và Đông Phi có nhu cầu rất cao. Ước tính Sri Lanka hiện đang tiêu thụ khoảng 60.000 tấn đường từ Ấn Độ mỗi tháng, Afghanistan cũng tiêu thụ khoảng 60.000 tấn đường từ Ấn Độ mỗi tháng. Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đã tăng từ 250 USD/container hồi tháng 1/2020 lên 1.000 USD/container vào tháng 1/2021, còn tới Afghanistan đã tăng từ 125 USD/container lên 550 USD/container.
Về triển vọng thị trường đường thế giới năm 2021, các nhà phân tích dự báo giá sẽ không tăng nhiều như năm 2020, thậm chí nhiều khả năng sẽ giảm.
Kết quả khảo sát của Reuters mới đây cho thấy, các nhà phân tích và các nhà kinh doanh đường lớn trên thế giới dự báo giá đường trung bình năm 2021 sẽ giảm, theo đó đường thô sẽ giảm khoảng 7%, từ 15,49 US cent/lb đầu năm 2021 xuống 14,5 US cent/lb cuối năm 2021, trong khi đường trắng sẽ giảm khoảng 3,5%, từ 420,9 USD/tấn xuống 4,7,3 USD/tấn trong khoảng thời gian tương tự. Nguyên nhân bởi những thông tin mới nhất cho thấy nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2020/21 có thể sẽ dư thừa khoảng 0,5 triệu tấn, niên vụ 2021/22 sẽ thừa tiếp 2,8 triệu tấn, theo kết quả khảo sát của Reuters ở 11 thương gia và nhà phân tích uy tín.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo gần đây nhấn dự báo sản lượng đường thế giới năm 2020/21 sẽ tăng, chủ yếu do Brazil tăng tỷ lệ mía dùng sản xuất đường thay vì sản xuất ethanol do giá đường tăng cao gần đây. USDA dự báo xuất khẩu đường toàn cầu năm 2020/21 sẽ cao kỷ lục cũng do xuất khẩu tăng từ Brazil, mặc dù xuất khẩu từ hầu hết các nước khác dự báo vẫn tương tự như năm trước; tiêu thụ đường thế giới sẽ hồi phục nhẹ, sau khi giảm trong năm 2019/20.
USDA dự báo thị trường đường thế giới niên vụ 2020/21 sẽ dư thừa trên 7 triệu tấn (quy đường thô), do sản lượng đường toàn cầu tăng khoảng 10%. Mặc dù vậy, lượng tồn trữ đường thế giới sẽ giảm do sự chênh lệch về thời gian xuất/nhập khẩu, do đó tỷ lệ tồn trữ - sử dụng đường niên vụ 2020/21 sẽ giảm xuống 24,5%, từ mức 27,1% của niên vụ trước.
Sản lượng đường đường thế giới niên vụ 2020/21 dự báo sẽ tăng khá mạnh ở Brazil và Ấn Độ, trong khi tăng vừa phải ở Mỹ, Pakistan và Mexico, trong khi giảm ở Nga, Liên minh Châu Âu và Thái Lan.
Tiêu thụ đường toàn cầu niên vụ 2020/21 dự báo sẽ cao kỷ lục do tăng mạnh ở Ấn Độ, Iran, Indonesia, Trung Quốc và nhiều thị trường khác.
Với cả sản lượng và tiêu thụ tăng, xuất khẩu đường thế giới niên vụ 2020/21 dự báo sẽ tăng 23% so với niên vụ trước, lên kỷ lục cao 65,3 triệu tấn, chủ yếu do xuất khẩu của Brazil tăng. Theo đó, quốc gia này sẽ xuất khẩu kỷ lục 65,3 triệu tấn đường, cao hơn 23% so với niên vụ trước và chiếm gần một nửa tổng lượng xuất khẩu của toàn cầu. Xuất khẩu của hầu hết những nước khác dự báo ổn định so với niên vụ trước.
Tham khảo: Reuters, USDA
Vân Chi