(Tổ Quốc) - Những chiếc ô tô sang trọng đỗ kín con đường, môi giới ăn mặc chỉnh tề hô vang "có khách cọc", tuyên bố bảng hàng đã hết sau vài phút… là cách mà một số công ty bất động sản sử dụng để đẩy giá hoặc bán hàng.
Mới đây, clip một công ty bất động sản dựng rạp trên mảnh đất trống rao bán đất tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước gây xôn xao dư luận. Trong video, hàng chục chiếc ô tô đang đậu trên con đường vào khu đất trống. Trong khi đó, nhân viên công ty bất động sản liên tục chạy đến chỗ MC thông báo: "khách đặt cọc rồi nhé". Chỉ trong 4 phút đã có hơn 10 lô đất đã được khách đặt cọc.
Video đăng tải nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, bình luận của nhiều nhà đầu tư.
Chia sẻ với PV, anh Ngọc (môi giới kỳ cựu) thẳng thắn tiết lộ: "Đây chỉ là chiêu trò quen thuộc của những môi giới. Hơn nữa, làm nghề môi giới muốn giàu, bán được hàng thì chỉ có tạo chiêu trò như vậy, nhất là đối với bán đất phân lô thổ cư".
Môi giới kỳ cựu này chia sẻ: "Có rất nhiều chiêu trò để thổi giá đất lên, cũng như thu hút những người mua đất".
Chiêu trò thứ nhất, một số công ty bất động sản tổ chức buổi lễ mở bán đất hay gọi mỹ miều bằng tên khác là: "Cơ hội đầu tư bất động sản mới". Trong buổi lễ mở bán đất chia lô, đội ngũ môi giới sẽ tiến hành giới thiệu thông tin về thị trường chung, vì sao nên đầu tư đất thời điểm này, khu vực này đang có tiềm năng gì, cơ hội tăng giá ra sao? Tất nhiên trong buổi lễ mở bán, ngoài nhân viên công ty còn có những nhà đầu tư là khách hàng ruột, người đã từng xuống tiền, góp vốn chung hoặc đang kỳ vọng đẩy giá lên.
Những tiếng hô vang về đầu tư trong buổi lễ cũng góp phần tạo tâm lý mua cho khách hàng đến xem. Cũng như kịch bản trong clip về rao bán đất tại Bình Phước, công ty sẽ bố trí "cò mồi". Họ đua nhau vào đặt cọc. Đặt cọc chậm sẽ bị mất cơ hội. Công ty còn cam kết tỷ suất sinh lời tốt. Tâm lý khi đi xem đất, thấy mọi người tranh nhau mua cũng sẽ khiến cho những người xung quanh nghĩ đất sốt thật. Họ sợ bỏ lỡ cơ hội trong đầu tư nên vội xuống tiền.Thậm chí nhiều nơi tổ chức sự kiện thành công đến nỗi, khách mua chênh thêm vài giá.
Chiêu trò thứ hai của môi giới là tạo ra hiệu ứng đất ở khu vực này đang sốt thật. Họ cho những môi giới đến ngồi uống cà phê, trà đá tại các quán xung quanh. Những môi giới sẽ bàn chuyện về lượng giao dịch tiềm năng như thế nào, tốt ra sao để chủ quán, khách hàng ngồi cạnh nghe thấy.
Bên cạnh đó, đội môi giới tiến hành đi hỏi đất tại các nhà dân. Họ sẵn sàng đặt cọc vài lô hoặc chấp nhận đặt chênh giá lên so với người cọc trước khiến cho người dân nghĩ khu vực này đang nóng lên thật. Với cách thức, thông tin truyền tai nhau, người này ráo người kia, vậy là đất nóng lên.
Để thêm chi tiết sốt đất, môi giới thường huy động nhiều xe ô tô đến xem đất. Cách thức này khiến cho người dân hoặc cò địa phương nghĩ rằng, ngay cả nhà đầu tư lớn cũng về đây xuống tiền thì chắc chắn là có sốt đất. Thông thường, chiêu trò này góp phần làm nóng thị trường. Sau đó, các công ty môi giới mới tổ chức các buổi mở bán, mời khách hàng tới tham dự.
Chiêu trò thứ ba của môi giới là gọi điện thoại. Cụ thể, công ty bất động sản sẽ khoanh vùng để "làm giá". Sau đó, họ cho 10-15 môi giới gọi điện cho một người dân. Cứ ai có đất, họ đều gọi điện nhiều như vậy và có thể trả giá. Cứ hình dung, một xã mà có tới 30 người nhận được liên tiếp các cuộc gọi mua đất. Người này đồn người kia, thế là thành sốt đất, giá tăng lên.
Theo anh Ngọc, đây là cách vừa xác lập mặt bằng giá mới trên thị trường, vừa tạo doanh thu bán hàng.
"Trước đây, các chiêu trò này rất "ăn" và hiệu quả. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết các nhà đầu tư tỉnh táo trong việc xuống tiền nên họ cảnh giác với chiêu trò làm giá, tạo sống nóng như vậy. Nhưng, với nhà đầu tư tay ngang mới bước chân vào thị trường, đang trong tâm lý "làm giàu nhanh" thì dễ dàng gặp phải", anh Ngọc chia sẻ thêm.
Hải Nam