(Tổ Quốc) - Rất nhiều người nghĩ rằng "ăn no chuốc bệnh vào thân, nhịn đói mới là cách để trường thọ". Nhận định này có đúng không? Sức khỏe sẽ trở nên như thế nào nếu ta nhịn đói?
"Người là gang, thức ăn là thép, gang thép không thể tách rời nhau." Câu nói này đề cập đến tầm quan trọng của việc ăn uống đối với con người, nhưng đồng thời, với sự nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng, suy nghĩ của con người đã thay đổi rất nhiều.
Ăn no chuốc bệnh vào thân có đúng không?
Hãy bắt đầu với vế "Ăn no chuốc bệnh vào thân". Nhận định này hoàn toàn có cơ sở và đáng tin cậy. Ngày nay, rất nhiều căn bệnh đều bắt nguồn từ việc ăn quá no hoặc quá nhiều, điển hình như:
1. Béo phì
Thường xuyên ăn no, nhất là ăn những thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo và calo sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể. Chất béo không kịp chuyển hóa sẽ tích tụ lại trong cơ thể, khiến con người ta tăng cân và béo phì, nhất là béo ở phần bụng.
2. Bệnh dạ dày
Thức ăn vào cơ thể cần được tiêu hóa qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, ăn quá no sẽ làm cho dạ dày và ruột trở nên ì ạch, khiến khả năng hấp thụ và tiêu hóa của cơ thể suy giảm. Nếu ăn no trong một khoảng thời gian dài, chức năng của dạ dày sẽ giảm và phát sinh ra các bệnh về dạ dày như chướng bụng, đau bụng…
Ăn no là nguyên nhân gây ra những khó chịu và bệnh dạ dày. Ảnh: Toutiao
3. Thiếu máu lên não
Sau khi ăn no, máu sẽ tập trung ở ruột và dạ dày để giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng và tiêu hóa, khiến máu lên não bị giảm. Khi ăn no, máu lưu thông lên não càng bị giảm, nếu không kịp đưa máu lên não thì sẽ dễ bị thiếu máu cục bộ.
Trường hợp nhẹ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, còn trường hợp nặng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não.
4. Bệnh Alzheimer
Các nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, một số người bị mắc chứng Alzheimer khi về già, thì ra đều có thói quen ăn no trong một khoảng thời gian dài khi họ còn trẻ.
Với vế câu sau "Nhịn đói mới là cách để trường thọ", thật ra cách nghĩ này không phải là không có lý. Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện nhận định này là đúng. Trong một nghiên cứu trên tạp chí "Nature", các nhà nghiên cứu đã giảm lượng thức ăn của một nhóm chuột xuống còn 40%. Cuối cùng, họ phát hiện rằng những con chuột ăn ít khỏe mạnh và sống lâu hơn những con chuột ăn no.
Ngoài chuột, các nhà khoa học nước ngoài cũng đã tiến hành nghiên cứu trên khỉ. Cuối cùng, họ cũng nhận thấy rằng những con khỉ ăn ít thì khỏe mạnh hơn, trong khi những con khỉ ăn no lại có nguy cơ về các bệnh huyết áp, bệnh tim và các bệnh ngắn hạn khác.
Những nghiên cứu trên đã nói rõ một điều: Kiểm soát tốt chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng để kéo dài tuổi thọ. Nói cách khác, "nhịn đói thật sự sẽ giúp con người sống lâu hơn", nhưng phải ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, ai cũng phải hiểu đúng câu nói "đói giúp cho con người ta sống lâu hơn", "đói" ở đây không phải là bỏ mặc cơ thể, không ăn uống và đói hoàn toàn, mà là ăn có mức độ và "đói" một cách hợp lý.
Vậy, thế nào là đói đúng cách?
Có hai phương pháp để "đói", phương pháp thứ nhất phù hợp với hầu hết mọi người. Còn nếu muốn thử phương pháp thứ hai, thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
1. Ăn 7 phần no
Nếu ăn no không tốt cho sức khỏe, tốt nhất bạn chỉ nên "ăn 7 phần no". Làm thế nào để nhận thấy cơ thể đã ăn được 7 phần no? Nói một cách đơn giản, khi bạn cảm thấy "Ăn thêm cũng được, không ăn thêm cũng không sao", là cơ thể bạn đã ăn được "7 phần no". Lúc này, cơ thể bạn sẽ không ở trong trạng thái đói bụng nữa, bạn có thể buông đũa rồi.
Muốn áp dụng phương pháp "ăn 7 phần no", bạn có thể thử thay đổi thứ tự ăn thức ăn trong bữa. Mọi người thường lựa chọn những món mình yêu thích như: sườn heo, thịt kho… để ăn trước; và chừa lại những món mình không thích như: rau, cải xanh… để ăn sau cùng. Bạn thử đổi thứ tự: ăn rau trước rồi hẵng ăn thịt. Rau cải rất giàu chất xơ, ăn rau trước có thể cải thiện cảm giác no, khiến lượng thịt ăn vào sẽ giảm đi. Ăn thịt ít lại có thể kiểm soát tổng lượng thức ăn và tổng lượng calo nạp vào cơ thể, giúp chúng ta tránh được hiện tượng chướng bụng, đầy hơi.
Ngoài ra, bạn phải giảm tốc độ ăn và nhai chậm lại để não kịp nhận tín hiệu khi cơ thể đã cảm thấy no. Nếu bạn ăn quá nhanh, não sẽ không có thời gian để phản hồi, bạn sẽ không biết mình đã no hay chưa và cứ tiếp tục ăn không ngừng.
"Ăn 7 phần no" là phương pháp ăn để sống khỏe mà ai cũng có thể áp dụng. Ảnh: Toutiao
2. Chế độ "nhịn ăn gián đoạn"
Phương pháp 5:2, hay còn gọi là chế độ "nhịn ăn gián đoạn". Phương pháp này có nghĩa là: trong một tuần, bạn sẽ ăn bình thường trong 5 ngày, và ăn ít hoặc hạn chế ăn trong 2 ngày còn lại. Trong 2 ngày này, lượng calo nạp vào cơ thể chỉ nên trong khoảng 500-600 calo. Nếu bạn muốn giảm cân, nhịn ăn gián đoạn sẽ tốt hơn nhịn ăn thông thường, và phương pháp này cũng dễ dàng thực hiện hơn.
Nhịn ăn gián đoạn là tốt, nhưng không phải ai cũng thích hợp để áp dụng phương pháp này.
3 nhóm người không nên ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn:
- Người suy dinh dưỡng
Nếu ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn, những người suy dinh dưỡng càng khó có thể nạp đủ dinh dưỡng, chất đạm cho cơ thể.
- Trẻ em và thanh thiếu niên
Hai nhóm người này đang trong thời kỳ quan trọng của sự phát triển, việc nhịn ăn có thể khiến lượng dinh dưỡng nạp vào không đồng đều, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú
Lúc này, cả bản thân và thai nhi đều cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, việc nhịn ăn gián đoạn là hoàn toàn không phù hợp.
Muốn thực hiện chế độ nhịn ăn gián đoạn, bạn nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Sau khi nhịn ăn, bạn không nên ăn quá no, mà nên ăn những thức ăn có mật độ dinh dưỡng vừa phải.
Nguồn: Toutiao
Lưu Ly