(Tổ Quốc) - Dù bạn là người tổ chức cho người khác mua chung, hay là tham gia góp vốn nhỏ thì cũng nên hiểu và đòi hỏi quyền lợi của mình. Bạn cần phải có các hợp đồng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Hôm qua mình có lê la cà phê với nhóm bạn, có cả luật sư, có cả giám đốc kinh doanh tập đoàn. Tất cả đều đồng ý rằng từ 2020, hiện trạng mua chung bất động sản diễn ra rất nhiều .
Luật sư thì nói rằng: Cũng đơn giản thôi mà, giờ đất giá tiền nhỏ không thể mua được, thì mọi người phải góp lại mua chung thôi.
Bạn giám đốc kinh doanh nhận định: Vài năm gần đây, vấn đề mua chung xảy ra rất nhiều, và vài năm sau mọi người hãy đón xem hệ quả của vấn đề mua chung.
Mình thì cho rằng không cần đợi vài năm sau đâu, hiện đã có quá nhiều rủi ro khi mua chung rồi. Để tôi kể cho các bạn nghe vài câu chuyện:
Câu chuyện thứ nhất
David và Adam là 2 người bạn, đi học chung một lớp học tài chính với nhau. Thấy cùng tư duy, cùng túi tiền nên cả hai rủ nhau hùn vốn mua chung. Hai người đó mua mảnh đất ở Đồng Nai từ 2019 với giá 3 tỷ đồng, giờ miếng đất lên 6 tỷ mà David không chịu bán. Lý do rất đơn giản David kỳ vọng lên 8 tỷ mới bán, và có tài chính tốt nên không bán. Còn Adam thì cần tiền mà không thể làm gì được.
Sau đó mảnh đất lên 8 tỷ, Adam kêu bán đi, David kêu cái này David góp chung với chị bạn thân. Chị đó muốn tìm được mảnh đất khác để mua rồi mới bán mảnh đất ở Đồng Nai. Thế là mua chung không có điểm ra.
=> Không có kế hoạch bán hàng, chốt lãi
Chốt lãi sẽ dựa trên 2 thông số:
1. Mua sau thời gian bao lâu là chốt 1-2-3-5 năm hoặc;
2. Lãi 30-50% là chốt .
Câu chuyện thứ hai
Có một nhóm bạn đại học chơi chung với nhau. Sau này đi làm ai cũng có sự nghiệp tốt nên rủ nhau đầu tư chung. Nhưng do ai cũng bận rộn nên để cho lớp trưởng đứng tên bán giúp đất cho tiện. Nhưng rồi gia đình lớp trưởng có vấn đề. Tài sản của nhóm bị Toà mang ra xử, lúc đó người vợ tinh thần tình cảm không tốt, nên cái gì chia đôi thì là đôi, không thể nói tình, nói lý được nữa. Cả nhóm vừa phải đội quan toà xử vụ ly hôn, rồi đợi thời gian bán tài sản ra nữa .
=> Không có hợp đồng khước từ tài sản vợ/chồng khi mua chung
Câu chuyện thứ ba
3 anh em hàng xóm đầu tư cùng nhau. Vì nhậu với nhau bao nhiêu năm trời nên ai cũng tin tưởng nhau. Rồi một hôm nhậu, người anh cả nói rằng có cơ hội tốt, rủ mấy anh em cùng đầu. Vậy là cả hội góp tiền vào mua đất.
Người anh lớn tuổi nhất: góp 50%
Người lớn tuổi nhì: góp 40%
Người em út tuổi nhất: góp 10%
Vì 3 anh em tin nhau nên chỉ thoả thuận bằng miệng.
Sau 1 thời gian, vô tình người em út tử vong do tai nạn giao thông. Trên sổ đỏ, 3 người đứng tên như nhau, nên người vợ em út đòi chia đều 3 người 33%. Lúc này nói lý, nói tình không xong lại lôi nhau ra toà .
=> Không có kế hoạch dự toán kinh doanh, tỉ lệ góp vốn thoả thuận trên văn bản
Câu chuyện thứ tư
Có 3 người bạn chơi thân với nhau 20 năm: Người thì làm nhà hàng, người làm thầy giáo, người làm bác sĩ.
Trong nhóm, người bạn làm nhà hàng phú quý kinh doanh tốt nhất nên rủ 2 người bạn thân cùng nhau đầu tư chung. Thầy giáo và bác sĩ không ngần ngại đồng ý vì anh em chơi với nhau cả nửa cuộc đời, còn gì đâu mà không tin nhau. Thế là cả 3 thống nhất để bạn chủ nhà hàng đứng tên tài sản mua chung.
Mọi chuyện rất êm đềm cho đến một ngày, công việc kinh doanh của bạn chủ nhà hàng đi xuống, áp lực nợ chồng chất, lương nhân viên, lãi ngân hàng, lãi xã hội đen.
Thế là người chủ nhà hàng làm liều, lấy sổ đỏ đó đi cầm xã hội đen để xoay dòng vốn, Nhưng vì thất bại khó khăn chồng chất, người chủ nhà hàng phải bỏ xứ đi luôn, không dám quay về nữa .
=> Vì quá tin người mà không có cơ chế quản lý giám sát chéo nhau
Điểm mạnh của đầu tư chung bất động sản là có thể tham gia dù vốn không quá nhiều. Đồng thời, có thể phân bố tiền vào nhiều nơi để tối ưu các cơ hội. Song song với đó cũng có rất nhiều rủi ro khi đầu tư chung.
Làm việc thì cứ mất lòng trước được lòng sau, mình rõ ràng từ đầu để sau này mọi người sẽ sòng phẳng, minh bạch, giữ được mối quan hệ lâu dài.
Dù bạn là người tổ chức cho người khác mua chung, hay là tham gia góp vốn nhỏ thì cũng nên hiểu và đòi hỏi quyền lợi của mình. Bạn cần phải có các hợp đồng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Các quyền lợi nhà đầu tư góp vốn yêu cầu phải có:
- Phiếu cọc với người bán
- Công khai số người góp vốn mua chung và chi tiết % số vốn từng người góp
- Hợp đồng góp vốn kinh doanh
Phụ lục 1 : Khước từ tài sản vợ/ chồng
Phụ lục 2 : Di chúc thừa kế
Phụ lục 3 : Kế hoạch kinh doanh chốt lãi
- Tốt nhất tài sản mua chung nên có 2 người đồng sở hữu để giám sát chéo nhau
- Trong nhóm nhà đầu tư với nhau: bầu lên ban giám sát.
Khi bạn rõ ràng, minh bạch, kỹ tính thì túi tiền của bạn luôn được bảo vệ và gia tăng. Còn chỉ tin tuyệt đối vào một người khác mà không có thứ gì được pháp luật bảo hộ thì đồng nghĩa với việc bạn không biết trang bị kiến thức bảo vệ túi tiền mình.
Sói Tài Chính - Nguyễn Duy Thịnh