(Tổ Quốc) - Có 1 tuổi thơ cơ cực với nhiều công việc lao động chân tay, học xong cấp 3 đi xuất khẩu lao động với câu nói đầy mong mỏi của người cha "Cố học mà làm công nhân. Đừng làm nông dân như ba mẹ, khổ cả đời". Ở tuổi 32, Nguyễn Trường Duy đã đi xa hơn rất nhiều giấc mơ cha từng gửi gắm khi xưa.
Mới đây, chia sẻ của Chủ tịch của Tập đoàn FPT Telecom - ông Hoàng Nam Tiến về giá trị của tấm bằng đại học trong một chương trình về kinh doanh khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Cụ thể, khi trao đổi với một ứng viên có bằng cao đẳng, ông Tiến nói: "Nơi tôi đang làm việc có 29% cán bộ, chuyên gia, quản lý, giám đốc có trình độ Cao đẳng. Như vậy, bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực của bạn và khả năng tự học đến đâu".
Chia sẻ này của ông Tiến gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng mạng, người tán thành, kẻ phản đối...Trên thực tế, với môi trường làm việc sòng phẳng, đề cao hiệu quả công việc và năng lực hơn bằng cấp như ở FPT, những điều ông Tiến chia sẻ không hề "ảo".
Bạn có tin một Quản lý sản xuất của văn phòng FPT Japan của FPT Software mang về cho doanh nghiệp những hợp đồng "khủng" như: Dự án số hóa các bản vẽ thiết kế cho một tập đoàn ô tô hàng đầu Nhật Bản, xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhận biết chướng ngại vật cho camera ôtô tự hành;... nhưng lại không có bằng đại học, thậm chí từng làm phu hồ trong những năm cơ cực để kiếm sống?
Đó là câu chuyện có thật về anh Nguyễn Trường Duy (32 tuổi) được đăng tải trên chuyên trang nội bộ của Tập đoàn FPT (chungta.vn)
Nhà nghèo nên khi mới học lớp 4-5, Duy đã đi chăn bò phụ giúp bố mẹ. Đến lớp 6-7 thì đi cày ruộng, bán củi, lớn lên chút nữa thì đi phụ hồ ở các công trình xây dựng.
"Hàng xóm xây chuồng lợn bằng bê tông. Nằm ngủ trưa trên cái nền đó mát quá, tôi ước nhà mình cũng có", Duy nhớ lại tuổi thơ cơ cực.
Sau này anh còn khai sai tuổi để được vào làm ở công trình thủy điện, một tháng làm 45 công, gấp rưỡi người thường. Ban ngày phụ hồ, tối cặm cụi nhổ đinh gom bán phế liệu, nhặt nhạnh từng đồng lẻ.
Duy kể, anh đã từng quá quen với việc chỉ có độc một chiếc áo ấm vào mùa đông. Nhưng vất vả đến mấy, anh vẫn cố gắng học tập, bằng chứng là hàng dài giấy khen dán trên tường nhà.
Khác với những bạn đồng trang lứa chọn con đường đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3, Duy quyết định đi xuất khẩu lao động chỉ với hy vọng thoát nghèo. "Tôi luôn muốn vượt lên phía trước, làm điều gì đó để thoát nghèo", anh hồi tưởng.
Với số tiền ít ỏi gia đình dành dụm được, thế chấp cả số đỏ rồi vay mượn thêm mới đủ 120 triệu đồng nộp cho công ty môi giới, anh luôn đau đáu câu nói của ba về ước mơ đổi đời: "Cố học mà làm công nhân. Đừng làm nông dân như ba mẹ, khổ cả đời".
Luôn tâm niệm “biết nắm bắt cơ hội, kiên trì và chăm chỉ đã chiếm 95% thành công”, nhằm khắc phục hạn chế giao tiếp, Duy đã làm đủ mọi cách để tiến bộ: tự học đến 2-3h sáng, học tại lớp bổ túc, tự luyện tiếng Nhật ở bất kỳ đâu,...
Sau 4 tháng, Duy trở thành học viên ưu tú nhất trong 200 lao động ở trung tâm, để rồi từ đó tự ôn lấy chứng chỉ tiếng Nhật.
Sau 3 năm miệt mài làm việc ở xưởng đóng tàu tại Nhật, anh đã có thể về nước với một ít vốn trong tay. Về nước đi làm cho một công ty phần mềm Nhật Bản 5 năm, khi cảm thấy đã hết khả năng thăng tiến và chán cảnh làm thuê cho các ông chủ nước ngoài, Duy quyết định ra đi để đầu quân cho FPT Software Đà Nẵng.
Dù không hề có bằng cấp chuyên môn nhưng với vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm sẵn có, anh không chỉ tự tin mà còn bày tỏ tham vọng kiếm thêm nhiều dự án lớn để mang việc làm, thu nhập về cho người Việt thay vì đi làm thuê ở xứ người như anh đã từng.
Không học đại học, Duy bù đắp bằng cách đọc nhiều sách về công nghệ, ngoại ngữ, kinh tế hay lịch sử. Anh thừa nhận, bản thân cần học nhiều để không bị lạc nhịp với thời đại.
Quản lý và vận hành dự án triệu đô nhưng không có bằng đại học
"Dự án này cần sử dụng máy bay ở độ cao thấp, chụp ảnh toàn bộ nước Nhật rồi gửi hình ảnh về Đà Nẵng cho các kỹ sư dựng bản đồ chi tiết", Duy nói về dự án 47,5 triệu USD mà FPT Software đã giành được vào tháng 3/2021 sau khi vượt qua nhiều ông lớn công nghệ. Đó là hợp đồng thực hiện lập bản đồ chi tiết toàn bộ nước Nhật, phục vụ xe tự hành và giao hàng tự động bằng thiết bị bay không người lái.
Nguyễn Trường Duy - Ảnh: chungta.vn
Đối tác Nhật Bản chỉ cho phép độ bản đồ sai lệch so với thực tế không quá 0,5m. Đồng thời phải hiển thị đúng cao độ, số tầng của các tòa nhà chung cư để thiết bị giao hàng không người lái tìm đến đúng địa chỉ. Nếu bản đồ sai lệch, xe tự hành có nguy cơ đi sai đường và gây ra nguy hiểm.
Để thực hiện dự án, FPT Software đã phải huy động đến 600 nhân sự ở Nhật lẫn Việt Nam và dự kiến thực hiện trong vòng 7 năm. Người trực tiếp quản lý và vận hành dự án này là anh Nguyễn Trường Duy, người duy nhất trong nhóm không có bằng đại học.
Dù Duy luôn nhận đây là công sức tập thể, nhưng các đồng nghiệp hiểu rằng nếu không có "lý lịch đẹp" từ những dự án anh đã làm trước đó với đối tác, thật khó để thuyết phục họ giao toàn bộ hợp đồng lớn như vậy.
Để phục vụ công việc, anh phải liên tục đi về giữa hai nước để đào tạo nhân sự và giải quyết vướng mắc, giúp dự án kịp tiến độ, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trong nước.
Ở vị trí quản lý sản xuất, anh có nhiệm vụ làm việc với đối tác để thuyết phục họ sử dụng sản phẩm của công ty. Dự án được triển khai, lại tiếp tục vận hành cho đến khi công việc trôi chảy.
Với những thành tích đặc biệt, Nguyễn Trường Duy được FPT Japan bình chọn là nhân viên xuất sắc nhất của năm.
Sau tất cả những gì đã trải qua, dù là minh chứng cho khái niệm thành công không nhờ vào bằng cấp nhưng anh Duy vẫn tâm niệm: "Những người không học đại học mà thành công, có lẽ họ sẽ thành công hơn nếu được đi học"
PV