Theo Ngân hàng quân đội (MB), đơn vị tiên phong áp dụng ESG vào hoạt động kinh doanh, ESG không chỉ mang lại những giá trị cho xã hội mà chính ngân hàng cũng được hưởng nhiều lợi ích khi chất lượng quản trị của hệ thống cũng nâng tầm, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Tối ưu chi phí vận hành
Bộ tiêu chuẩn ESG bao gồm 3 yếu tố: E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp) hiện đang trở thành một công cụ được nhiều doanh nghiệp trên thế giới sử dụng để đo lường sự tác động của một doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội và chất lượng quản trị. Với một ngành có tác động đến hầu hết các ngành nghề khác như ngân hàng và yêu cầu cao về quản trị rủi ro, việc tiên phong áp dụng ESG trong hoạt động kinh doanh lại càng trở nên cần thiết để hướng đến sự chuẩn chỉnh trong vận hành hệ thống.
Là một ngân hàng luôn đi đầu trong những hoạt động đổi mới để nâng cấp chất lượng hoạt động theo những tiêu chuẩn quốc tế mới nhất của ngành, ngay từ năm 2017, MB đã chú trọng đến các hoạt động ESG và đến năm 2023, MB cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế.
Theo các chuyên gia, việc triển khai ESG cũng giúp giảm chi phí vận hành doanh nghiệp nhờ quản trị theo dõi độ hợp lý và tối ưu vận hành như: mức tiêu thụ năng lượng, các chi phí giấy tờ, văn phòng phẩm… Ngoài việc cải thiện quản lý chi phí, các chương trình ESG còn cho phép nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro tốt hơn. MB là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong ngành chi mạnh tay đầu tư số hóa, tận dụng tối đa công nghệ để để đổi mới quy trình liên quan đến các thủ tục hành chính phức tạp nhằm giảm thiểu chi phí và gia tăng những tiện ích mới cho người dùng.
Ban lãnh đạo Ngân hàng cho hay, từ năm 2021 đã có đến gần 90% hoạt động nội bộ của MB không sử dụng giấy tờ, mà áp dụng số hóa trong nhiều khâu. Và đến nay thì con số đã nâng lên mức gần như hoàn toàn không giấy tờ, tức tỷ lệ đạt xấp xỉ 100%. Việc số hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ những quy trình hành chính rườm rà không chỉ góp phần giúp ngân hàng giảm đáng kể chi phí vận hành mà còn khiến cho môi trường làm việc của MB trở nên thân thiện, chuyên nghiệp với người lao động, năng suất lao động nhờ đó cũng tăng lên.
Đối với khách hàng, MB cũng đã số hóa tới 90% sản phẩm tích hợp trên hệ sinh thái App MBBank cho khách hàng cá nhân, BIZ MBBank cho khách hàng doanh nghiệp, giúp tối giảm tối đa việc sử dụng giấy tờ trong các khâu, tối ưu thời gian công sức cho cả khách hàng và nhân lực ngân hàng. MB hiện đang quản lý hơn 20 triệu khách hàng cá nhân và 500.000 khách hàng doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng, quá trình số hóa đã và đang giúp MB giảm đáng kể chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý rủi ro tốt hơn đúng theo chuẩn quốc tế của ESG.
Củng cố, gia tăng hình ảnh thương hiệu
Trong chiến lược ESG của MB, ngay từ sớm, ngân hàng đã thực thi đều ở cả 3 khía cạnh, đặt biệt ưu tiên những mục tiêu hướng đến cộng đồng, yếu tố về môi trường xanh. Năm 2017 - 2018, MB là ngân hàng tiên phong trong việc cho vay dự án năng lượng tái tạo trong thời điểm, năng lượng tái tạo vẫn là một lĩnh vực mới ở Việt Nam. Theo đại diện của MB: Con số mà ngân hàng dành cho tín dụng xanh từ 10 - 11%. Với tín dụng tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm (hiện tại dư nợ cho vay của MB là trên 600 ngàn tỷ đồng) thì đây là con số rất lớn vì hiện nay, một số ngân hàng lớn trên thế giới chỉ dùng khoảng 8% dư nợ để cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh.
Không chỉ chấp nhận mạo hiểm để "đỡ đầu" cho những dự án xanh, MB luôn là ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động hướng đến cộng đồng như: trồng cây xanh, hiến máu, ủng hộ trang thiết bị cho các bệnh viện, xây dựng trường học… Riêng năm 2022, ngân hàng đã triển khai 84 chương trình an sinh xã hội, tổng kinh phí gần 224 tỷ đồng. MB cũng tích cực thực hiện những hoạt động lan toả trách nhiệm xã hội như xây dựng dự án "Xây dựng mạng xã hội thiện nguyện Việt Nam", phối hợp với Quỹ Sống bền vững (Sống Foundation) đã chính thức phát động nhằm gây quỹ trồng rừng, hướng đến mục tiêu phủ xanh 14 ha rừng tại Ninh Thuận cũng như truyền thông nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Trong sự biến động không ngừng của thị trường hiện nay, thương hiệu là tài sản lớn nhất của ngân hàng. của thị trường. Việc đẩy mạnh theo đuổi ESG đều ở cả 3 khía cạnh giúp hình ảnh của MB trở nên ổn định và đáng tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng. Đồng thời, môi trường làm việc của MB đặc biệt thu hút thế hệ người lao động trẻ, những người luôn quan tâm đến tính nhân văn và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Chia sẻ về những được mất khi áp dụng ESG, đại diện MB cho biết: "Áp dụng ESG, những lợi ích có thể nhìn thấy là chất lượng quản trị của hệ thống cũng nâng tầm, khẳng định vị thế của MB trên thị trường trong nước và quốc tế. Thứ mất duy nhất của ESG là mất thời gian. Bởi thực hiện ESG không thể một sớm một chiều có hiệu quả ngay mà sẽ cần phải làm lâu dài. Hiệu quả do ESG mang lại cũng sẽ không thể đến ngay lập tức nhưng sẽ có tác dụng lâu dài, qua các thế hệ."
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, áp dụng ESG để hướng đến phát triển bền vững, gia tăng hình ảnh thương hiệu và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng không còn là lựa chọn mà trở thành quyết định mang tính cấp thiết vì nó giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên, cộng đồng và chính phủ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. MB đã cho thấy sự nhìn xa trông rộng của một ngân hàng tiên phong khi quyết liệt áp dụng ESG từ sớm để tạo dựng nên một thương hiệu luôn duy trì được có sự phát triển ổn định, liên tục và bền vững.