Tiêu chuẩn “phải có nhà có xe, chất lượng sống phụ thuộc vào số tiền trong tài khoản” là lý do khiến giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất

(Tổ Quốc) - Trong một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, người dân ở 17 nước phát triển khác nhau đã được hỏi về “ý nghĩa cuộc sống”. Đa số giới trẻ Hàn Quốc đã lựa chọn: "Vật chất".

Chủ nghĩa duy vật trỗi dậy

Theo SCMP, một số nhà xã hội học cho biết, tình trạng giảm tỷ lệ sinh thường gắn với sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy vật. Khi hạn chế số lượng miệng ăn, mỗi người có nhiều thời gian hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình. Những người có cuộc sống chưa tốt thì mong muốn tốt lên, những người đã sống tốt rồi thì lại muốn tốt hơn nữa. 

Tình hình này thể hiện rõ rệt trong xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa duy vật tại Hàn Quốc. Ông Kim Jee-youn, chủ tịch Hiệp hội Gia đình và Sức khỏe Hàn Quốc, cho biết: “Sự ra đời của chủ nghĩa vật chất chính là sản phẩm phụ của kinh tế thịnh vượng.”

Theo số liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế, ước tính năm 2021, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc đã đạt con số 35.196 USD, thuộc top 30 trên thế giới. Điều này cho thấy người Hàn đang ưu tiên và tập trung rất nhiều để phát triển kinh tế ở cả cấp độ xã hội và cá nhân. 

Xu hướng hiện đại hóa, chi phí sinh hoạt tăng cao và chủ nghĩa tư bản khắp nơi cũng là một phần nguyên nhân khiến giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất. Họ cũng bắt đầu đặt công việc và sự nghiệp lên hàng đầu vì đây là cách duy nhất để có đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình. 

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và thị trường bất động sản biến động đã khiến việc mua nhà không còn là khả năng của tất cả, trừ nhóm giàu nhất Hàn Quốc. Thế hệ trẻ không có nhiều lựa chọn ngoài ưu tiên sự nghiệp vì đơn giản là họ cần phải làm như vậy để có đủ khả năng nuôi sống gia đình.

Jeong Jae-bong, một nhà quản lý tài sản 27 tuổi, cho biết: “Chúng tôi không thể làm khác khi đang sống trong xã hội tư bản - nơi chất lượng cuộc sống thay đổi tùy theo số tiền mà mỗi cá nhân có trong tài khoản của họ.”

“Mọi người thời nay đều đang tìm kiếm cách để sống dư dả hơn. Các khách hàng, bạn bè hay người thân của tôi đều liên tục nghiên cứu đầu tư vào cổ phiếu, giấy tờ có giá hay bất động sản vì đây là cách duy nhất để họ nâng cao chất lượng cuộc sống của mình”, anh chia sẻ thêm.

Tiêu chuẩn phải có nhà có xe, chất lượng sống phụ thuộc vào số tiền trong tài khoản: Đây chính là lý do khiến giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất - Ảnh 1.

Trong bối cảnh đó, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và thị trường bất động sản biến động. Rất nhiều người trẻ đang sống tại đô thị đã không còn khả năng mua nhà, thậm chí còn chật vật cho việc thuê nhà. 

Điều này là nguyên nhân lý giải vì sao thời gian vừa qua, những người tham gia đầu tư ngày càng tăng lên. Theo Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc, tính đến năm nay, gần 50 triệu tài khoản ngân hàng ở Hàn Quốc có dấu hiệu hoạt động đầu tư (tổng dân số ở quốc gia này ước tính khoảng 51 triệu người).

Áp lực có nhà có xe

Chủ nghĩa duy vật không chỉ trỗi dậy tại xứ sở kim chi, mà tại Trung Quốc, rất nhiều người trẻ cũng đang bị cuốn vào quan niệm này. Họ không chỉ gánh chịu áp lực về gia đình, cuộc sống mà còn phải gánh thêm rất nhiều áp lực về kinh tế vì tiêu chuẩn phải có nhà có xe.

Theo một báo cáo của KPMG, mức lương trung bình của thế hệ Millennials ở Trung Quốc là khoảng 1.817 USD một tháng (khoảng 41 triệu đồng), tương đương 21.804 USD hàng năm.

Hai Rong là một nhân viên kế toán 30 tuổi, đã kết hôn và đang có khoản tiền lương 1.500 USD hàng tháng. Thông thường, chồng cô có thể gửi khoảng 1.200 USD một tháng để chu cấp cho gia đình, dùng để mua thực phẩm và chi trả phí sinh hoạt hàng ngày. 70% số thu nhập còn lại của cô được dùng để tiết kiệm.

Với kế hoạch thu - chi như vậy, những tưởng gia đình sẽ có một cuộc sống sung túc, dư dả nhưng đôi vợ chồng này lại đang nợ nần chồng chất. Giống như nhiều người khác thuộc thế hệ Millennials ở Trung Quốc, họ đang phải đối mặt với các khoản vay mua nhà, mua xe.

Một căn hộ cơ bản ở các thành phố lớn "cấp 1" như Bắc Kinh có thể lên tới 1 triệu USD. Do đó, theo Tencent News, người trẻ Trung Quốc trung bình nợ hơn 20.000 USD cho các tổ chức cho vay và cấp tín dụng. Con số này ở gia đình Hai Rong là khoảng 46.000 USD. 

Tiêu chuẩn phải có nhà có xe, chất lượng sống phụ thuộc vào số tiền trong tài khoản: Đây chính là lý do khiến giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất - Ảnh 2.

Ngoại trừ gia đình, thành công còn gắn liền với của cải vật chất như xe hơi và nhà cửa. Ảnh: The New Yorker

Phần lớn những người trẻ thuộc thế hệ này của Trung Quốc đều sử dụng một từ để định nghĩa về thành công, đó là 孨. Đây là một thuật ngữ được đặt ra vào năm 2012 để chỉ ba trụ cột quan trọng của sự thành công bao gồm: Nhà (房子), xe hơi (车子) và vợ (妻子). Chính điều này đã hình thành quan niệm: Ngoại trừ gia đình, thành công còn gắn liền với của cải vật chất như xe hơi và nhà cửa.

Gu Guoli, hiện 34 tuổi và đang làm việc trong ngành công nghệ, cho biết: “Khái niệm có một gia đình, một ngôi nhà và một chiếc xe hơi để được coi là thành công nghe có vẻ lạc hậu, nhưng đó vẫn là suy nghĩ thâm căn cố đế khiến nhiều người trẻ phải lo lắng."

Mặc dù làm việc trong ngành công nghệ, có thu nhập ở mức khá nhưng Gu Guoli cũng đã mất gần 15 năm để dành dụm tiền đặt cọc mua nhà ở Bắc Kinh. Anh chia sẻ: "Tôi có vợ, một ngôi nhà, nhưng không có xe hơi. Mặc dù sống gần giữa thành phố Bắc Kinh và không nhất thiết phải có xe cộ nhưng đó vẫn là áp lực lớn đối với chúng tôi.”

Đương nhiên, sau khi trả khoản tiền đặt cọc mua nhà đầu tiên, để chính thức trở thành chủ sở hữu hoàn toàn, anh Gu Guoli vẫn còn rất nhiều khoản nợ tiếp theo phải xử lý.

Khó khăn chồng chất, áp lực gia tăng

Kinh tế ngày càng phát triển đồng nghĩa với chi phí sinh hoạt sẽ dần dần tăng lên. Áp lực cạnh tranh cũng không theo đó mà trở nên khắc nghiệt hơn. Thế hệ trẻ bắt đầu phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu của mình. 

Tại Seoul, Hàn Quốc, các chuyên gia bất động sản cho biết những người trẻ không có gia đình giàu có gần như không thể mua nhà tại đây. Tình trạng này cũng tương tự tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản như Bắc Kinh, Thượng Hải, Tokyo…

Trong cuộc khảo sát năm nay của trang web việc làm Saramin tại Hàn Quốc, 43,2% người lao động tham gia vào thế giới đầu tư vì họ lo lắng cho tương lai của mình. Kể cả những người đã sở hữu một công việc ổn định với mức lương cao cũng không thể “ngồi yên” được nữa.

Moon Byung-do (29 tuổi), đang có công việc lương cao tại công ty kỹ thuật lớn, cho biết việc đặt tiền lên hàng đầu là lẽ tự nhiên. Anh chia sẻ rằng: “Tóm lại thì tiền chính là thời gian và công việc. Chẳng ai phải làm việc nhiều nếu có tiền. Nói cách khác, quỹ thời gian và sự tự do tỷ lệ thuận với số tiền mà bản thân có.”

Chính điều này đã khiến rất nhiều người trẻ làm việc quá sức. Họ dành rất ít thời gian cho bản thân và gia đình, thay vào đó, ngày ngày tăng ca và làm việc từ sáng cho tới đêm. 

Sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với con cái chủ yếu dồn vào kết quả và chất lượng giáo dục. Họ cố gắng đảm bảo con cái được học tập những gì tốt nhất, không thua kém bạn bè để sau khi tốt nghiệp có được công việc lương cao.

Tiêu chuẩn phải có nhà có xe, chất lượng sống phụ thuộc vào số tiền trong tài khoản: Đây chính là lý do khiến giới trẻ ngày càng coi trọng vật chất - Ảnh 3.

Gánh nặng học tập đè nặng lên vai thế hệ trẻ. Ảnh: AP

Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc đã thực hiện một nghiên cứu năm 2017. Kết quả cho thấy, khoảng 25% tổng thu nhập hộ gia đình đều được dành cho việc giáo dục, chủ yếu là giáo dục tư nhân.

Điều này nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học khét tiếng (Suneung) kéo dài 8 tiếng. Để đạt được thành tích tốt trong kỳ thi này, lớp thanh thiếu niên phải dành toàn bộ thời gian sau giờ học ở trường để tiếp tục đến những trung tâm luyện thi, những lớp học thêm. Kể cả ngày nghỉ cuối tuần cũng kín lịch học. 

Bao nhiêu năm nay, học sinh tại Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng chung. Mỗi ngày, các em đều nghẹt thở trong "núi" bài tập về nhà và loạt bài kiểm tra ở trường nên phải học đến tối muộn, không có thời gian giải trí, xem tivi.

Những khó khăn này đã khiến Trung Quốc áp dụng chính sách "giảm kép" trong giáo dục, nhằm giảm bớt gánh nặng học tập và nâng cao các giá trị đạo đức, tinh thần. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại nặng gánh lo hơn vì sợ con cái không có nền tảng vững chắc, trẻ sẽ gặp khó khăn khi đối mặt các chương trình học trong tương lai.

*Theo SCMP, Insider

Thuý Phương

Tin mới