Tối ưu hóa cơ hội, ONE-VALUE áp dụng ICT vào đo lường tiềm năng tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam

Mới đây, ONE-VALUE với sự uỷ thác của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), đã cùng các nhà mạng viễn thông lớn của Nhật Bản và VINAFOR – Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Thực hiện dự án đánh giá tiềm năng của việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng thông qua sử dụng các giải pháp ICT, mở ra cơ hội mới cho cả "chủ rừng" và các doanh nghiệp kinh doanh có mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Carbon rừng Việt Nam – "tài sản vô hình" chưa được khai phá

Thị trường tín chỉ carbon nói chung trên toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với giá trị đạt 103.8 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 14.8%, đạt 343.6 tỷ USD vào năm 2032. Tại Việt Nam, tín chỉ carbon đang là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu sau khi cam kết tại COP26.

Tính đến năm 2022, Việt Nam có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha (chiếm đến 70%), rừng trồng hơn 4,5 triệu ha (Bộ NN&PTNT, 2022). Với lợi thế trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thực hiện các hoạt động tăng cường trữ lượng carbon rừng và đăng ký ban hành tín chỉ carbon.

Tận dụng tiềm năng rộng mở từ nguồn tài nguyên, năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 51,5 triệu USD. Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, ngành Lâm nghiệp đang tiếp tục triển khai các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng nhằm huy động nguồn tài chính bổ sung để đầu tư trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; không những góp phần nâng cao đời sống, sinh kế của người làm nghề rừng, tạo động lực để họ giữ rừng ngày một tốt hơn,  mà còn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực xanh – sạch – phát triển bền vững.

Carbon rừng là tài sản vô hình, là thị trường "đặc biệt" đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia. Để tham gia thị trường carbon toàn cầu, carbon rừng tại Việt Nam cần phải được tính toán dưới dạng tín chỉ carbon. Mỗi dự án thực hiện lượng hóa carbon rừng phải tuân theo các quy chuẩn nhất định với các phương pháp đo đạc, giám sát dữ liệu phức tạp bên cạnh các hoạt động chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý rừng bền vững; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng; bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và trồng rừng. Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật, việc khung pháp lý chưa thực sự hoàn chỉnh khiến số lượng dự án carbon rừng được đăng ký với nhà nước còn hạn chế.

Công nghệ Nhật Bản ICT – Giải pháp hữu hiệu để đo lường tiềm năng tín chỉ carbon rừng

Để đưa tín chỉ carbon rừng trở thành hàng hóa thật sự được công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng cho hoạt động của sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028, các doanh nghiệp sở hữu rừng phải đo lường được khả năng hấp thụ CO2 từ rừng do chính mình quản lý, hay nói cách khác là phải thực hiện dự án carbon rừng. Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, các "chủ rừng" Việt Nam nắm bắt được thế mạnh và thời cơ, đội ngũ ban lãnh đạo và nhân sự ONE-VALUE đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về tiềm năng của tín chỉ carbon rừng, từ đó đề xuất ên Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC). Sau khi đề án thí điểm được MIC tài trợ và ủy thác trực tiếp cho ONE-VALUE, công ty đã liên hệ các cấp thẩm quyền Việt Nam để thực hiện đo lường, đánh giá tiềm năng, trữ lượng tín chỉ carbon rừng thông qua việc sử dụng các giải pháp ICT.

Theo đó, tháng 3/2024, dưới sự chủ trì của ONE-VALUE, các nhà mạng viễn thông lớn của Nhật Bản đã phối hợp cùng Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) thực hiện thu thập, phân tích và báo cáo kết quả đo lường, hiển thị lượng CO2 hấp thụ tại rừng keo Đồng Nai.

Cụ thể, ONE-VALUE đã thực hiện lắp đặt các cổng kết nối và 3 cảm biến ICT nhằm thu thập các dữ liệu về nhiệt độ không khí, độ ẩm, cường độ bức xạ mặt trời, lượng mưa… tại 3 địa điểm mục tiêu trong rừng keo Đồng Nai thuộc quản lý của VINAFOR. Sau 2 tháng triển khai, kết quả cho thấy lượng CO2 hấp thụ đạt giá trị không hề nhỏ. Ước tính quy đổi tín chỉ carbon trên toàn bộ lãnh thổ lên tới 429 nghìn tỷ đồng cho thấy tiềm năng lớn và viễn cảnh giao dịch sôi động khi Việt Nam chính thức có sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thông qua dự án thí điểm lần này, đại diện VINAFOR đã đánh giá cao công nghệ đo lường ICT của Nhật Bản, đánh giá đây là một trong những giải pháp tối ưu để tháo gỡ được bài toán lượng hóa số lượng tín chỉ carbon chuẩn quốc tế, giảm thiểu chi phí quản lý và thúc đẩy thương mại hóa "tài sản vô hình", nâng cao ngân sách quốc gia, đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch phát triển rừng bền vững và cải thiện đời sống của người dân lâm nghiệp.

ONE-VALUE và lý do tiên phong nghiên cứu, đánh giá thị trường carbon rừng tại Việt Nam

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược đầu tư - M&A, điều tra thị trường, cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản, ONE-VALUE đã xây dựng được mối quan hệ sâu sắc với các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Nhật Bản. Từ đó, công ty có cơ sở nhận định Việt Nam là một trong các thị trường giao dịch tín chỉ CO2 tiềm năng được các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm.

Đó là lý do ONE-VALUE mạnh dạn đưa công nghệ đo lường CO2 - ICT từ Nhật Bản về Việt Nam, quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực hiện dự án carbon rừng, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững theo xu thế chung.

Tối ưu hóa cơ hội, ONE-VALUE áp dụng ICT vào đo lường tiềm năng tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam - Ảnh 1.

CEO ONE-VALUE Phi Hoa - người được mệnh danh là "bà mai nghìn tỉ" trong các thương vụ M&A Nhật - Việt

Về điều này, CEO ONE-VALUE – "Bà mai nghìn tỉ" Phi Hoa cho biết: "Tại Việt Nam, khái niệm tín chỉ carbon chưa được nhiều người biết đến. Đây là lĩnh vực mới, cần sự đầu tư lớn về chất xám lẫn tài chính. Do đó, doanh nghiệp đơn độc thì khó có thể tự mình sở hữu công nghệ để thực hiện các hoạt động đo lường đặc biệt như lĩnh vực lâm nghiệp. Trên hành trình tiên phong của mình, ONE-VALUE luôn nỗ lực xây dựng quy trình dịch vụ chuyên nghiệp, không chỉ để nhận được sự tin tưởng của các cấp thẩm quyền, thúc đẩy các chương trình chuyển giao công nghệ Nhật - Việt; các chương trình có gắn với hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản, mà còn để trở thành một nhịp cầu chắc chắn trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia."

Tin Cùng Chuyên Mục
Hơn cả mong đợi, Huber & Ranner với kỳ vọng vươn xa tại Việt Nam

Hơn cả mong đợi, Huber & Ranner với kỳ vọng vươn xa tại Việt Nam

Sau hơn 1 năm ra mắt tại Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ Thuật và Thương Mại Thành An (Thành An E&T) mang đến sản phẩm hướng tới cam kết Net Zero, Huber & Ranner được kỳ vọng sẽ là thương hiệu AHU (Air Handling Unit) đồng hành lâu dài và vươn xa hơn nữa tại thị trường Việt Nam.
Tin mới