Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hàng hóa đến thị trường tiêu dùng Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) nhờ thương mại điện tử.
Xúc tiến thương mại từ đại bản doanh Shopee
Cuối tháng 5, một đoàn công tác của Bộ Công thương đến Singapore giới thiệu tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử giữa Việt Nam và Singapore. Cuộc họp xúc tiến mở thị trường diễn ra tại tổng hành dinh Shopee thuộc Sea Limited - công ty công nghệ kỳ lân Singapore. Shopee - nền tảng thương mại hàng đầu Đông Nam Á và Đài Loan, có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2015, hiện là nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam ( theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Q1.2024 của Metric ).
Đại sứ Việt Nam tại Singapore - Mai Phước Dũng nhấn mạnh vai trò của Singapore là đối tác kinh tế chiến lược lớn, nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng, trong hoạt động thương mại giữa hai nước, vai trò của thương mại điện tử phải được cân nhắc vì đây là xu hướng mới và có tiềm năng cao trong tương lai
Ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) - Công ty mẹ của Shopee cho hay: "Thông qua Shopee, ngoài việc mang lại lợi ích của sự hòa nhập kỹ thuật số và tham gia vào nền kinh tế số cho hàng triệu người mua và người bán trên khắp Việt Nam, chúng tôi còn trực tiếp tuyển dụng hàng ngàn nhân viên công nghệ cao tại các văn phòng và mạng lưới logistics của mình. Chúng tôi đã thiết lập các trung tâm phân loại hàng hoá hiện đại để hỗ trợ các yêu cầu logistics, trong đó có trung tâm phân loại thương mại điện tử lớn bậc nhất khu vực tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore ở Bắc Ninh, được khai trương vào năm ngoái".
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam và Singapore phát triển mạnh mẽ là cơ hội thúc đẩy các tiềm năng hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất ASEAN. Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2019 của Google, Temasek và Bain & Company, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2015-2025 được dự đoán là 29%.
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, Singapore là thị trường có độ mở cao, đồng thời là trung tâm hậu cần (logistic) của khu vực, không áp đặt hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu, trừ các quy định bắt buộc về tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức quốc tế. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD.
"Các sản phẩm chủ lực của Việt Nam là hàng nhập khẩu có nhu cầu ở Singapore. Đây là thị trường xuất khẩu cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam", theo ông Thắng.
Từ cửa ngõ Singapore đến cơ hội xuất khẩu trực tuyến khu vực
Theo báo cáo của Access Partnership năm 2022, các MSME tại Việt Nam coi Đông Nam Á và Đài Loan là điểm đến hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu qua thương mại điện tử. Tầm quan trọng gia tăng của thị trường Đông Nam Á và Đài Loan được ghi nhận với 58% MSME xác định Đông Nam Á và Đài Loan là một trong những ưu tiên của họ trong 5 năm tới.
Thái Khang là một doanh nghiệp may mặc nội địa ở TP.HCM với năng lực sản xuất trung bình khoảng 50 nghìn sản phẩm/tháng, hiện đang bán sỉ cho nhiều đối tác tại thị trường Đông Nam Á. Ngoài sản xuất sỉ theo đơn, các sản phẩm của Thái Khang bán lẻ chủ yếu qua các nền tảng thương mại điện tử, trong đó các sản phẩm bán trên nền tảng Shopee Việt Nam và Shopee Quốc tế cho người mua ở Thái Lan, Malaysia và Singapore. Ông Hồng Thái, chủ doanh nghiệp cho hay, doanh nghiệp này mới đầu tư mạnh về năng lực sản xuất trong khi tiếp cận các thị trường khu vực đòi hỏi những đầu tư bài bản, nhất là nghiên cứu đặc tính thị trường.
Sản phẩm của Thái Khang đã và đang tiếp cận với hàng triệu người dùng trong khu vực Đông Nam Á thông qua chương trình Bán hàng toàn cầu của Shopee.
Hiện có khoảng hơn 350 nghìn nhà bán hàng Việt Nam bán hàng toàn cầu qua Shopee quốc tế, trong đó có khoảng hơn 1000 thương hiệu Việt. Hiện có hơn 15 triệu sản phẩm, hàng hoá từ Việt Nam được đăng bán tại thị trường nước ngoài thông qua Shopee.
"Kể từ năm 2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa hàng hóa đến thị trường tiêu dùng Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Đài Loan… Chúng tôi hỗ trợ các nhà bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô kinh doanh trực tuyến và vươn ra các thị trường quốc tế nhờ khai thác các tính năng công nghệ cũng như Shopee triển khai các sáng kiến kinh doanh hỗ trợ người bán hàng tiếp cận người tiêu dùng", ông Jason Yu, Trưởng nhóm Nền tảng Shopee quốc tế, cho hay.
Hiện nay, hàng tháng, doanh số trung bình của các nhà bán hàng Việt Nam tham gia nền tảng Shopee quốc tế tăng đều đặn từ 20-30%, phần lớn đến từ ngành hàng Thời trang & Tiêu dùng nhanh.
"Shopee hỗ trợ việc vận hành của các cửa hàng tại thị trường nước ngoài, bao gồm việc đồng bộ tự động cửa hàng của người bán tại Việt Nam qua thị trường quốc tế, làm thủ tục xuất nhập khẩu và lưu kho cho hàng hóa, tiếp nhận xử lý các câu hỏi hoặc khiếu nại của người mua nước ngoài, và hỗ trợ thanh toán quốc tế. Đặc biệt, người bán sẽ không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, vận chuyển quốc tế, lưu vận kho bãi tại quốc gia khác", theo ông Jason Yu.
Kể từ tháng 4 năm nay, Shopee Việt Nam thực hiện một chương trình có tên gọi Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử, một chương trình bắt tay với các nhà sản xuất địa phương, doanh nghiệp Việt trong việc đưa lên sàn thương mại điện tử các hàng hoá, sản phẩm Việt Nam và sau đó là bán hàng ra thị trường Đông Nam Á.
Theo kế hoạch của chương trình này, đến cuối năm 2024, Shopee sẽ kết nối với hơn 1.000 hộ sản xuất trên khắp các tỉnh, thành (gấp 25 lần so với hiện tại), mở rộng tối đa danh mục hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, mở rộng phạm vi phủ sóng của hàng nội địa. Chương trình này nhằm phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng.
"Mục tiêu lâu dài hơn đó là đưa các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng vươn ra tiêu thụ ở thị trường Đông Nam Á và khu vực. Đầu tháng 7 tới, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai đưa hàng hoá của các nhà sản xuất nội địa Việt Nam đăng bán tại thị trường Singapore và Malaysia ", ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết.
Ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng tiêu thụ và gia tăng cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa trên thị trường nội địa là một hướng đi sống còn các doanh nghiệp MSME trong khi xuất khẩu trực tuyến đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường khu vực tiềm năng Đông Nam Á và Đài Loan. Những vận động này đi trong xu hướng phát triển kinh tế số theo chiến lược của Chính phủ đến năm 2030.