(Tổ Quốc) - Càng lớn tuổi, chúng ta càng phải gánh trên vai nhiều gánh nặng, khó khăn, đồng thời càng phải đủ bản lĩnh để dẫn dắt cảm xúc và lý trí một cách tỉnh táo, khôn ngoan nhất có thể.
Có người nói rằng, trong những độ tuổi vui vẻ nhất của đời người, xếp thứ nhất là thời tuổi thơ chưa trưởng thành, xếp thứ hai là độ tuổi già đã học được cách an yên, cuối cùng mới là độ tuổi trưởng thành, chững chạc.
Khi đi qua tuổi 30, bước vào ngưỡng 35, chúng ta mới nhận thấy, cơ hội nâng cao thu nhập ít đi, sức khỏe ngày càng tệ đi, trách nhiệm trở nên nặng nề hơn, cha mẹ ngày một già yếu, trong khi con cái còn chưa lớn khôn. Đó cũng là thời điểm mà những gian nan, vất vả cả về đời sống lẫn tinh thần xuất hiện nhiều nhất.
Thế nhưng, chúng ta cũng cần đồng thời hiểu rằng, nếu khó khăn không thể quật ngã ta thì chỉ có thể biến ta trở nên càng mạnh mẽ.
Với những phương pháp sau đây, hãy học cách kiểm soát năng lượng tinh thần của mình, đó mới là tiền để để trở thành một người khôn ngoan và bản lĩnh trong việc đối nhân xử thế.
1. Catharsis - Thanh tẩy
Thanh tẩy là một cuộc giải phóng cảm xúc. Theo thuyết phân tâm, quá trình này này có liên quan đến nhu cầu giải tỏa những xung đột tồn tại trong vô thức. Ví dụ, bị căng thẳng trong công việc có thể gây ra cảm xúc bực bội và tức tối. Thay vì tự điều hòa sai cách những cảm xúc này, chủ thể có thể giải tỏa những cảm xúc này theo cách khác, như qua các hoạt động thể chất hoặc các hoạt động giải tỏa căng thẳng khác.
Bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo - Sigmund Freud cho rằng: việc giải phóng cảm xúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình làm giảm các triệu chứng đau buồn.
Chẳng hạn như, một đêm khuya, bạn đang ngủ thì bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại lạ.
Khi bạn vừa nhấc máy, đầu dây bên kia xuất hiện giọng phụ nữ phàn nàn: “Tôi hận anh ta!”
Bạn không hiểu: "Anh ta là ai?"
Người phụ nữ đáp: "Là chồng tôi!"
Lúc này, bạn mới nhận ra cuộc gọi nhầm số, bạn đáp: “Xin lỗi chị nhầm rồi, tôi không quen chị hay chồng chị”.
Tuy nhiên, người phụ nữ tiếp tục nói không ngừng: "Cả ngày tôi phải chăm sóc bốn đứa nhỏ, vậy mà anh ta cứ làm như tôi ở nhà ăn chơi hưởng phúc không bằng. Đôi khi tôi muốn ra ngoài thư giãn một lúc thì anh ấy không cho, nhưng bản thân đi đêm đi hôm, rạng sáng mới về thì lại bảo mình đi bàn công việc, công tác nọ kia. Ai mà tin cơ chứ!".
Cuối cùng, đầu dây bên kia mới đáp: "Tất nhiên là chúng ta không biết nhau, nhưng những lời này đã bị tôi kìm nén trong một thời gian dài quá rồi. Cuối cùng cũng có cơ hội nói ra được, tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Cảm ơn đã lắng nghe và xin lỗi vì đã làm phiền bạn thế này".
Đây chính là một quá trình giải tỏa cảm xúc, khi bạn thông qua một phương thức nào đó để thể hiện tâm lý tổn thương, những bất hạnh, khó khăn mà mình đã gặp phải, từ đó giảm trừ cảm xúc tiêu cực tích tụ trong lòng.
Trong sinh hoạt, mỗi người chúng ta luôn có thể đối mặt với sự bất công, thất vọng, bị chèn ép, hãm hại, tổn thương… Nếu để mặc cảm xúc tiêu cực đó sinh ra và tích lũy trong lòng, mỗi ngày đều bị kìm nén mà không có phương hướng giải tỏa, sớm muộn cũng sẽ có lúc bùng nổ.
Người trưởng thành không nhất thiết phải luôn luôn giữ vững vỏ bọc kiên cường. Khó chịu thì nói ra, đau lòng thì bật khóc, giải tỏa xong mới có thể tập trung tinh thần theo đuổi mục tiêu cuộc sống mới. Quá trình giải tỏa này cũng chính là quá trình bạn tự an ủi bản thân, thả lỏng tinh thần và điều tiết lại tâm tình. Biết cách điều hòa đúng cách, chúng ta mới tìm được sự tỉnh táo và khôn ngoan, không bị sự chán nản, giận dữ hay bất cứ cảm xúc thất thường nào chi phối tâm trí.
2. Thoát khỏi hiệu ứng “Phantom limb”
“Phantom limb” hay “Các chi ma” là thuật ngữ mà giới y học dùng để diễn tả hiện tượng một người sau khi đã bị cưa cụt cánh tay hoặc cẳng chân, nhưng vẫn có cảm giác như nóng, lạnh, ngứa ngáy, đau buốt… ở vị trí đấy giống như chúng còn đang tồn tại.
Dựa trên điều này, người ta cũng mở rộng ý nghĩa của hiệu ứng “phantom limb” trong lĩnh vực tâm lý, dùng để chỉ những người sinh ra cảm giác tồn tại và muốn chi phối mạnh mẽ đối với một sự vật/đối tượng nào đó đã mất đi.
Trong cuộc sống, đây là một hiện tượng tâm lý rất khó rũ bỏ hoàn toàn. Chẳng hạn như, một nhân viên ngày ngày đã quen với bận rộn bỗng nhiên bị thất nghiệp, một cụ già bỗng nhiên phải tiễn biệt người vợ đã bên nhau hàng chục năm, hoặc một cơ hội phát triển đã nằm trong tay nhưng lại để vụt mất… Đó là lý do mà người ta cũng nói: Không có gì khó bằng việc đã từng có được, nhưng không thể giữ được.
Nhưng trên thực tế, đắm chìm trong nỗi đau sẽ chỉ làm nỗi đau được nhân lên gấp bội. Cuộc sống vốn là một quá trình không ngừng mất đi, đồng thời, cũng liên tục nhận được. Một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra. Chỉ cần bạn đủ tỉnh táo và khôn ngoan để nhìn nhận thì không có gì là không thể vượt qua.
Thay vì sống trong sự mất mát ở quá khứ, không dám đối mặt với hiện thực, hãy bình thản chấp nhận điều đó, coi là bài học để tiếp thêm dũng khí và động lực nắm chắc hiện tại đang xảy ra trước mắt.
Giống như nhân vật trong câu chuyện sau đây:
Một ông già ngồi bên cửa sổ xe lửa đã vô tình làm rơi một chiếc của đôi giày mới mua. Đầy tiếc nuối, ông lão vẫn thản nhiên ném nốt chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ.
Người bên cạnh hoang mang hỏi lý do, ông mới nói:
"Nếu chỉ còn một chiếc giày, tôi sẽ không thể dùng được. Vì vậy, thà rằng tôi ném nốt ra ngoài, biết đâu, người nào may mắn sẽ nhặt được cả đôi và có thể sử dụng chúng. Còn hơn để người ta nhặt một, tôi giữ một, cả hai đều không có giá trị gì."
3. Sống như hôm nay là ngày cuối cùng
Có câu nói rằng: "Cuộc sống chưa chắc đã có ngày mai, cho nên, chỉ cần hôm nay vẫn còn sống, hãy cứ tranh thủ thời gian làm điều mình muốn. Chỉ khi được sống với đam mê và sở thích, bạn mới có thể có một cuộc sống hạnh phúc."
Cách nói này cũng có phần tương đồng với slogan “YOLO - Bạn chỉ sống một lần” nổi tiếng cách đây không lâu.
Bản năng con người luôn sợ hãi cái chết. Chúng ta trốn tránh theo tiềm thức và không muốn suy nghĩ quá lâu về một nguy cơ nào vì nhận thức về cái chết cũng đồng nghĩa với việc nhận thức chúng ta còn bao nhiêu thời gian.
Tuy nhiên, dù chúng ta có nhận thức hay không thì bản chất sự thật vẫn luôn nằm đó. Do vậy, hiểu càng sớm, mỗi người lại càng nhanh chóng nhận ra điều thực sự mà mình muốn làm, phương thức thực sự mà mình muốn sống.
Khi đó, bạn sẽ có thể sống mỗi ngày theo đúng ý mình. Dù cuộc sống đó có gặp khó khăn, chúng ta vẫn có đủ tự tin, bình tĩnh và khôn ngoan để đương đầu với nó.
Dương Mộc