(Tổ Quốc) - Mất vị giác là một trong những biểu hiện thường gặp ở người mắc Covid-19 và tác động rất nhiều đến tâm lý cũng như quá trình hồi phục của bệnh nhân.
Trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao. Bên cạnh việc trang bị kiến thức chủ động phòng tránh, chúng ta cũng cần tìm hiểu kiến thức cho cá nhân để tự quản lý và điều trị COVID-19 tại nhà.
Đáp ứng nhu cầu đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện chương trình TRUYỀN HÌNH TRỰC TUYẾN: HƯỚNG DẪN F0 TỰ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC TẠI NHÀ.
Tham gia buổi livestream có hai chuyên gia hàng đầu đó là PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trong chương trình, PGS đã giải đáp những thắc mắc dành cho người điều trị COVID-19 tại nhà cũng như những người thân để ngăn các nguy cơ trở nặng, từ đó tăng khả năng hồi phục và khỏi bệnh.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất ở người bị nhiễm COVID-19 đó là hiện tượng mất vị giác. Nhiều người khi gặp phải vấn đề này thường sẽ rất hoang mang và lo lắng.
Triệu chứng mất vị giác khi nhiễm COVID-19
Theo PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, mất vị giác và khứu giác là một triệu chứng khá đặc hiệu của nhiễm COVID-19. Hai triệu chứng này không thể hiện mức độ nặng của bệnh cũng như không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể khỏi hoàn toàn được. Rắc rối lớn nhất của mất vị giác, khứu giác là làm giảm cảm giác ngon miệng, gây kém ăn ảnh hướng đến sự hồi phục sức khỏe và gây lo lắng cho người bệnh.
Một số biện pháp giúp cải thiện mất vị giác, khứu giác:
Nhân viên y tế quản lý người f0, người thân trong gia đình nên động viện cho người f0 cố gắng ăn uống và thông cảm cho than phiền này của họ
Giữ tâm lý thoải mái khi ăn uống
Ăn thức ăn khi còn ấm, vì thức ăn ấm, nóng sẽ có vị đậm đà hơn
Vệ sinh răng miệng, tạo cảm giác ngon miệng
Không nên quá lo lắng về bệnh, tránh các suy nghĩ tiêu cực.
Đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 mất vị giác, bác sĩ lưu ý cần đặc biệt chú trọng để có thể tăng khả năng hồi phục cũng như ngăn ngừa các rủi ro đáng tiếc.
Chán ăn rất thường gặp ở mọi bệnh không riêng COVID-19. Tuy nhiên với người nhiễm COVID19 do bị cách ly ở một mình, cách ly tập trung hoặc ở cùng những người thân cũng đang mệt mỏi vì bệnh tạo nên tâm lý lo lắng, căng thăng và chán ăn
COVID-19 nguy hiểm như thế nào?
Để cải thiện tình trạng chán ăn cần thực thiện một số biện pháp như sau:
Uống đủ nước
Giữ tâm lý thoải mái khi ăn
Chia nhỏ bữa ăn 4-6 bữa một ngày, không bỏ bữa
Nếu không ăn được cơm thì thay thế bằng các thực phẩm khác giàu dinh dưỡng như cháo thịt, sữa giàu năng lượng, ngũ cốc,…
Nhân viên y tế, người chăm sóc khuyến khích động viên, tạo động lực ăn uống cho người f0
Thùy Anh