(Tổ Quốc) - Theo KIS, nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong Q1/22.
Phân bón là nhóm ngành tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh nổi bật nhờ hưởng lợi từ giá tăng cao. Giá phân bón tăng thời gian qua chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.
Trong bối cảnh giá phân bón thế giới lập đỉnh lịch sử, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục xuất khẩu số lượng lớn sang các thị trường như Campuchia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc...Theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng phân bón đã tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 439 triệu USD.
Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong năm 2021 và quý 1/2022
Diễn biến thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp phân bón đã có một mùa kinh doanh "thuận buồn xuôi gió". Nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu thuận lợi, DPM, DCM, DDV đều tăng trưởng bằng lần và báo lãi kỷ lục. PSW, LAS, VAF, PCE cũng đều lãi lớn..
Điểm lại năm 2021, doanh thu Đạm Cà Mau đạt 9.870 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.920 tỷ đồng – tăng 190% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Đạm Phú Mỹ (DPM) lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần đạt 12.786 tỷ đồng, tăng 64,7% so với năm 2021. Khấu trừ các chi phí, Đạm Phú Mỹ báo lãi sau thuế đạt 3.171 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với số lãi 702 tỷ đồng đạt được năm 2020.
Về tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2022, doanh thu bán Urê Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đạt 3.700 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lần đầu trong lịch sử chạm mốc 1.518 tỷ đồng (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái).
Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khác cũng ghi nhận kết quả quý 1 khả quan như Đạm Phú Mỹ (DPM) đạt lợi nhuận sau thuế lên tới 2.126 tỷ đồng (gấp 12 lần so với cùng kỳ), Công ty Cổ phần DAP-Vinachem có lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ), Phân Đạm và Hóa Chất Hà Bắc (DHB) lãi sau thuế ghi nhận mức cao nhất từ khi hoạt động 868 tỷ đồng,..
Với diễn biến tích cực về hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân bón như DCM, DPM, LAS...đều bứt phá mạnh trong năm 2021 và quý 1/2022, trước khi sụt giảm mạnh những ngày gần đây trong bối cảnh thị trường chung không thực sự thuận lợi.
Động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu, song tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm dần
Mặc dù ghi nhận diễn biến tích cực về kết quả kinh doanh quý 1, song trong báo cáo mới đây, CTCK KIS Việt Nam lại cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại.
Cụ thể, theo KIS, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đạt đỉnh mới trong Q1/22 tại mức 31,7%. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất LNG của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong Q1/22. Tuy nhiên, KIS vẫn đánh giá cao ngành phân bón với những kết quả hứa hẹn sẽ đạt được trong quý 2 so với cùng kỳ 2021.
Tận dụng cơ hội đến từ việc giá phân bón đang neo tại mức cao và nhu cầu trong nước đang rơi vào giai đoạn thấp điểm, các đơn vị sản xuất phân bón đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu. Tính riêng trong tháng 1/22, sản lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 370.000 tấn, kéo theo tổng sản lượng xuất khẩu trong Q1/22 lên đến 510.000 tấn, tương đương 44%/40% tổng sản lượng xuất khẩu trong 2020 và 2021.
Tuy nhiên, từ Q2/22, nước ta bước vào vụ Hè-Thu, nhu cầu phân bón nội địa được dự báo tăng cao, do đó các công ty phân bón sẽ khó lòng đẩy mạnh xuất khẩu do phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặc dù vậy, KIS cho rằng các công ty có thể phục hồi sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/22 khi vụ Hè-Thu bước vào giai đoạn thu hoạch.
KIS cân nhắc tác động của việc áp thuế xuất khẩu 5% lên mặt hàng phân bón từ Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoảng "hậu hĩnh" nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa tăng trong vụ Hè-Thu (diễn ra vào khoảng T4-T9 hằng năm) sắp đến có thể bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do hạn chế xuất khẩu. KIS chỉ ra rằng DPM và DCM sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu trong Q2/22.
Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên LNG thu hẹp, KIS lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong Q2/22 mặc dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước.
Kiều My