Trung Quốc mở cửa thị trường trái phiếu, sự kiện được đánh giá "bùng nổ" như khi nước này tham gia WTO

(Tổ Quốc) - Việc Trung Quốc tham gia WTO đã làm rung chuyển thương mại toàn cầu, thị trường tài chính có thể đến tiếp theo.

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 của Trung Quốc đã làm thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy ngay cả khi Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn khép kín, với sự kiểm soát chặt chẽ đối với dòng tiền vào và ra. Trong nhiều năm, đề tài "mở cửa hai chiều" đã được thảo luận, nhưng tiến độ chậm vẫn chậm.

Giờ đây, sự gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu trị giá 15.000 tỷ USD của Trung Quốc - được củng cố trong năm nay khi quốc gia châu Á góp mặt trong cả ba chỉ số hàng đầu thế giới - có thể đánh dấu "một vụ nổ" lớn tương đương với việc gia nhập WTO.

Các quỹ hưu trí toàn cầu, vốn bị "thất thu" vì tốc độ tăng trưởng chậm trên thế giới, giờ đây sẽ được tiếp cận với khoản nợ chính phủ an toàn có khả năng trả hơn 3% lợi tức. Và nếu các nhà chức trách thực hiện cam kết mở cửa, được nhấn mạnh trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đưa ra vào tháng 10, giới đầu tư Trung Quốc có thể sớm nhận thấy không chỉ điện thoại, cà phê cappuccino và ô tô, mà việc nắm giữ cổ phần của Apple, Starbucks hoặc Tesla cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Người dân Trung Quốc có thể tham gia chính phủ của họ, vốn từ lâu đã là người mua lớn các tài sản ở nước ngoài như trái phiếu, để trở thành nguồn huy động vốn mạnh mẽ.

"Trung Quốc sẽ chuyển từ một nhà xuất khẩu hàng hóa thành nhà xuất khẩu vốn, với những hậu quả đáng kể đối với thế giới", ông Stephen Jen, người điều hành Eurizon SLJ Capital, một quỹ đầu cơ và công ty tư vấn ở London, nhận định.

Tuy nhiên hậu quả là gì? Những thay đổi lớn đối với hệ thống tài chính trong quá khứ đã tạo ra một số kết quả không tốt. Điển hình như sự ra đời của đồng euro năm 1999 đã gieo mầm cho cuộc khủng hoảng nợ của khu vực một thập kỷ sau đó. Hay làn sóng tiết kiệm ở nước ngoài đổ vào Mỹ trong những năm 2000 đã tạo ra cuộc bùng nổ thế chấp và dẫn tới vụ vỡ bong bóng kinh hoàng trong năm 2007 - 2008.

Bloomberg Markets đã thu thập quan điểm về việc việc mở cửa thị trường vốn Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của nền tài chính toàn cầu trong những năm tới. Dưới đây là một số chủ đề được đề cập:

Dòng tiền tiết kiệm Trung Quốc vươn ra thế giới

Jen, bắt đầu sự nghiệp của mình tại Morgan Stanley, nhìn nhận việc mở cửa thị trường vốn của Trung Quốc là sự thay đổi cấu trúc lớn nhất đối với tài chính quốc tế kể từ khi đồng euro ra mắt.

Dòng vốn nước ngoài chảy vào liên tục có thể khiến Bắc Kinh yên tâm về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn đã "đóng băng" dòng tiền nội địa ở trong Trung Quốc bấy lâu nay. Thực tế nó có lẽ sẽ phải làm vậy nếu không đồng nhân dân tệ sẽ mạnh lên, làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều đó sẽ làm mất đi làn sóng tiết kiệm của người Trung Quốc trên toàn cầu. Jen ước tính có tới 5.000 tỷ USD nhu cầu đầu tư bên ngoài Trung Quốc bị giữ lại trong nước. Điều này có thể giống với những đồng tiền chảy ra từ những nước xuất khẩu dầu trong những năm 1970, rồi tạo ra một khoản vay khổng lồ và không bền vững cho các quốc gia Mỹ Latinh.

Một phần của hành động

Để tiếp cận nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, giới đầu tư toàn cầu thường phải mua các tài sản ủy nhiệm như đồng đô la Australia, hàng hóa hoặc một số lượng nhỏ cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Hồng Kông. Việc mở cửa thị trường trái phiếu Trung Quốc cho phép họ tiếp xúc trực tiếp.

Theo ông Ed Al-Hussainy, nhà phân tích cấp cao về lãi suất toàn cầu tại Columbia Threadneedle (New York), điều này cũng cung cấp một giải pháp thay thế cho trái phiếu chính phủ Nhật Bản và các khoản nợ chính phủ có lợi suất thấp hoặc âm khác.

Trái phiếu chính phủ Trung Quốc hiện đã được đưa vào, hoặc theo từng giai đoạn để đưa vào, ba chỉ số trái phiếu quốc tế chính mà các nhà đầu tư sử dụng làm điểm chuẩn được FTSE Russell, JPMorgan Chase và Bloomberg Barclays (một phần của Bloomberg LP, chủ sở hữu của Bloomberg Markets) tổng hợp .

Khoảng 5.300 tỷ USD tài sản được đầu tư vào các chỉ số này, theo ước tính từ Goldman Sachs Group Inc. Các quỹ theo dõi chỉ số thụ động sẽ cần mua trái phiếu Trung Quốc để phù hợp với các điểm chuẩn. Một số nhà quản lý chủ động – những người lo ngại về chi phí giao dịch; trong khi những người khác có đầu tư quá mức vào Trung Quốc vì lợi suất hấp dẫn.

Dòng vốn chảy vào vì hiệu ứng

Các nhà phân tích của Goldman cho biết lợi suất trái phiếu của Trung Quốc giống với lợi suất trên các thị trường mới nổi nhưng các nhà đầu tư có thể sẽ xem chúng là chứng khoán của thị trường phát triển. Sau khi thu hút được 230 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường có thu nhập cố định trong 5 năm qua, Trung Quốc sẽ ghi nhận ​​thêm khoảng 770 tỷ USD trong 5 năm tới, theo ước tính của Goldman vào tháng 10.

Những người chơi trên thị trường không cho rằng kết quả này sẽ làm thay đổi việc phân bổ tài sản để tăng lợi tức trái phiếu ở những thị trường nơi khác, nhưng khoản tiền này sẽ phải được rút ra ở một nơi nào đó. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 13% trái phiếu chính phủ Nhật Bản và hơn 30% trái phiếu chính phủ vào cuối tháng 6. Theo ước tính của Commerzbank AG, khoảng 1/4 trái phiếu chính phủ khu vực đồng tiền chung châu Âu được nắm giữ bởi các nhà đầu tư bên ngoài khu liên minh tiền tệ.

Đối thủ cạnh tranh về vốn

Washington, nói riêng, có thể phải cạnh tranh với Bắc Kinh về nguồn vốn ở nước ngoài. Tài khoản vãng lai của Trung Quốc vừa đủ thặng dư so với quy mô của nền kinh tế nước này, ngay cả khi có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Trung Quốc ghi nhận thâm hụt lớn trong thương mại dịch vụ và một số nhà kinh tế dự đoán nước này sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai trong tương lai. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ cần phải rút tiền từ nước ngoài về, giống như Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ.

"Trung Quốc có thể thâm hụt tài khoản vãng lai, buộc quốc gia châu Á phải mở cửa thị trường và nhập khẩu vốn từ nước ngoài", ông Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cấp cao tại AXA Investment Managers (Hồng Kông), cho biết. Với cả Trung Quốc và Mỹ - còn được gọi là G2 - cạnh tranh dòng tiền tiết kiệm, phần còn lại của thế giới phải thúc đẩy tiết kiệm để tài trợ cho sự thiếu hụt về nguồn vốn của G2, hoặc G2 sẽ phải tự điều chỉnh, ông Yao nói thêm.

Cạnh tranh có thể trở nên khốc liệt hơn nếu chính quyền Washington tăng cường các động thái vào năm 2020 để giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn từ Mỹ của người đi vay Trung Quốc. Ví dụ, các nhà lập pháp từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đề xuất các quy tắc khiến việc phát hành cổ phiếu tại thị trường Mỹ của các công ty của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Sự minh bạch và phân bổ tín dụng tốt hơn

Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý của Trung Quốc hy vọng việc mở cửa thị trường trái phiếu sẽ cải thiện cách phân bổ tín dụng. Chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách chuyển đổi nền kinh tế sang một hệ thống dựa trên thị trường, trong đó các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích tín dụng định giá nguồn vốn cho những người vay khác nhau vào mức độ rủi ro của họ. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng điều đó sẽ ngăn chặn sự tích tụ của các khoản vay rủi ro lớn và dễ vỡ nợ, giảm công suất dư thừa, và nhờ đó đầu tư hiệu quả hơn.

Điều đó giúp giải thích nguyên nhân Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và các cơ quan quản lý khác đã làm việc hết sức để được chấp thuận gia nhập các chỉ số trái phiếu chuẩn. Để đạt được sự chấp thuận đó, Bắc Kinh đã phải giải quyết nhiều khiếu nại về thị trường nội địa, chẳng hạn như quá nhiều thủ tục giấy tờ cho người nước ngoài và tốc độ hoàn thành giao dịch chậm.

Các cơ quan quản lý cũng cung cấp nhiều lựa chọn phòng ngừa rủi ro hơn và chính phủ Trung Quốc đã nâng quy mô trái phiếu tư nhân để tăng tính thanh khoản. Sau biến động trượt giá năm 2015 của đồng nhân dân tệ, PBOC cũng đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách tiến hành quản lý tỷ giá hối đoái minh bạch và ổn định hơn.

Hậu quả không lường

Luôn có rủi ro rằng mọi việc sẽ không diễn ra như kế hoạch. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì củng cố thị trường thu nhập cố định của Trung Quốc, việc mở cửa mang lại cho những người đi vay có rủi ro lớn nhất của Trung Quốc tín dụng thậm chí còn rẻ hơn?

Đây là cách nó xảy ra: Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung vào việc mua trái phiếu do chính phủ và ba ngân hàng chính sách gắn liền với các mục tiêu của chính phủ bán ra. Tính đến giữa năm 2020, các nhà quản lý tài sản ở nước ngoài nắm giữ 8,5% trái phiếu chính phủ, tăng từ chỉ 2,4% vào tháng 2/2016. Ngược lại, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp của họ, ở mức 0,7%, hầu như không thay đổi so với 0,6%, các chuyên gia phân tích của Goldman ước tính.

"Các cơ quan quản lý có thể cùng với những nhà đầu tư trong nước bị hất khỏi thị trường trái phiếu chính phủ. Bằng cách đẩy lợi suất của các tài sản phi rủi ro xuống, những dòng vốn từ nước ngoài này có thể buộc các nhà đầu tư Trung Quốc rời khỏi đường cong tín dụng. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng họ không tốt lắm khi bắt đầu định giá tín dụng, thì những dòng vốn này thực sự có thể đang làm cho vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn", theo Michael Spencer, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Deutsche Bank AG (Hồng Kông).

Mức chênh lệch trên thị trường nợ doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc ít khác biệt hơn so với thị trường trái phiếu Mỹ. Trái phiếu doanh nghiệp hàng đầu mang lại lợi nhuận khoảng 70 điểm cơ bản, tương đương 0,7 điểm phần trăm, lớn hơn trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào cuối tháng 10.

Theo nền tảng ChinaBond, chứng khoán lợi suất cao có lãi suất cao hơn 329 điểm cơ bản. Ngược lại, chênh lệch doanh nghiệp ở cấp độ đầu tư của Mỹ ở mức 123 điểm cơ bản so với trái phiếu chính phủ và trái phiếu rác có lợi suất 488 điểm cơ bản.

Mất kiểm soát

Thị trường càng mở, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc càng khó duy trì sự giám sát về lãi suất và tỷ giá hối đoái. Các động thái thúc đẩy lợi suất - chẳng hạn như thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát - có thể thúc đẩy làn sóng vốn chảy vào, khiến đồng tiền leo thang, và theo đó xuất khẩu kém cạnh tranh hơn. Tương tự, các biện pháp làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến một "cuộc di cư" gây bất ổn của dòng vốn.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rất thận trọng và kiên nhẫn. Điều đó giúp giải thích lý do tại sao họ phong tỏa hệ thống tài chính ngay cả khi mở cửa nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau bắt đầu từ cuối những năm 1970.

Họ hoan nghênh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nhưng dòng vốn đầu tư vào lại là một vấn đề khác. Xét cho cùng, các cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi trong những năm 1980 và 1990 cho thấy nguy cơ "tiền nóng" (số tiền thường xuyên luân chuyển để sinh lời) – loại tiền có thể nhanh chóng rời một quốc gia và gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính nghiêm trọng.

Trung Quốc có thể cần thiết lập lại các biện pháp kiểm soát và giới hạn nếu thị trường tài chính mở cửa gây ra biến động quá mức. Các nhà chức trách trong những năm gần đây đã quản lý sự dao động của tiền tệ bằng cách đưa ra hoặc loại bỏ các hạn chế trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, mặc dù giới hoạch định chính sách Trung Quốc dường như đồng ý về lợi ích của việc mở cửa thị trường, quá trình này có khả năng chỉ là một bước khởi đầu.

Ưu điểm nhiều hơn nhược điểm

Trung Quốc muốn và cần nguồn vốn nước ngoài cho sự tăng trưởng và thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ trên thị trường toàn cầu, vốn vẫn đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch quốc tế. Tốc độ tăng trưởng của quốc gia nền kinh tế lớn thứ hai đã chậm lại trong những năm gần đây, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, và kỷ nguyên của thặng dư tài khoản vãng lai lớn đã kết thúc.

Với lực lượng lao động ngày càng già đi và ngày càng giảm, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, làm trì hoãn sự tăng trưởng trước khi đạt đến trình độ phát triển của các nước giàu trên thế giới. Sự minh bạch tài chính được cải thiện, nguồn vốn đa dạng và đầu tư hiệu quả hơn sẽ là chìa khóa để đảm bảo điều đó không xảy ra.

Đối với phần còn lại của thế giới, sự hội nhập tài chính của Trung Quốc sẽ mang lại sự thay đổi khó lường, giống như việc nước này tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu. Lực lượng lao động khổng lồ của nước này khiến hàng hóa có giá cả phải chăng hơn trên khắp thế giới, cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.

Tuy nhiên nó cũng khiến các thị trấn sản xuất từ ​​Michigan đến miền bắc nước Anh trở nên hoang vu, dẫn tới chi phí xã hội với những hậu quả chính trị vẫn đang diễn ra. Tương tự như vậy, sự dịch chuyển hàng nghìn tỷ USD tiền vốn qua biên giới sắp tới dường như có khả năng tạo ra người thắng và người thua trên toàn cầu.

Đông A

Bloomberg

Tin Cùng Chuyên Mục
Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi: Lợi nhuận 2024 năm tăng 60%, hoạt động môi giới chứng khoán bứt phá

Chứng khoán Kafi vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt ở mảng môi giới chứng khoán với tốc độ bứt phá mạnh mẽ. Thành tựu này khẳng định chiến lược phát triển vững chắc và đánh dấu bước tiến quan trọng của Kafi trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin mới