(Tổ Quốc) - Việt Nam đang tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cộng với hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mạnh mẽ, thị trường bất động sản công nghiệp dự báo sẽ phát triển với tốc độ nhanh ngay từ quý 1/2022.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong hai tháng đầu năm với gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, con số này tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (gần 485 triệu USD).
Hai tháng đầu năm chỉ ghi nhận ba dự án FDI lớn. Đơn cử như dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.
Dự án cuối cùng là Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.
Theo báo cáo Tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quý 4/2021 của JLL, thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Bắc không ghi nhận thêm nguồn cung mới. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn sôi động với dự án KCN Gia Bình (Bắc Ninh) của chủ đầu tư Hanaka.
Dự án KCN Yên Phong II-A do Western Pacific làm chủ đầu tư cũng đã được UBND tỉnh Bắc Ninh duyệt quy hoạch. UBND tỉnh Hưng Yên cũng ban hành quyết định thành lập KCN hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc thuộc tổ hợp khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt.
Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp tại Lạch Huyện, Hải Phòng sẽ được khởi công xây dựng đầu năm 2022, dự kiến nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại miền Bắc đạt hơn 10.200ha.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục hút vốn đầu tư.
Thị trường nhà xưởng xây sẵn đón chào thêm nguồn cung mới tại KCN Nam Đình Vũ do BW Industrail làm chủ đầu tư với diện tích 62.000m2, góp phần đưa diện tích nhà xưởng xây sẵn tại miền Bắc đạt gần 2,2 triệu m2 tại thời điểm quý 4/2021.
Hồi phục nhanh chóng sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, các khu công nghiệp trọng điểm tại miền Bắc vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư. Tiêu biểu nhất có thể kể đến quyết định tăng gần 50% năng lực sản xuất của Samsung đối với nhà máy Samsung Electronics tại Bắc Ninh. Hà Nội cũng đón chào dự án nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao của công ty Tomeco tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP).
Với nhiều chính sách khôi phục kinh tế của Chính phủ, tỷ lệ lấp đầy của các KCN phía Bắc duy trì ở mức 80%, tăng trưởng nhanh so với mức 72% của quý 3/2021.
Tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn cũng tăng mạnh, đạt 95,6% khi các doanh nghiệp trong nước quay trở lại hoạt động theo đà phục hồi của kinh tế. Chỉ trong tháng 11/2021 sau khi gỡ bỏ giãn cách, số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng tới 50% so với thời điểm tháng 9 khi dịch bệnh bùng phát.
Việc các khu công nghiệp nhanh chóng thích ứng, duy trì và đảm bảo sản xuất kinh doanh trong quý 4/2021 đã giúp giá đất công nghiệp trong quý 4/2021 phục hồi đà tăng trưởng. Giá đất công nghiệp đạt mức 110 USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, nhà xưởng xây sẵn co thuê cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt so với quý 3/2021, đạt 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chuyên gia của JLL, trong năm 2022, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục đón chào nhiều dự án nhà xưởng xây sẵn như giai đoạn 1 của dự án được phát triển bởi liên doanh Boustead & KTG (BKIM) tại Yên Phong II-C với diện tích 8,1ha, khu nhà xưởng xây sẵn giai đoạn 3 của BW Industrial tại VSIP Hải Dương với điện tích 10,4ha.
Do nhu cầu lớn từ các địa phương trong và ngoài nước, nhiều nhà phát triển bất động sản đang đặc biệt quan tâm tới đất công nghiệp nhằm xây dựng các khu kho xưởng chất lượng cao, không chỉ tại các tỉnh thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc mà cả những địa phương lân cận như Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Còn phía chuyên gia của Savills nhận định, thị trường bất động sản công nghiệp cũng dự báo phát triển tốt dựa trên triển vọng phát triển kinh tế khả quan và việc Việt Nam đang tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cộng với hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng mạnh mẽ. Phân khúc này sẽ có tốc độ phát triển nhanh ngay từ quý 1/2022, nhất là tại khu vực phía Bắc như: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn…
Phong Linh