Thị trường địa ốc 2024 vẫn còn khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
Năm 2023 khép lại khi kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát… Nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, GDP của Việt Nam cả năm 2023 vẫn tăng 5,05% so với năm trước.
Nhìn từ triển vọng của các kênh đầu tư
Dù tích cực nhưng 2023 cũng đánh dấu nhiều thăng trầm của các nhà đầu tư. Các kênh đầu tư như: bất động sản, chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm… biến động khó lường, gây khó khăn hơn trong việc lựa chọn kênh đầu tư có lợi nhuận trong năm tới.
Còn với chứng khoán, 2023 là một năm bấp bênh của giới đầu tư. Chứng khoán có nhiều phiên tăng nhanh chóng rồi lại lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Có lúc, VN-Index vượt lên ngưỡng đỉnh là 1.245 điểm nhưng sau đó đổ đèo về gần 1.000 điểm. Trong 2 tháng cuối năm, chỉ số VN-Index có cải thiện, chốt phiên 29/12 ở mức 1.129,93 điểm. Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, chứng khoán sẽ có khởi sắc nhưng chưa thể đạt mức lợi nhuận tốt như giai đoạn trước. Thị trường chứng khoán chưa ổn định khiến nhà đầu tư còn e ngại, nhất là những người mới tham gia thị trường.
Nếu như trước đây, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn được đánh giá là kênh đầu tư khá an toàn thì lãi suất huy động hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử khiến nhiều người không còn mặn mà.
Động lực cho bất động sản phục hồi
Trong bối cảnh các kênh đầu tư đều thăng trầm, thị trường bất động sản vẫn được nhiều người đánh giá cao vì có nhiều điểm sáng. Theo chuyên gia nhận định, mặc dù thị trường còn khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo ông, thị trường phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi nhờ 3 động lực. Đầu tiên là việc sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan tháo gỡ "vướng mắc pháp lý", khó khăn cho hàng trăm dự án bất động sản. Các cải cách hành chính sẽ tiếp tục được tăng cường, góp phần đơn giản hoá, rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư… Thời gian qua, Chính phủ cũng liên tục đưa ra những chỉ đạo quan trọng để ổn định, phục hồi và phát triển bất động sản như Nghị quyết số 1435, nghị quyết số 33…
Còn theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ phục hồi từ quý II/2024. Nhận định này có nhiều khả quan nhờ sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, các hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch; trong khi nhu cầu và khả năng chi trả của người dân ngày càng tăng.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường đang trong giai đoạn vàng để tăng sức bền, tái cấu trúc và phục hồi, bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Thị trường trong giai đoạn "tĩnh lặng" là lúc để các doanh nghiệp bất động sản chứng minh thực lực, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đưa ra những chiến lược đầu tư phù hợp, hướng đến xây dựng một môi trường minh bạch, bền vững. Những chính sách đồng hành của Chính phủ sẽ sớm đưa thị trường sôi động trở lại, có thể là từ nửa cuối năm 2024 với trạng thái thanh lọc, hiệu quả hơn.
Nói về triển vọng phục hồi của thị trường, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, 2024 khả năng cao sẽ là năm cuối cùng của quá trình "vượt chướng ngại vật". Tuy khó có thể "bùng nổ" nhưng thị trường sẽ đi dần vào "ổn định". Quý I và quý II/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Và đến nửa cuối năm 2024 trở đi, thị trường sẽ phục hồi rõ rệt.
Tại Hà Nội, khu vực nội đô ngày càng bị nén chặt sau 15 năm mở rộng bởi dân số tăng nhanh trong khi phát triển hạ tầng giao thông lại rất chậm so với nhu cầu và quy hoạch chung Thủ đô. Xu hướng cư dân dịch chuyển về khu Tây Hà Nội thực tế đã diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng mở rộng về phía trục Đại lộ Thăng Long nhờ các điểm sáng về chất lượng căn hộ cao cấp, hệ thống dịch vụ, hạ tầng phát triển đồng bộ… Không chỉ là nơi có thanh khoản sôi động nhất, khu Tây Hà nội còn trở thành điểm an cư thu hút cộng đồng hàng nghìn cư dân bởi các điểm sáng về: vị trí, tiện ích, hạ tầng, cảnh quan, an ninh… với định hình rõ nét về lối sống.
Gần đây, hàng loạt dự án cao cấp từ các chủ đầu tư lớn tiếp tục bung hàng tại thị trường phía Tây, định hình bộ mặt mới cho bất động sản khu vực. Ghi nhận cho thấy, các dự án bước đầu tiếp tục được đón nhận với số lượng hàng ngàn lượt booking (đặt cọc) sau vài ngày mở bán. Giới chuyên gia cũng nhận định, khu Tây sẽ tiếp tục là "điểm tựa", dẫn dắt thị trường bất động sản trong năm 2024.