(Tổ Quốc) - “Mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là làm thế nào để khách hàng sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm. Thế nhưng, nếu không hiểu khách hàng thì việc thuyết phục họ sẽ luôn là một bài toán khó đối với bất kỳ doanh nghiệp nào” - Th.S Đặng Thúy Hà (Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam) chia sẻ.
Gắn bó hơn 20 năm với lĩnh vực nghiên cứu thị trường, bà Hà đã chứng kiến và tham gia trực tiếp vào không ít những "bài toán" như vậy. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp dường như chưa thực sự hiểu về khách hàng của mình một cách sâu sắc.
"Doanh nghiệp miêu tả khách hàng mục tiêu của mình rất đơn giản, chỉ là độ tuổi hay mức độ thu nhập. Họ không biết khách hàng mục tiêu của mình có những đặc điểm, sở thích như thế nào, thậm chí lý do quyết định khiến họ bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình thực sự là gì. Đâu là những động lực bên trong, đâu là những lợi ích lý tính hay cảm xúc mà sản phẩm của doanh nghiệp mang lại cho khách hàng… Những thông tin về khách hàng mục tiêu còn rất chung chung" - bà Hà chỉ ra thực trạng hiện nay tại nhiều doanh nghiệp.
Nguyên nhân của tình hình này đến từ nhiều yếu tố. Trước hết, có thể thấy phần đa các start-up hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay được vận hành bởi một đội ngũ nhân lực xuất thân là dân kỹ thuật, cho rằng sản phẩm tốt là đủ. Những yếu tố liên quan đến phương thức kinh doanh, vận hành thị trường, marketing, hay quảng cáo có thể chưa được thực sự chú trọng.
Bà Hà lấy ví dụ về một thương hiệu thẩm mỹ hiện đang khá có tiếng trên thị trường hiện nay: "Khi mới đến với lớp học của tôi, đội ngũ sáng lập của thương hiệu thậm chí đã tu nghiệp ở nước ngoài nhưng khi về nước vẫn loay hoay không biết phải làm gì giữa thị trường quá nhiều sức cạnh tranh".
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường, không phải sản phẩm của họ chưa đủ tốt mà vì họ không nắm rõ nhu cầu của khách hàng. Cần lưu ý rằng nhu cầu ở đây không đơn giản là những thứ bề nổi, ai cũng thấy mà là "những sự thật ngầm hiểu" ở bề sâu. Nếu không chạm đúng phần "ngầm" ấy, doanh nghiệp sẽ không tạo ra được "từ trường" để thu hút khách hàng về phía mình.
Sau khi được cung cấp các kiến thức về thấu hiểu khách hàng, doanh nghiệp lập tức nhận ra những lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh của chính mình. Họ liền bắt tay vào phỏng vấn và làm sáng tỏ chân dung khách hàng mục tiêu. Chủ doanh nghiệp thừa nhận đây là lần đầu tiên anh biết rõ mình cần làm gì để "gãi" đúng những mong muốn sâu xa trong mỗi khách hàng.
Cũng từ ví dụ trên, Th.S Đặng Thúy Hà chỉ ra một thực tế: "khách hàng là thượng đế" là một khẩu hiệu rất dễ nói, nhưng không dễ để thực thi. Để làm được điều này, thái độ thôi là chưa đủ, doanh nghiệp phải đầu tư cả về nhân sự, tiền bạc, quy trình, chất xám,... để tìm cho ra nhu cầu của khách hàng và từ đó làm nền tảng để phát triển sản phẩm, tiếp thị, bán hàng hay chăm sóc khách hàng. Tiếp theo, việc xây dựng văn hóa lấy khách hàng làm trọng tâm sẽ là cầu nối để gắn kết tất cả các phòng ban cùng mang đến cho khách hàng những trải nghiệm ngày càng tốt hơn.
Từng trực tiếp tham gia vào hàng trăm dự án lớn của nhiều ngành hàng, các bài giảng của Th.S Đặng Thúy Hà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế. Sắp tới đây, vị chuyên gia này sẽ kết hợp với HBR Holdings để tiếp tục phát triển các khóa học về nghiên cứu khách hàng cho cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung cho các doanh nghiệp.
HBR được biết đến là địa chỉ học tập, nâng cao kiến thức quen thuộc của giới doanh nhân Thủ đô. Nội dung các khóa học thường xoay quanh các vấn đề cốt tử với mỗi doanh nghiệp như nhân sự, tuyển dụng, marketing, mô hình kinh doanh, văn hóa nội bộ,... Ưu điểm nổi bật của HBR là đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm thực tế, như: TS. Alok Bharadwaj (nguyên Phó chủ tịch cao cấp, phụ trách chiến lược của Canon châu Á), Th.S Đặng Thúy Hà (Giám đốc Nielsen Miền Bắc),... Bản thân người đứng đầu HBR - Mr. Tony Dzung cũng là một chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực nhân sự, marketing, xây dựng chiến lược và mô hình kinh doanh... Kiến thức của ông được đúc kết từ 10 năm làm lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp và học hỏi liên tục từ những trường ĐH hàng đầu thế giới như Harvard, Wharton, MIT Sloan, NUS, SMU…
"Tôi nghĩ điều giá trị nhất trong các khóa học tới đây tại HBR là chúng ta sẽ cùng giải những bài toán kinh doanh mà bản thân các bạn đang phải đối diện hàng ngày. Thông qua đó, tôi sẽ trao đổi và gửi tới các bạn những kiến thức thực tiễn nhất, từ đó các doanh nghiệp sẽ tìm ra những giải pháp cụ thể để tìm thấy cơ hội cũng như vượt qua khó khăn và thách thức trong kinh doanh" - bà Đặng Thúy Hà khẳng định.
Độc giả quan tâm đến các khóa học của Th.S Đặng Thúy Hà tại HBR, có thể truy cập và tìm hiểu tại đây.
Ánh Dương