(Tổ Quốc) - Đó không hoàn toàn là do bản thân các loại nguyên vật liệu chế tạo thực phẩm bị thiếu hụt mà phần nhiều liên quan đến chuỗi cung ứng gặp rắc rối.
Tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm phổ biến từ bỏng ngô đến tương ớt sriracha đang tràn vào các nhà hàng, kệ hàng tạp hoá trong hè này - một dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng khổng lồ của thế giới vẫn đang chịu nhiều áp lực.
Trong vài tháng qua, nhiều loại thực phẩm dường như ngẫu nhiên trở nên đắt đỏ hoặc khó tìm một cách bất thường. Đó có thể là rau diếp tại Úc, hành tây và xúc xích Ý ở Nhật Bản, thậm chí cả bia đóng chai ở Đức. Các doanh nghiệp đang phải tranh giành để tìm ra các lựa chọn thay thế nhằm phục vụ khách hàng.
Vấn đề thường không nằm ở việc thiếu sản phẩm mà do chuỗi cung ứng gặp vấn đề. Đó là sự kết hợp của hàng loạt yếu tố, từ thời tiết bất lợi, đại dịch, cho đến căng thẳng địa chính trị và nhu cầu của người dân phục hồi.
Khi các nhà sản xuất không thể sản xuất đủ chai thuỷ tinh và lon nhôm, khả năng mua những sản phẩm như soda và bia của người dân sẽ khó dần lên. Sự thiếu hụt container vận chuyển trong khi thị trường lao động thắt chặt làm tăng thêm thách thức cho chuỗi cung ứng. Xung đột Nga - Ukraine cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề đó, khiến nguồn cung cấp ngũ cốc, dầu ăn bị hạn chế, đồng thời đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao.
Một sản phẩm vừa được bổ sung vào danh sách khan hàng là tương ớt sriracha. Nhà sản xuất loại nước chấm mang tính biểu tượng này - Huy Fong Foods - đã buộc phải tạm ngừng sản xuất do thiếu ớt. Người tiêu dùng đang đổ xổ đi tích trữ tương ớt.
Trong khi đó, người uống bia tại Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chai, một phần do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine - nơi cung cấp thuỷ tinh cho các nhà máy bia. NY Times đưa tin, các nhà máy bia ở Đức đang kêu gọi khách hàng tích cực trả lại chai và lon bia đã dùng hết. Họ vốn đã phải trả nhiều tiền hơn cho điện và lúa mạch.
Trong khi đó, tình trạng khan hiếm bỏng ngô ở Mỹ cũng gây lo lắng cho người xem phim khi hàng triệu người tìm đến các rạp chiếu phim để xem các phim bom tấn mùa hè. Không chỉ thiếu hụt các vật dụng đựng như nắp, cố và túi giấy, người nông dân cũng đang bỏ ngô để chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn.
Ngay cả rau cũng khó kiếm hơn. Tình trạng khan hiếm rau diếp ở Úc đã khiến KFC buộc phải đưa bắp cải vào trong các loại bánh mì kẹp thịt của mình. Gã khổng lồ thức ăn nhanh đưa ra lý do về sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau khi lũ lụt lớn ở một số khu vực hồi đầu năm nay. Ở Anh, McDonald’s phải chia khẩu phần cà chua, sử dụng 1 lát thay vì 2. Sự thiếu hụt cà chua là do chi phí sưởi ấm nhà kính bằng khí đốt tăng cao.
Tình trạng khan hiếm khoai tây trên toàn cầu đã gây xôn xao dư luận khi McDonald’s phải tạm dừng bán khoai tây chiên cỡ lớn ở một số quốc gia do những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Các nhà hàng KFC tại Singapore đã thay thế khoai tây chiên bằng bánh quế băm. Tại Kenya, khi KFC hết khoai tây chiên do chậm trễ trong khâu vận chuyển, người dùng mạng xã hội đã kêu gọi tẩy chay chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này vì không sử dụng khoai tây có nguồn gốc địa phương.
Tại Nhật Bản, tình trạng thiếu hụt từ hành tây đến xúc xích Ý khiến nhiều người phải loại bỏ một số món ăn khỏi thực đơn của họ. Saizeriya, chuỗi nhà hàng Ý kiểu gia đình đã tạm ngừng cung cấp món gà nướng. Họ cũng loại bỏ món xúc xích Ý khi Nhật Bản đình chỉ thịt lợn và ngừng nhập khẩu thịt từ Ý sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Madhav Durbha, phó chủ tịch chiến lược chuỗi cung ứng tại Coupa Software cho biết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần suy nghĩ lại về cách thức và nơi họ sản xuất cũng như nguồn cung nguyên liệu từ đâu. Thông qua công nghệ mới và việc lập kế hoạch tốt hơn, họ có thể giảm thiểu tình trạng dứt cung ứng dẫn đến thất thu và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đức Nam