(Tổ Quốc) - Tiết kiệm và tiêu dùng đôi khi luôn song hành cùng nhau. Chỉ cần xác định mục tiêu một cách rõ ràng, bạn mới có đủ quyết tâm và ham muốn để tiết kiệm đúng cách.
Trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng, hầu hết mọi người đã quen với thông điệp: Hãy đối xử tốt với bản thân, học cách tiêu tiền mới biết cách kiếm tiền...
Nhưng khi mà bạn đã biết cách tiêu nhiều tiền, không ai nói cho bạn con đường kiếm nhiều tiền đang ở đâu. Cũng ít người sẽ chỉ cho bạn rằng, hũ vàng đầu tiên để bạn làm giàu đến từ tiết kiệm. Rủi ro của việc tiêu dùng quá mức và thấu chi sớm cũng là bài học mà bạn phải tự ngộ ra.
Trong thời đại này, việc hưởng thụ để ăn ngon, mặc đẹp, chơi sang… đang dần trở thành chuẩn mực. Một nhân viên văn phòng có mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng nhưng cầm iPhone trên tay, MacBook trong túi, Burberry trên lưng, Nike dưới chân, Chanel trên người… Hiển nhiên, mức lương đó là không bao giờ đủ để có thể hưởng thụ. Vậy họ sử dụng tiền ở đâu?
Dịch vụ mở thẻ tín dụng chi tiêu trước - trả tiền sau trở thành giải pháp hàng đầu. Với những người có khả năng kiểm soát thu - chi, họ sử dụng thẻ tín dụng để lên kế hoạch tiêu dùng hợp lý hơn. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy.
Rất nhiều người trẻ không đủ bản lĩnh, tự mình say mê trong vòng xoáy của sự hưởng thụ. Khi giá trị tiêu dùng vượt quá khả năng chi trả, những món nợ trên vai ngày một gia tăng.
Nhiều người trẻ mua sắm hàng hiệu sang chảnh, đắt tiền như một thói quen. Ảnh: Zhihu
Trong thời điểm mà họ tưởng rằng mình đang hưởng thụ cuộc đời thì sự thật hoàn toàn ngược lại. Cuộc đời mới là “kẻ” hưởng thụ họ.
Có một khái niệm trong kinh tế học được gọi là "hiệu ứng Veblen". Hiệu ứng này xảy ra khi nhu cầu của người tiêu dùng đối với một hàng hóa tăng lên vì người ta nâng giá, chứ không phải hạ giá. Giá của hàng hóa càng cao thì càng được ưa chuộng.
Ví dụ, trong những năm 1990, quần jeans dần trở nên phổ biến. Một nhà bán lẻ đã tăng giá và bất ngờ nhận ra, doanh số của họ còn tăng mạnh hơn cả trước kia.
Đúng là mỗi người đều có quyền tự do kiểm soát cuộc sống của mình, nhưng chúng ta có thể chọn để không bị kẹt trong cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng.
Trên thực tế, bản chất của tiêu dùng là cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Đó là sử dụng giá trị thay vì giá trị tượng trưng mà xã hội trao cho nó. Chúng ta nên mua sắm khi nhận được lợi ích cần thiết chứ không nhằm thỏa mãn ham muốn nhất thời của bản thân. Khi bạn hiểu được cách cân bằng chi phí bỏ ra và lợi ích tiêu dùng thì lúc đó, bạn mới là người tận hưởng vật chất theo đúng cách.
Từ đó, bạn cũng có thể tìm thấy đáp án cho câu hỏi: "Tuổi trẻ nên tiêu tiền để mở mang thế giới, hay tiết kiệm tiền để lên kế hoạch cho tương lai?"
Đinh Hồng là một người phụ nữ 39 tuổi. Cô có thói quen tiết kiệm tiền từ năm lớp 3 để được theo học chuyên ngành Mỹ thuật mà mình yêu thích.
Sau khi tốt nghiệp năm 2002, cô đến thành phố lớn để phát triển. Vì điều kiện gia đình nghèo khó từ nhỏ, Đinh Hồng bị sự phồn hoa của phố thị “che mắt”. Suốt 6 năm làm việc tại đây, cô kiếm được không ít tiền nhưng lại chẳng tiết kiệm được bao nhiêu vì mải mê hưởng thụ.
Bước ngoặt chỉ thật sự bắt đầu khi cô nhận ra, tình yêu của mình dành cho hội họa đang dần biến mất. Khả năng sáng tạo và những ý tưởng mới lạ trong cô dần cạn kiệt. Điều này khiến Đinh Hồng rơi vào suy sụp một thời gian dài.
Sau khi quyết định tạm nghỉ việc, Đinh Hồng đã dùng 2/3 số tiền mình có trong tay để thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu. Đặt chân đến với những vùng đất mới, tiếp xúc với những nền văn hóa khác biệt, chứng kiến nhiều cảnh đời khác nhau, cô cảm nhận sự thư giãn từ sâu trong tâm hồn.
Đầu tư vào bản thân là khoản tiêu dùng vô cùng xứng đáng. Ảnh: Zhihu
Trong suốt chuyến đi, đôi khi Đinh Hồng nhận làm “hướng dẫn viên tạm thời” cho một vài nhóm bạn cùng đoàn du lịch. Cô cũng tham gia một vài hoạt động thiện nguyện ý nghĩa của hội đồng hương tại châu Âu. Khi không có kế hoạch gì, cô đăng ký những chuyến leo núi, chinh phục nhiều cảnh quan độc đáo.
Được mở mang thế giới chính là điều kiện tốt nhất để Đinh Hồng lấy lại linh cảm và nhiệt huyết cho sự nghiệp. Rất nhiều khoảnh khắc của chuyến đi, cô đắm chìm vào trong hội họa và tạo ra các tác phẩm tuyệt vời.
Sau khi hành trình kết thúc, cô quay lại với công việc của mình một cách nghiêm túc. Quan trọng nhất, lối sống chạy theo vật chất của trước kia đã hoàn toàn bị loại bỏ. Cô lấy lại thói quen tiết kiệm từ thuở nhỏ và học cách chia nhỏ thu nhập vào từng quỹ khác nhau.
Một vài năm sau đó, Đinh Hồng không ngừng luyện tập thêm tại các lớp bồi dưỡng chuyên môn, dần dần nâng cao trình độ. Cô cũng sử dụng khoản tích lũy có được để đăng ký du học tại New Zealand.
Ở một mức độ nào đó, “hũ vàng đầu tiên” đã cứu lấy toàn bộ sự nghiệp của cô. Nhờ có tiết kiệm từ khi còn rất nhỏ, cô được học chuyên ngành mình đam mê. Sau này, cũng nhờ có khoản tích lũy trong tay, cô mới có thể hạ quyết tâm tạm nghỉ việc để tìm cách tinh lọc tâm trí của mình. Và tiết kiệm cũng là con đường giúp Đinh Hồng tìm thấy cơ hội sang nước ngoài du học, nâng cao trình độ bản thân.
Như vậy, Đinh Hồng không phải là người tiết kiệm mà không bao giờ sử dụng. Cô tiết kiệm có mục đích và sử dụng khoản tiền tích lũy vào đúng mục đích của mình. Tất cả đều nhằm nâng cao giá trị bản thân.
Tiết kiệm và tiêu dùng đôi khi luôn song hành cùng nhau. Chỉ cần xác định mục tiêu một cách rõ ràng, bạn mới có đủ quyết tâm và ham muốn để tiết kiệm đúng cách.
Bạn sẽ biến thu nhập hàng tháng trở thành những món đồ hiệu sang trọng, những bữa ăn đắt tiền, lối sống xa hoa hào nhoáng hay nỗ lực tích lũy để sở hữu “hũ vàng đầu tiên”?
*Theo Zhihu
Thuý Phương