(Tổ Quốc) - Công tác phỏng vấn đóng một vai trò vô cùng quan trọng, giúp nhà tuyển dụng xác định những điểm mạnh, điểm yếu, thái độ, phẩm chất và kỹ năng của ứng viên một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng có thể gây mất thiện cảm nơi ứng viên nếu ứng xử chưa khéo léo trong quá trình phỏng vấn. Và họ quên rằng, một ứng viên đôi khi cũng có thể là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp nơi mình đang công tác.
Là một chuyên gia cao cấp trực tiếp huấn luyện cho nhiều doanh nghiệp lớn có tên tuổi trên thị trường về kỹ năng mềm, truyền cảm hứng và khai phá tiềm năng con người trong 10 năm qua, Thạc sĩ Đặng Tuấn Tiến chia sẻ rằng: "Việc giúp một ứng viên gỡ bỏ những rào cản, khúc mắc tâm lý lẫn lo lắng khi đến doanh nghiệp ngày đầu tiên cũng chính là một trong những cơ hội để ghi điểm về văn hóa tử tế trong doanh nghiệp". Thông qua đó, giúp ứng viên cảm nhận được phần nào văn hóa của nơi mình sẽ đầu quân có tốt không, có chuyên nghiệp không, có tôn trọng con người không.
Hãy nhớ lại xem, những ngày đầu tiên chính chúng ta đi tìm việc. Đến một công ty, một môi trường hoàn toàn xa lạ, chúng ta đã bỡ ngỡ thế nào, chúng ta đã lo lắng ra sao.
Ứng viên gửi mail đến công ty, tức là họ đang quan tâm và tìm kiếm một cơ hội được làm việc với công ty. Hãy chủ động gửi một email chúc mừng khi ứng viên đã qua được vòng xét tuyển hồ sơ dù trước đó nhân viên tuyển dụng đã gọi điện thoại thông báo về kết quả đi chăng nữa. Nội dung trong mail cần đầy đủ thông tin, từ việc dặn dò nên để xe ở đâu, gặp bảo vệ thế nào, thậm chí, hãy gởi kèm theo một tấm bản đồ đơn giản và rõ ràng thể hiện những chi tiết như bãi xe, quán cà phê gần văn phòng, v.v… cộng với một lời chúc ứng viên may mắn trong ngày phỏng vấn.
Trong ngày hẹn phỏng vấn, phòng nhân sự hãy nhắc các đội ngũ bảo vệ nở một nụ cười niềm nở, tận tình chỉ dẫn ứng viên vào khu vực phỏng vấn. Thậm chí kỹ hơn, công ty có thể để sẵn một tấm bảng hướng dẫn nhỏ ngay quầy lễ tân với dòng chữ: "Chào mừng các bạn đến tìm hiểu cơ hội việc làm tại công ty."
Bên trong phòng phỏng vấn, nên chuẩn bị sẵn một vài bịch bánh ngọt, mời bạn ứng viên một ly nước lạnh để uống hồi sức và tỉnh táo sau 1 đoạn đường dài chạy xe ngoài trời nắng tìm đường đến văn phòng.
Anh Tiến cho biết, tại công ty của anh, anh luôn dặn các bạn nhân viên nói thêm một câu, chỉ một câu vào cuối buổi phỏng vấn trước khi tiễn ứng viên đến tận cửa ra về. Câu đó là: "Mình biết bạn có rất nhiều sự lựa chọn, cảm ơn bạn đã lựa chọn cơ hội nghề nghiệp tại công ty mình và dành thời gian đến tham gia trao đổi về công việc."
Và với câu nói trên, tỷ lệ những ứng viên không hài lòng khi trượt vòng phỏng vấn giảm hẳn đi. Và thậm chí, có bạn còn viết email cảm ơn lẫn bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa có cơ hội hợp tác cùng công ty thay cho sự phán xét và bất bình khi không được nhận.
Tất cả điều đó, đều bắt nguồn chỉ từ sự tử tế và tôn trọng đối phương.
Anh lý giải: "Trong vai trò những người làm nhân sự (mà tôi hay nói vui là phụng sự con người), đôi khi, chúng ta không cần phải làm quá nhiều thứ, không cần phải rao giảng ngày này qua ngày nọ những câu slogan, khẩu hiệu hô hào về sự tử tế. Mà chỉ cần chúng ta tử tế trong những công việc nho nhỏ mỗi ngày, đơn cử như chuyện phỏng vấn bên trên. Bởi biết đâu một ngày đẹp trời, ứng viên ấy lại trở thành khách hàng của bạn."
Từng trải qua nhiều vị trí như giám đốc nhân sự, giám đốc đào tạo, điều hành doanh nghiệp và là tác giả của nhiều bài viết thú vị, có giá trị kiến thức cao về nhân sự, tư duy lãnh đạo, kỹ năng mềm trên nhiều website, diễn đàn có lượng thành viên đông đảo, anh Tiến luôn tâm niệm: "Thành công từ sự cho đi".
Do đó anh luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình để giúp cho cuộc sống của nhiều người tốt đẹp và thành công hơn.
Hiện nay, chuyên gia Đặng Tuấn Tiến đang giữ vai trò Phó giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đào tạo tại công ty cổ phần Huấn luyện Khởi nghiệp thực tế – Vietnam Startup Coaching (gọi tắt là VSC) – một trong những đơn vị huấn luyện về khởi nghề, khởi nghiệp thực tế hàng đầu tại Việt Nam.
Ánh Dương