(Tổ Quốc) - Sau làn sóng thẻ rung được các chuỗi Highlands Coffee, The Coffee House,...đưa vào vận hành, QR code và menu điện tử đang dần trở thành xu hướng mới trong ngành ẩm thực và đồ uống.
Theo thống kê của Bộ Công thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bình quân hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Tổng giá trị bán lẻ ngành này đạt 54,9 tỷ USD vào năm 2021. Theo đó, thị trường Việt Nam là một trong những điểm đến hứa hẹn cho các doanh nghiệp ẩm thực và đồ uống tại châu Á.
Sự thay đổi về cách vận hành trong ngành F&B ngày càng được chú trọng, bên cạnh các yếu tố về ẩm thực và khẩu vị. Điều này được thể hiện ở mức độ phục vụ của nhân viên, thời gian ra món, và tỉ lệ ra món sai. Đứng dưới vai trò là người trải nghiệm dịch vụ ẩm thực, khách hàng đặc biệt quan tâm tới thời gian, trong xu hướng bận rộn chung của xã hội.
Nhiều “ông lớn” lần lượt theo chân làn sóng công nghệ
Haidilao - một chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng từ Đài Loan, chính thức vào thị trường Việt Nam năm 2019. Ngoài câu chuyện về trải nghiệm và ẩm thực, thương hiệu này còn mang tới làn sóng áp dụng công nghệ trong ngành F&B tại Việt Nam. Theo đó, mỗi bàn phục vụ được cung cấp 1 máy tính bảng, với phần mềm chuyên biệt, để lựa chọn món hoặc gọi nhân viên hỗ trợ. Chi phí đầu tư không nhỏ, nhưng điều này góp phần tạo ra trải nghiệm “wow” khi khách hàng sử dụng dịch vụ.
Tiếp nối Haidilao, nhiều thương hiệu lớn nhỏ cũng trang bị máy tính bảng để phục vụ khách hàng của mình. Golden Gate - “ông lớn” ngành F&B tại Việt Nam, cũng theo chân Haidilao để phục vụ nhóm khách hàng ở phân khúc cao cấp. Xu hướng này trở thành điều tất yếu, khi khách hàng mong muốn được tự do lựa chọn đồ ăn yêu thích, đồng thời nhà hàng cũng không gặp bất lợi về mặt thời gian phục vụ, thông tin đặt món được chuyển tới khu vực bếp mà không cần qua trung gian.
Công nghệ liên tục đổi mới và những tranh cãi về thẻ rung
Thời kỳ đầu của ngành nhà hàng café tại Việt Nam, việc vận hành thông tin trong hàng quán đều chỉ được thực hiện thủ công qua viết tay trên giấy và chuyển qua lại giữa các bộ phận với nhau. Sang thập niên đầu của thế kỷ 21, các công nghệ và thiết bị quản lý bắt đầu được đưa về Việt Nam nhiều hơn với phần mềm POS (Point-of-sales), màn hình cảm ứng. Và từ 2010 tới nay, tốc độ thay đổi của công nghệ trong ngành này ngày càng rõ rệt.
Từ năm 2013, Highlands Coffee đã táo bạo thay đổi từ mô hình chuỗi cafe cao cấp trở thành mô hình self-service (tự phục vụ). Khách hàng sẽ đến tại quầy để gọi món và nhận thẻ rung, và quay trở lại lấy đồ khi thẻ rung phát ra. Điều này giúp chuỗi cà phê này có thể tập trung ra món theo thứ tự ưu tiên, giảm thiểu rủi ro khi gọi món, từ đó thời gian phục vụ món sẽ nhanh chóng hơn.
Sau thành công của Highlands, xu hướng sử dụng thẻ rung dần trở nên phổ biến trên thị trường. Tuy vậy, mô hình này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Đơn cử, việc thay đổi từ phục vụ tại bàn sang thẻ rung khiến chuỗi cà phê The Coffee House nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực trong thời gian vừa qua.
Nhận định về điều này, ông Ngô Nguyên Kha - CEO The Coffee House chia sẻ: “Trong dịch và sau dịch, mình phải tuân thủ những quy định như dùng ly 1 lần, để tránh phần tiếp xúc. Từ đó, tôi thấy một góc nhìn khác: chúng ta có thể tăng được tốc độ phục vụ. Khi buộc phải thay đổi theo phương hướng đó, tôi thấy cũng khá ổn, vì tăng được tốc độ phục vụ rất quan trọng trong ngành F&B".
Sự xuất hiện của QR code và menu điện tử
Thẻ rung là một ứng dụng hữu ích và đã phổ biến, nhưng chi phí đầu tư cho chủ cửa hàng vẫn tương đối cao, đi kèm là xác suất thất lạc, hỏng hóc. Trong bối cảnh hậu Covid-19, mọi chi phí cần tối ưu hơn, thay cho thẻ rung, việc sử dụng chính điện thoại của thực khách làm công cụ thông báo dần được chú ý.
Theo đó, menu điện tử đã và đang được một số đơn vị công nghệ phát triển, như một tiêu chuẩn mới về vận hành. Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn, một doanh nghiệp phát triển phần mềm quản lý nhà hàng cho rằng: “Menu điện tử trở thành một trải nghiệm mới trong ngành ẩm thực và đồ uống. Thay vì đầu tư chi phí lớn khi mua máy tính bảng hay thẻ rung tại bàn, chúng tôi tận dụng từ chính điện thoại thông minh của thực khách, để mang tới trải nghiệm tương đương và sự thuận tiện cho chính họ”.
Trong điều kiện hầu hết thực khách đều đang sở hữu ít nhất 1 chiếc điện thoại thông minh, cùng với thống kê từ Cục Viễn thông cho thấy tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ đạt tới 85% vào cuối năm 2022, việc ứng dụng mã QR trở thành một menu điện tử không chỉ quét được định danh vị trí bàn, mà khách hàng còn có thể gọi món, yêu cầu hỗ trợ nhân viên tại bàn.
“Công nghệ sẽ ngày càng thấm sâu hơn vào ngành dịch vụ nói chung và F&B nói riêng, xu thế chuyển đổi số là không thể thay đổi, nhưng tất cả phải bắt nguồn từ những nỗi đau thực sự trong vận hành hàng quán, khi đó công nghệ mới trở nên thiết thực” – ông Hùng nhận định.
Chi Tú