(Tổ Quốc) - Là những tỷ phú có trong tay tất cả từ du thuyền trị giá hàng triệu đô la, biệt thự rộng lớn và máy bay phản lực tư nhân, nhưng chỉ qua một biến cố, họ đã trở thành những kẻ trắng tay.
Không phải tất cả các thành viên của nhóm 0,001% người giàu nhất đều có thể giữ vững "phong độ" của mình. Khi sở hữu khối tài sản kếch xù, các tỷ phú có xu hướng cất giữ tài sản bằng bất động sản, cổ phần kinh doanh hoặc các khoản đầu tư khác.
Tuy nhiên trong cuộc đời có nhiều biến cố không thể ngờ đến. Có những người hôm trước sở hữu núi tiền, ngày hôm sau đã không còn gì trong tay. Dưới đây là 3 tỷ phú đã đánh mất tất cả gia tài của mình với 3 thất bại lịch sử.
1. Quyết định sai lầm
Suy thoái kinh tế là tình trạng khó khăn chung đối với tất cả mọi người. Nhưng đối với các tỷ phú, chúng hoàn toàn có thể "xóa sổ" tất cả và không ai hiểu rõ điều đó hơn Patricia Kluge. Kluge gặp chồng tương lai của mình là John Kluge tại thành phố New York. Anh hơn cô 35 tuổi và có khối tài sản ước tính 5,9 tỷ USD vào năm 1990.
Cặp đôi tận hưởng cuộc sống xa hoa với khối động sản rộng lớn ở Albemarle nằm ở vùng nông thôn Virginia.
Tuy nhiên, cả hai quyết định ly hôn vào năm 1990. Patricia Kluge nhận 1 tỷ đô la sau khi chia tay, đây là khoản giải quyết ly hôn lớn nhất ở thời điểm đó. Cô cũng nhận được khối bất động sản xa hoa ở vùng nông thôn và quyết tâm đầu tư tài sản của mình. Không lâu sau, cô nắm lấy cơ hội và thành lập Nhà máy rượu và vườn nho Kluge Estate. Các loại rượu vang được đón nhận nồng nhiệt, Kluge thu về khối lợi nhuận khủng.
Patricia Kluge (Ảnh: Actualidadlaboral)
Kluge mở rộng vườn nho của mình nhanh chóng và tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với khoản vay khổng lồ 65 triệu USD để xây dựng hơn 10 ngôi nhà sang trọng. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, thị trường nhà đất sụp đổ, cô phải gánh một khoản nợ khổng lồ. Để tránh phá sản, cô buộc phải bán vườn nho, cùng với đồ trang sức và đồ đạc cá nhân của mình. Kể từ đó đến năm 2011, Kluge đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ từ khoảng 50 triệu đô la.
2. Xui xẻo
Làm việc ở Phố Wall đi kèm với cơ hội cũng như rủi ro cao. Đáng tiếc Bill Hwang là người chơi "thất bại" tại thị trường sôi động bậc nhất thế giới này. Hwang, 57 tuổi, được biết đến là nhà giao dịch thông minh. Từ năm 2013, ông đã dùng hơn 200 triệu đô la còn lại từ quỹ đầu cơ đã đóng cửa của mình đặt cược vào cổ phiếu.
Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản của Hwang đã nhanh chóng vượt qua con số 30 tỷ đô la. Chiến lược rủi ro cao của Hwang chỉ phát huy tác dụng trong thời gian dài. Cho đến tháng 3 năm 2021, vận may của ông đặt dấu chấm hết. Vị tỷ phú kín tiếng đã trở thành trung tâm của sự chú ý trong thời gian ngắn. Chỉ trong hai ngày, Hwang đã mất 20 tỷ đô la. Mike Novogratz nói với Bloomberg rằng con số này có thể coi là "một trong những tổn thất tài sản cá nhân lớn nhất trong lịch sử".
Bill Hwang (Ảnh: World Today News)
3. Cáo buộc gian lận
Vào năm 2014 Elizabeth Holmes là đứa con cưng của Thung lũng Silicon. Khi đó cô là một thiên tài phá cách và được ca tụng là Steve Jobs tiếp theo. Holmes thành lập Theranos vào năm 2003 khi mới 19 tuổi, một công ty hứa hẹn sẽ cách mạng hóa thị trường xét nghiệm máu.
Những tuyên bố của cô xoay quanh một chiếc máy có tên là Edison. Đồng thời cô khẳng định có công nghệ độc quyền có thể thực hiện các xét nghiệm với giá rẻ ở bất cứ đâu mà chỉ cần lấy một vết máu ở ngón tay thay vì một lọ đầy từ tĩnh mạch. Mọi người đặt niềm tin vào tuyên bố của Holmes, và Theranos trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn.
Cô đã nhận được tài trợ từ Rupert Murdoch và cửa hàng tạp hóa khổng lồ Safeway.
Đến năm 2015, Forbes đã vinh danh Holmes là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất và giàu có nhất Hoa Kỳ dựa trên mức định giá 9 tỷ đô la đối với công ty của cô. Elizabeth Holmes đã trở thành một người nổi tiếng và tên của cô ấy đã xuất hiện trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất của TIME.
Cô sống trong một dinh thự xa hoa ở Los Altos và là một phần của chương trình Đại sứ Tổng thống cho Doanh nhân Toàn cầu.
Elizabeth Holmes (Ảnh: Forbes)
Một thời gian sau, những tuyên bố của Elizabeth Holmes bị cáo buộc là sai sự thật. Vào năm 2015, Wall Street Journal đã khẳng định rằng công nghệ độc quyền do Theranos sở hữu hoạt động không nhất quán. Theranos không chỉ nói dối về công nghệ trong tay mà còn có nhiều bằng chứng cô đã che đậy rất nhiều điều về công ty của mình.
Chỉ một năm sau khi được Forbes vinh danh là tỷ phú, Holmes đã mất tất cả. Ngay sau đó, cô trở thành một trong những "Nhà lãnh đạo đáng thất vọng nhất thế giới".
Elizabeth Holmes đã đánh mất cả tỷ đô la. Hiện tại, Holmes bị buộc tội gian lận lớn và công ty của cô buộc phải chấm dứt mọi hoạt động. Phiên tòa xét xử cô hiện đang được tiến hành và nếu cô bị kết tội, Holmes sẽ phải đối mặt với án tù 20 năm, cộng với 2,75 triệu đô la tiền phạt, cũng như khoản tiền bồi thường phải trả cho các nạn nhân.
Nguồn: The Richest
Thuỳ Anh