(Tổ Quốc) - Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày thứ Năm (3/3) khi xung đột ở Ukraine thúc đẩy người người đổ xô đến các nguồn tài nguyên, làm gia tăng lo ngại về tình trạng lạm phát trên toàn cầu.
Sự gián đoạn thương mại và khó khăn trong việc vận chuyển do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu mỏ, giữa bối cảnh dự trữ dầu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm.
Theo đó, giá dầu Brent tăng lên 118,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2/2013; dầu ngọt nhẹ Tây Texas Mỹ (WTI) lên 116,6 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã tăng gần 20% trong tuần này, trong khi mọi thứ, từ than đá đến khí đốt tự nhiên, nhôm… cũng đều cháy hàng.
Giá dầu tăng vọt cùng diễn biến căng thẳng ở Ukraine
Nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA cho biết: "Các tổ chức tài chính toàn cầu đang thực hiện hành động nặng nề và cấm đoán bất cứ điều gì có liên quan đến Nga".
"Tôi nghĩ chừng nào phương Tây còn giữ nguyên tinh thần thì giá dầu sẽ còn tăng cao", nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA cho biết. "Họ có thể nói như vậy, nhưng các tổ chức tài chính toàn cầu đang thực hiện hành động nghiêm khắc và cấm đoán bất cứ điều gì có liên quan đến Nga".
Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của công ty quản lý quỹ AMP cho biết: "Nga cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt và dầu nhập khẩu của châu Âu và chiếm khoảng 11% sản lượng dầu thế giới. "Nói tóm lại, các nhà đầu tư đang lo lắng về một cú sốc lạm phát đình trệ."
MSCI đã gia tăng sự cô lập tài chính đối với Nga bằng cách quyết định loại nước này khỏi chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi của mình, trong khi FTSE Russell cho biết Nga sẽ bị loại khỏi tất cả các chỉ số của mình. Trước đó, Fitch đã xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Nga 6 bậc xuống mức "rác", nói rằng họ không chắc nước này có thể trả được nợ của mình hay không, và Moody's sau đó cũng có động thái hạ mức tín nhiệm tương tự.
Ngân hàng JPMorgan trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình đã cho biết: "Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo giá hàng hóa tăng thêm 10-20% trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra", "Một điều đáng chú ý là cuộc khủng hoảng đã buộc thị trường phải đánh giá lại nhận định về ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) theo cách ôn hòa hơn".
Điều mà thị trường lo ngại bấy lâu nay đang dần hiện ra – Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga, làm dấy lên lo ngại rằng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể sẽ là mục tiêu trừng phạt tiếp theo.
Cho đến nay, Washington vẫn chưa động tới xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga bởi chính quyền của ông Biden cân nhắc các tác động lên thị trường dầu mỏ toàn cầu và giá năng lượng của Mỹ.
Tuy nhiên, nhà phân tích Jeffrey Halley của OANDA cho biết: "Họ có thể nói như vậy, nhưng các tổ chức tài chính toàn cầu đang thực hiện các hành động nặng nề và cấm đoán bất cứ điều gì có liên quan đến Nga".
Trên thực tế, Mỹ hôm 2/3 đã gián tiếp nhắm vào lĩnh vực lọc dầu của Nga với các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới và nhắm vào Belarus, theo đó cấm xuất khẩu các công nghệ lọc dầu cụ thể, khiến Nga khó hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu của mình.
Ngân hàng ANZ của Australia đã nâng mục tiêu ngắn hạn đối với dầu lên 125 USD/thùng, thêm rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ trầm trọng thêm.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng cho rằng giá dầu thô toàn cầu có nguy cơ tăng trong tháng tới bất chấp việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế cam kết giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 1/3 đã đồng ý giải phóng tổng cộng 60 triệu thùng dầu dự trữ để làm dịu giá dầu thô. Theo IEA, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu. Cơ quan này cho biết xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đạt 7,8 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2021.
Tuy nhiên, Goldman cho biết cam kết giải phóng dầu dự trữ chỉ đủ bù đắp trong một tháng cho khả năng gián đoạn 1/3 trong số 6 triệu thùng dầu/ngày xuất khẩu bằng đường biển của Nga và không đủ để ngăn giá dầu thô tăng thêm nữa. Goldman ước tính xuất khẩu sản phẩm và dầu thô của Nga hiện ở mức 7,3 triệu thùng/ngày với 6 triệu thùng/ngày dòng chảy qua đường biển có nguy cơ xảy ra. Rủi ro này xuất phát từ những hạn chế đối với bảo hiểm, tín dụng thư, các thuyền viên không muốn đến những địa điểm có rủi ro cao như vậy - những tác động đôi khi được gọi là 'lệnh trừng phạt bóng tối'.
"Các công ty bảo hiểm, ví dụ như các tàu chở dầu ở Biển Đen, các công ty tài trợ thương mại, các ngân hàng, và thậm chí cả các công ty dầu mỏ đa quốc gia, không muốn mạo hiểm cam kết điều gì đó và gửi một con tàu đến đó", Tom Kloza, người sáng lập Dịch vụ Thông tin Giá Dầu, cho biết.
Theo ông Kloza: "Thị trường đang định giá về hậu quả của việc mất một lượng đáng kể dầu của Nga", có tính tới việc Trung Quốc vẫn duy trì mua dầu Nga, thậm chí trở thành một khách hàng lớn mua dầu thô Nga thì cũng "sẽ bị mắc kẹt với nhiều vấn đề".
Goldman cũng ước tính các kho dự trữ cần tích 400 triệu thùng dầu vào cuối năm 2023 để bình thường hóa lượng dự trữ về mức như năm 2019.
Thị trường dầu mỏ chưa biết sẽ đi về đâu khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của họ bao gồm cả Nga, được gọi là OPEC , đã quyết định duy trì sản lượng tăng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 3 bất chấp giá cả tăng vọt, phớt lờ cuộc khủng hoảng Ukraine trong cuộc đàm phán của họ và bỏ qua lời kêu gọi từ người tiêu dùng về việc tăng sản lượng dầu thô.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm, với lượng trữ tại trung tâm giao nhận dầu thô Cushing, Oklahoma hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 2018, trong khi dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 20 năm.
Tham khảo: Reuters, Finance.yahoo
Vân Chi