"Bơi" giữa "đại dương đỏ" thương mại điện tử tại thời điểm sức mua giảm sâu, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến vừa và nhỏ rất cần những giải pháp hỗ trợ hiệu quả và uy tín.
Thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên tục sụt giảm mạnh.
Cụ thể, chỉ trong quý III năm 2023 có hơn 49.500 nhà bán hàng dừng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, tương ứng giảm khoảng 12% so với quý trước.
Trước đó, Metric cũng đã công bố số lượng nhà bán trên các sàn thương mại điện tử giảm 18%, tương đương 76.030 nhà bán dừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đại diện nền tảng số liệu này nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các nhà bán rút khỏi sàn TMĐT, như sự biến động của thị trường, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn… Điều này cũng cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần rút khỏi thị trường và lợi nhuận sẽ đổ về các nhà bán thực sự chuyên nghiệp, có đầu tư cho việc kinh doanh trên các sàn TMĐT.
Thực tế, các thương hiệu lớn đang có xu hướng mở gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT để khai thác tối ưu kênh bán hàng trực tuyến. Đây cũng là địa chỉ đáng tin cậy để phần lớn người tiêu dùng lựa chọn khi nhu cầu về chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngày càng tăng cao.
Theo số liệu từ TTK Global Ventures - một công ty chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam bán hàng xuyên biên giới - 85% doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tìm đến đơn vị này đều cho biết đang gặp khó khăn về vấn đề cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp chính hãng trong nước và nhà bán lẻ đến từ Trung Quốc.
"Kinh tế khó khăn, ai cũng thắt chặt chi tiêu, do đó doanh số cứ vậy mà giảm theo. Không những thế, gần đây, người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng thì thường mua hàng chính hãng của thương hiệu lớn. Người quan tâm đến giá rẻ và nhiều mẫu mã sẽ tìm đến các nhà bán hàng đến từ Trung Quốc. Do đó, những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi đã gặp khó, lại càng thêm khó", chị Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh đồ mẹ và bé chia sẻ.
Doanh nghiệp của chị Thảo chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm kiếm "chiếc phao cứu sinh" để "bơi" giữa đại dương đỏ thương mại điện tử, trong giai đoạn sức mua liên tục giảm sâu.
Có thể thấy, những năm gần đây, bán hàng xuyên biên giới vốn đã nằm trong mục tiêu kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh thị trường trong nước đang gặp nhiều khó khăn và "cánh cửa" kinh doanh toàn cầu đang rộng mở chưa từng có, đây dường như là "chiếc phao cứu sinh" tốt nhất mà doanh nghiệp nào cũng nên cân nhắc tới.
Hiểu biết về pháp lý, luật thương mại quốc tế, thanh toán quốc tế, logistics,… luôn là những điều doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ trước khi lên kế hoạch gia nhập vào thị trường thế giới.
Tuy vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn khi chuẩn bị các "hành trang" này bởi nguồn lực về nhân sự, công nghệ, tài chính… còn rất hạn chế.
Dưới góc độ chuyên gia, Thạc sĩ Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Giáo dục John&Partners, chia sẻ: "Để tối ưu hóa nguồn lực và rút ngắn thời gian tham gia TMĐT toàn cầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể tìm đến sự giúp đỡ của các đơn vị uy tín cung cấp các giải pháp hỗ trợ bán hàng xuyên biên giới".
Các giải pháp có thể kể đến như: Dịch vụ báo cáo nghiên cứu khả thi dành cho thị trường TMĐT quốc tế, Dịch vụ khởi tạo và vận hành doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới. Hay thậm chí Dịch vụ hỗ trợ mua lại các gian hàng TMĐT quốc tế thành công - giải pháp tối ưu giúp rút ngắn quá trình bán hàng xuyên biên giới từ 18-24 tháng xuống còn 4-6 tháng mà TTK Global Ventures - một trong những công ty tiên phong trong ngành - đang cung cấp.
"Với sự hỗ trợ các chuyên gia có kinh nghiệm thực chiến tại thị trường TMĐT toàn cầu, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng doanh nghiệp vươn tầm quốc tế", ông Trần Tiến Khải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển thương mại và dịch vụ TTK chia sẻ.