(Tổ Quốc) - Theo dự báo của VNDirect, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm bất động sản sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu.
Trong báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý I/2022 đạt mức 45.374 tỷ đồng, giảm 84,9% so với quý trước nhưng tăng mạnh 48,3% so với cùng kỳ. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 87%, phát hành ra công chúng chiếm 13% tổng khối lượng phát hành. Tỷ lệ phát hành thành công đạt 102,6%.
Theo quan sát của VNDirect, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ có xu hướng giảm dần qua các tháng trong quý I/2022, với giá trị tháng 1 là 27.115 tỷ đồng, tháng 2 là 8.193 tỷ đồng, tháng 3 là 4.170 tỷ đồng. Điều này trái ngược với diễn biến trong quý I/2021 khi giá trị phát hành TPDN riêng lẻ có xu hướng tăng dần qua các tháng.
''Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thông tư 16/2021/TTNHNN có hiệu lực kể từ 15/01/2022. Thông tư 16/2021/TT-NHNN áp dụng các quy định chặt chẽ hơn dành cho các Tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc mua bán TPDN, cũng như nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành'', nhóm phân tích VNDirect đánh giá.
Theo thống kê của công ty chứng khoán này, nhóm bất động sản - xây dựng chiếm 74,9% giá trị phát hành riêng lẻ trong ba tháng đầu năm. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,2% tổng giá trị phát hành quý I/2022, tương đương 15.860 tỷ đồng (tăng 25,2% so với cùng kỳ và giảm 86,5% so với quý trước).
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng), CTCP Hưng Thịnh Investment (2.000 tỷ đồng), CTCP Phát triển BĐS Đất Việt (1.600 tỷ đồng). Xây dựng là ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 34,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 13.720 tỷ đồng (tăng 119,2% so với quý trước và tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ).
VNDirect cho rằng, các doanh nghiệp xây dựng đang tăng tốc triển khai dự án hạ tầng và dân cư sau giai đoạn chậm lại do dịch bệnh trong năm 2021. Ngoài hai doanh nghiệp nêu ở trên, CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (800 tỷ đồng) cũng thuộc top 3 các doanh nghiệp ngành Xây dựng có giá trị phát hành lớn nhất trong quý I/2022.
Liên quan đến những động thái chấn chỉnh hoạt động của thị trường trái phiếu, nhóm phân tích VNDirect nhận định, Trong ngắn hạn, thị trường TPDN có thể trầm lắng trong một đến hai quý tới do thị trường đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (Ngân hàng, công ty bảo hiểm) cần thời gian để thích ứng với những thay đổi mới về mặt chính sách, pháp lý khi các Thông tư, Nghị định mới đi vào hiệu lực.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, suy xét và đánh giá tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Về nhóm ngành, công ty chứng khoán này cho rằng, giá trị phát hành TPDN riêng lẻ của nhóm bất động sản sẽ giảm dần trong một vài quý tới và nhường dòng vốn cho những doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, với việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Xây dựng sẽ cần có nguồn vốn đủ để đảm bảo tiến độ. Do đó, VNDiect dự báo giá trị phát hành TPDN của ngành Xây dựng trong năm 2022 sẽ cải thiện hơn so với năm 2021.
Tuy nhiên về dài hạn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ngày càng chuyên nghiệp, minh bạch và phát triển bền vững hơn. VNDiect nhận định, thị trường TPDN vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế. “Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, quy một thị trường TPDN đạt 20% GDP và đạt 25% GDP cho đến năm 2030. Hiện nay, quy mô TPDN của nước ta đạt khoảng 17-18% GDP, điều này có nghĩa là quy mô thị trường TPDN vẫn còn dư địa để phát triển”, nhóm phân tích VNDirect cho biết.
Thị trường hướng đến sự tăng trưởng về chất. Những thông tư, nghị định của Chính phủ là cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch và phát triển bền vững của thị trường TPDN. Trong năm nay, chúng tôi cho rằng những quy định chặt chẽ hơn sẽ có tác động ngắn hạn làm giảm giá trị TPDN riêng lẻ phát hành thành công trên thị trường.
Tuy nhiên, “giảm về lượng nhưng sẽ tăng về chất”, dòng vốn sẽ được hướng tới những doanh nghiệp tốt có TSĐB chất lượng, có dòng tiền ổn định, kế hoạch sử dụng vốn minh bạch và hiệu quả. Qua đó sẽ giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh hơn, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư khi vốn của họ được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Về phía cung, nhóm phân tích VNDirect cho rằng nhu cầu huy động vốn của các DN để mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục tăng trưởng do nền kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2025 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,5-7%/năm.
Về phía cầu, khi thị trường ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp bởi những thay đổi chính sách, sẽ hút dòng tiền trong dài hạn nhờ nâng cao chất lượng và uy tín, trở thành một kênh đầu tư trung-dài hạn một cách bền vững hơn.
Tuấn Minh