TP.HCM có 10 dự án hạ tầng giao thông không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

(Tổ Quốc) - Năm 2021 có một số chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020, nhưng do nguồn vốn trung hạn năm 2021 – 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022, theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM (TCIP), kết quả giải ngân trong năm 2021 của TCIP là 2.050 tỷ đồng, ước đạt 95,2% tổng kế hoạch vốn giao năm 2021. 

Như vậy, năm 2021 có một số chuyển biến tích cực hơn so với năm 2020, nhưng do nguồn vốn trung hạn năm 2021 – 2025 rất hạn chế nên đã có 30 dự án phải dừng, giãn tiến độ, không được bố trí vốn…. Bên cạnh đó, có 10 dự án các địa phương không thể bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cam kết, không được bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

Trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 hoành hành và Thành phố thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài nhưng TCIP đã khởi công mới 7 dự án, đưa vào khai thác 19 gói thầu sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. Đó là các dự án, gói thầu: cầu Phước Lộc, nhánh số 1 cầu Bưng…

Theo Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Tp.HCM, trải qua một năm đại dịch, Thành phố vẫn quản lý dự án lớn, đạt tỷ lệ giải ngân 95,2%. Mục tiêu của năm 2022 là thích ứng, an toàn, kiểm soát linh hoạt dịch Covid-19, xây dựng chính quyền đô thị kết hợp cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là cốt lõi để dự án hạ tầng đạt tiến độ, chất lượng.

Vị lãnh đạo chính quyền Thành phố cũng cho biết, giao thông là huyết mạch, phải làm sao không để đứt gãy. Người dân đang rất trông chờ các dự án giao thông, nhiều dự án như vành đai, cao tốc có số vốn lớn, không để chậm được, phải gấp rút phối hợp. Đồng thời, Thành phố đã đặt ra mục tiêu cốt lõi để các dự án hạ tầng giao thông đạt tiến độ, chất lượng trong năm 2022.

Bảo Anh

Tin mới