Hội thảo khoa học quốc tế "Hoàn thiện hệ sinh thái phát triển Fintech tại Việt Nam" do trường Đại học Đại Nam tổ chức mang đến nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển Fintech tại Việt Nam.
TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các công ty Fintech, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp đã, đang và sẽ áp dụng các sản phẩm Fintech, từ đó đề xuất các giải pháp và khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech tại Việt Nam. Đồng thời, triển khai nghiên cứu và phát triển các chương trình đào tạo Fintech tại các trường đại học, trong đó Trường Đại học Đại Nam sẽ thực hiện từ năm 2024.
Tại chương trình, các nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp đã có những chia sẻ, tập trung trao đổi, tìm kiếm giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng và đầu tư tài chính, gắn với các chủ đề sau: Fintech tại Việt Nam - Thực trạng và xu hướng phát triển, khuyến nghị và chính sách; Hiệu ứng lan tỏa và khối lượng giao dịch của các quỹ giao dịch Fintech; Cải thiện hệ sinh thái để phát triển Fintech tại Việt Nam; Tiềm năng và động lực phát triển của fintech tại Việt Nam; Hành lang pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam…
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia chia sẻ: Thực trạng Fintech ở Việt Nam hiện có những bước phát triển nhanh cả về số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Số lượng các Fintech startups tại VN tăng khá nhanh, từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 176 công ty ở thời điểm cuối năm 2022. Các định chế tài chính (ĐCTC) tại Việt Nam tích cực đầu tư cho chuyển đổi số, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển Fintech tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực đề xuất các trường đại học, viện nghiên cứu, nên tham gia hợp tác 4 bên ĐCTC – Fintech - doanh nghiệp công nghệ - Đại học; đào tạo, phát triển nhân lực Fintech; tham gia giáo dục tài chính, truyền thông.
"Cần có quỹ đầu tư để hỗ trợ các Fintech khởi nghiệp" – Đó là những đề xuất của TS. Phạm Xuân Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam. Ông kiến nghị cần phải tiếp cận Fintech bằng cách làm mới, chấp nhận rủi ro và thất thoát, cần có quỹ đầu tư bảo hiểm để có thể hỗ trợ cho các Fintech khởi nghiệp và sáng tạo.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech tại Việt Nam theo mô hình doanh nghiệp kết hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Đồng thời, cần quan tâm phát triển hạ tầng số, quản lý an ninh mạng, an toàn dữ liệu...
Đặc biệt cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, do nhiều công ty Fintech cho rằng đầu tư vào hoạt động kinh doanh nhưng không biết mình sẽ đi tới đâu.
Ứng dụng đào tạo Fintech là hướng đi đúng đắn của Đại học Đại Nam
Thầy Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam cho biết: "Các bài tham luận trình bày tại Hội thảo là những tài liệu tham khảo quý báu để trường Đại học Đại Nam xây dựng chương trình đào tạo Fintech cho sinh viên. Định hướng của nhà trường trong thời gian tới là đào tạo nguồn nhân lực vừa am tường về lĩnh vực tài chính, vừa hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ, kỹ năng làm việc tốt để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phát triển Fintech Việt Nam".
Theo Ông Hessel Abbink Spaink - Chuyên gia Fintech tổ chức PUM (Hà Lan) nhận định: "Sự nhanh nhạy, đón đầu xu hướng phát triển xu hướng phát triển công nghệ tài chính của trường Đại học Đại Nam là "điểm cộng" lớn để sinh viên phát triển toàn diện, bền vững".
Ông Mukesh Pilania - Giám đốc Ngân hàng số bán lẻ Techcombank chia sẻ: "Việc tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo về lĩnh vực Fintech góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Trường Đại học Đại Nam trước những cơ hội và thách thức của thời đại số hóa hiện nay".
Kết quả của Hội thảo sẽ được phản ánh thông qua những kiến nghị sẽ được tập hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung Ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng như các Bộ, Ngành và các đơn vị liên quan.