Mùa đại hội cổ đông diễn ra vào tháng 3, tháng 4 hằng năm kéo theo sự kỳ vọng của nhà đầu tư tới các doanh nghiệp, giữa bối cảnh thị trường có nhiều biến động, câu chuyện chốt chia lời năm cũ trở nên sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng khi hình thức trả cổ tức bằng tiền được tái khởi động.
Lực hấp dẫn nhìn từ "miếng bánh ngọt" cổ tức - Kỳ quan lãi kép
Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư thường kỳ vọng 2 điều: sự tăng giá của cổ phiếu và chính sách cổ tức của doanh nghiệp. Giá cổ phiếu thường bị tác động bởi các yếu tố thị trường, song cổ tức của doanh nghiệp chất lượng tốt là nguồn thu nhập ổn định cho cổ đông.
Đầu tư vào doanh nghiệp duy trì cổ tức ở mức cao (bằng tiền và cổ phiếu) đem lại mức tỷ suất lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng hàng năm. Cổ đông thậm chí không cần rót thêm vốn mà khoản thu nhập thụ động vẫn ngày một "nở ra" vì bản thân tập đoàn đã đưa ra cổ tức bằng cổ phiếu. Không những vậy, cổ tức trên số lượng cổ phiếu mới cũng sẽ tăng một cách thụ động.
Mê lực "miếng bánh cổ tức" mạnh mẽ đến mức ngay cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng trở thành một "tín đồ". Không chỉ là vấn đề lợi nhuận, cổ tức đóng vai trò như một chỉ báo có giá trị về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Một công ty trả đều đặn và tăng cổ tức theo thời gian là dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp, đồng thời, thể hiện khả năng tạo ra dòng tiền mạnh và phân bổ vốn có kỷ luật.
Nhìn vào danh mục chứng khoán của Berkshire Hathaway, những năm qua, Buffett luôn ưa thích đầu tư vào các công ty trả cổ tức cho các cổ đông. Ví dụ điển hình là Coca-Cola đã liên tục trả và tăng mức cổ tức trong nhiều thập kỷ kể từ năm 1920. Hay gã khổng lồ về hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) đã trả cổ tức từ năm 1891 và liên tục tăng trong 65 năm liên tiếp.
Cổ tức hàng năm không chỉ là cái lợi trước mắt. Với tầm nhìn dài hạn, nhà đầu tư có thể thu về mức lợi nhuận lớn hơn nếu tái đầu tư bằng tiền cổ tức nhờ phát huy tác dụng của lãi kép.
Trào lưu tích sản cổ phiếu ngân hàng nở rộ trước mùa ĐHCĐ nhờ "bánh ngọt cổ tức"
Trào lưu tích sản cổ phiếu lan rộng trong giới đầu tư sau cú rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua. Nhận bài học đắt giá khi đầu tư không dựa trên các yếu tố tích lũy bền vững, người tham gia thị trường chứng khoán đang dần chuyển dịch sang chiến lược mới: gia tăng tài sản ổn định, an toàn bằng tích sản cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu giảm giá hoặc bị thị trường định giá thấp được giới đầu tư gom mua mạnh với mong muốn sẽ thu được khoản lợi nhuận kếch xù trong tương lai, điều này đến từ 2 hướng: giá tăng kèm cổ tức hấp dẫn.
Giá cổ phiếu trong ngắn hạn thường ảnh hưởng bởi tâm lý, thị trường, song, trong dài hạn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở cho việc định giá. Để chia được cho cổ đông mức cổ tức hấp dẫn, doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận cao, tức doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả ổn định và bền vững. Vì vậy, chế độ cổ tức là yếu tố đáng xem xét khi đưa ra quyết định đầu tư.
Đối với nhóm ngân hàng, cổ phiếu hiện đang được giới đầu tư đánh giá cao khi P/E về vùng hấp dẫn nhất của thập kỷ. Hầu hết các ngân hàng đang có kết quả kinh doanh tăng trưởng và có kế hoạch trả cổ tức cao cho cổ đông.
Hiện, mùa ĐHCĐ năm nay đã có 9 ngân hàng công bố phương án chia cổ tức năm 2022, 2023. Trong đó, 3 ngân hàng chốt trả cổ tức bằng cả tiền và cổ phiếu cao gồm: ACB, HDBank (HDB) và VIB.
Tại ngày 31/3/2022, vốn hóa của ngành ngân hàng Việt tăng 72.860 tỷ đồng tương đương tăng 5% so với tháng 2 lên mức 1,7 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu PGB tăng mạnh nhất dòng bank với mức tăng 31%, theo sau là EIB (+26%), VPB (+23%) và HDB (+13%).
Không chỉ trong nước, các quỹ ngoại cũng nhanh chóng nhận thấy cơ hội vàng từ cổ phiếu ngân hàng có kế hoạch cổ tức cao. Ngay từ đầu năm, khối ngoại đã mạnh tay tích lũy cổ phiếu ngân hàng và thắng đậm. Nổi bật nhất trong xu thế tích sản cổ phiếu ngành bank của khối ngoại thời gian qua là HDB. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rót hơn 200 tỷ vào nhà băng này.
Không chỉ khối ngoại, tiền cá nhân, tổ chức trong nước cũng đang chảy về HDB. Theo số liệu tại ngày 31/12/2022, cổ đông của HDBank đã tăng với tốc độ rất nhanh, gần 20%, đạt 27.500 người chỉ trong 1 năm.
Nhìn lại quá khứ, giai đoạn trước 2020, ngành ngân hàng phải đối phó với nợ xấu, xử lý nợ xấu dưới áp lực tái cấu trúc nên thường không chia cổ tức hoặc chỉ ở mức "tượng trưng" khiến cổ đông nhận cổ tức nhưng lại "tức" ở cổ. Tuy nhiên, HDB - ngân hàng đang là tâm điểm của thị trường chứng khoán hiện tại đã duy trì mức cổ tức hấp dẫn cho cổ đông trong nhiều năm liền.
Mùa Đại hội cổ đông năm nay, HDBank tiếp tục lên phương án trả cổ tức hấp dẫn cho cổ đông với tỷ lệ 25% bằng tiền và bằng cổ phiếu khi đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, lần đầu tiên gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.