Mất đi chân phải ở tuổi 25, độ tuổi nhiều hoài bão nhất đời người, câu chuyện đứng lên, nỗ lực hơn cả những người lành lặn để cống hiến cho xã hội của Lê Văn Đông được tất cả những ai biết đến ví như câu chuyện cổ tích giữa thế kỷ 21.
Những ngày đen tối với chàng trai 25 tuổi, và những việc tốt "nảy mầm" từ đau thương
Bản lĩnh tài năng nên sự nghiệp
Nhân tài đức độ tạo thành công
Hai câu thơ được Lê Văn Đông tóm gọn bằng chữ Nhẫn trên tấm thư pháp với ý nghĩa: Mọi đích đến đều bắt đầu từ chữ "Nhẫn". Đó cũng chính là hành trình cuộc đời của Đông, một câu chuyện tuyệt đẹp đến không tưởng bất chấp nghịch cảnh khó khăn được đánh đổi bằng ý chí và lòng kiên cường.
"Mình gắn bó với chiếc chân giả này đã được 5 năm" – Đông kể lại. Năm 2019, một tai nạn giao thông đã cướp đi chân phải của anh khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của một chàng thanh niên trai tráng – 25 tuổi. Anh phải cắt toàn bộ chân phải, từ thắt lưng trở xuống chỉ còn 13cm bộ phận được giữ lại trên cơ thể.
Đông nghẹn giọng khi nhớ lại: "Khi tỉnh dậy thấy mình bị cắt mất một bên chân, dường như chỉ còn cảm giác muốn gục xuống". Anh nằm khóc tròn 1 ngày trên giường bệnh.
Tất thảy dự định, hoài bão ở tuổi sung sức, cường tráng nhất của chàng trai Nghệ An khi đó bỗng biến tan chỉ sau một tai nạn ập đến. Cảm giác trở thành gánh nặng của gia đình thậm chí khiến anh từng nghĩ đến cái chết.
Nhưng trong một khoảnh khắc, khi Đông nhìn bóng dáng mẹ và em trai đang gục khóc vì mình, cũng chính là lúc anh nhận ra mình phải mạnh mẽ. Đông "đứng lên", quay lại với cuộc sống bình thường ngay sau 1 tháng gặp nạn.
Trước khi bị tai nạn, Đông đã có quãng thời gian học tiếng với ấp ủ ra nước ngoài làm ăn. Khi tinh thần phụng sự xã hội vượt lên trên nghịch cảnh, chàng trai này quyết tâm giúp nhiều người đạt được điều mà anh đã lỡ dở: có công việc tốt ở các nước phát triển. Với kiến thức tích luỹ được cùng với ý chí, sự giúp đỡ của bạn bè, văn phòng du học, xuất khẩu lao động Lê Đông được xây dựng lên sau biến cố.
Niềm vui được làm việc và tạo ra thu nhập khiến chàng trai dần quên đi những mặc cảm. Văn phòng tư vấn Lê Đông hàng ngày bận rộn tấp nhập. Chàng trai cùng với chiếc chân giả trong những bộ đồ công sở nhiệt huyết với công việc tư vấn du học, xuất khẩu lao động, dường như nếu không quen biết, chẳng có ai nhận ra anh là một người thương tật.
Khi đã có một công việc ổn định, Đông tiếp tục đến với đam mê viết chữ thư pháp. Công việc này không chỉ là sở thích, mà với một chàng thanh niên đã trải qua những thăng trầm, biến động thể xác lẫn tâm hồn, thư pháp là chốn bình yên. "Khi cầm bút viết, mình được thả lỏng tâm hồn, không còn những áp lực trong trí óc. Viết chữ thư pháp cũng chính là một biện pháp rèn ý chí" – Đông tâm sự.
Nén hết tâm tư, xúc cảm vào thư pháp, tập trung vào những nét chữ nghệ thuật khiến chàng trai quên đi những mặc cảm, quên đi vết thương trên cơ thể và vững vàng sống như một người lành lặn.
Tâm, đức vang xa, nhiều người tìm đến anh để đặt mua những tấm chữ thư pháp. Nhưng lợi nhuận hay kinh doanh không phải là đích đến, Đông viết bằng cả tấm lòng của mình để làm thiện nguyện. Những người có lòng thiện nguyện đến tìm mua chữ, Đông sẽ dùng số tiền để ủng hộ cho học sinh nghèo.
Lan tỏa tinh thần phụng sự cho cộng đồng
Đôi chân không nguyên vẹn còn bước đi trên nhiều hành trình hơn thế. Trong màu áo Đoàn, với vai trò Bí thư chi đoàn thanh niên thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An, Đông tổ chức rất nhiều hoạt động, để lan tỏa tinh thần phụng sự xã hội với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đông hăng hái đến những làng quê nghèo vẽ tranh cổ động, dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa cùng các đoàn viên của xã.
"Mặc dù đi lại rất khó khăn, nhưng trong quá trình công tác, Đông luôn rất nỗ lực, cố gắng. Lê Văn Đông chính là tấm gương, là nguồn cảm hứng để chúng tôi cùng nỗ lực đóng góp cho xã hội" - Ngọc, một đoàn viên nói về người anh, người bạn của mình.
Những anh em, bạn bè, từ ở cùng chi đoàn, đến văn phòng du học, hay những người tìm đến Đông qua những nét chữ thư pháp, đều nể phục ý chí, hơn thế là sự nhiệt huyết, cống hiến cho xã hội của chàng thanh niên nghị lực. Đông đã trở thành một tấm gương sáng về sự vượt lên số phận của những thanh niên đồng trang lứa.
"Cho đến thời điểm bây giờ, với mình, gia đình chính là động lực lớn lao nhất. Bố mất sớm, nhờ có mẹ, có em trai, mình mới có điểm tựa để vực dậy như giờ đây" – Đông nghẹn ngào giới thiệu về ý nghĩa của hai chữ Cha Mẹ mềm mại trên tấm thư pháp đầy cảm xúc.
Câu chuyện về khát vọng cống hiến cho xã hội vượt lên trên nghịch cảnh của Lê Văn Đông đã trở thành chủ đề chính trong chương trình "Nối trọn yêu thương" của Truyền hình Nhân đạo (VTV) phát sóng tháng 3/2023.
Với tâm nguyện phụng sự xã hội, truyền nghị lực cho mọi mảnh đời gian khó trên khắp Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã là nhà đồng hành với chương trình Nối trọn yêu thương kể từ năm 2019.
Chương trình này đến nay đã tôn vinh nhiều nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh. Cùng với đó, chương trình cũng kêu gọi sự chung tay của xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt.
Cũng với tinh thần phụng sự, gieo yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn, Tân Hiệp Phát không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị vào những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn như hoạt động bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc gia đình chính sách… Đặc biệt trong năm 2023, Tân Hiệp Phát đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Chu Lai, Hà Nam tổ chức chương trình "Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường" trao tặng 600 phần học bổng, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.