(Tổ Quốc) - "Trong suốt chương trình, có tới 4/7 thương vụ trên truyền hình tôi quyết định đầu tư nhưng startup chủ động từ chối. Họ nói: "Giá trị doanh nghiệp của em nhận trước đây cao hơn của anh rồi". Tôi bị từ chối nhưng tôi im lặng", Shark Dzung từng bày tỏ sau khi ngồi ghế nóng Shark Tank Việt Nam mùa 2.
Câu chuyện startup từ chối cá mập sau chương trình Shark Tank Việt Nam đã có ngay từ mùa 1. CEO La Vita - Hoa hậu Trần Thị Quỳnh - đã từ chối đầu tư của Shark Phú sau khi trò chuyện với vị cá mập.
"Thương vụ thành công và đi đến phần hoạch định lộ trình đầu tư, thì chính lúc này La Vita nhận thêm được một giá trị tuyệt vời khác, thậm chí còn quan trọng hơn nhiều chuyện tài chính, đó là xây dựng bằng được sứ mệnh sản phẩm", Quỳnh từng chia sẻ.
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 1 hồi đầu năm 2018, CEO hoa hậu được Shark Phú cam kết rót 3 tỷ đồng đổi lấy 40%, kèm điều kiện quen thuộc - "nếu thất bại cô phải về làm cho Sunhouse".
Chuyện startup từ chối Shark sau bể cá mập không phải chuyện hiếm, nhưng có một vị Shark bị startup từ chối nhiều đến mức tặc lưỡi nhìn nhận "vạn sự tùy duyên".
Mọi người chỉ nhìn vào tại sao các Shark không đầu tư mà không nhìn lại trường hợp startup không nhận tiền đầu tư của Shark
"Mọi người chỉ nhìn vào tại sao các Shark không đầu tư, mà không nhìn lại trường hợp startup không nhận tiền đầu tư của Shark", Shark Dzung Nguyễn cho biết.
"Trong suốt chương trình, có tới 4/7 deal (thương vụ - PV) trên truyền hình tôi quyết định đầu tư nhưng startup chủ động từ chối. Họ nói "Giá trị doanh nghiệp của em nhận trước đây cao hơn của anh rồi, em không thể nhận của anh được"".
Vị cá mập công nghệ cho biết sau khi bị từ chối, ông chọn giải pháp im lặng. Ông cũng không tiếc nuối vì nếu hai bên cảm thấy thoải mái thì mới làm việc được, còn không thì không nên cố làm gì.
"Mục tiêu của tôi lên chương trình ngoài việc tìm một số startup có thể đầu tư, cũng giống như các shark còn lại, tôi muốn truyền tinh thần khởi nghiệp, truyền những kiến thức mà nhiều startup trước còn rất bỡ ngỡ".
"Những startup nay định giá hàng trăm triệu USD, nhưng thời điểm 6-7 năm về trước họ chưa bao giờ nhìn thấy term sheet (điều khoản mà nhà đầu tư đặt ra yêu cầu với các startup). Những kiến thức đó không dễ dàng để mà có, tôi đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và những kiến thức tôi truyền lại cho các startup có giá trị lớn hơn nhiều từng deal riêng lẻ", Shark Dzung chia sẻ hồi cuối năm 2019 sau khi ngồi ghế "cá mập" mùa 2.
Chia sẻ bên thềm Shark Tank mùa 3, Shark Dzung cho biết có thể xem mùa 3 tới tập 6, tập 7, khán giả sẽ thấy ông chưa chốt thương vụ, là bởi vì "không muốn chốt xong xuống lại bị startup từ chối". Ông cũng được các Shark khác gọi đùa là "cá mập bị tổn thương".
Một trong những startup từng từ chối Shark Dzung là Abivin - nền tảng đưa ra thuật toán giải bài toán định tuyến logistic do hai nhà sáng lập là Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh. Gọi vốn thành công 200.000 USD từ Shark Dzung trong mùa 2, Abivin sau đó đã từ chối Shark Dzung để nhận vốn từ một nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Dzung Nguyễn ngồi ghế Shark ở chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 và mùa 3, với cương vị Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Capital (CAC) Việt Nam và Thái Lan. Năm 2020, ông rời CAC, cùng Lê Hoàng Uyên Vy lập Quỹ Do Ventures. Trên sóng truyền hình, Shark Dzung cam kết rót vốn vào 7 startup trong mùa 2 và 6 startup mùa 3.
Theo cập nhật từ vị cá mập, tính riêng mùa 3, ông đã giải ngân 11 tỷ đồng cho startup eDoctor.
Bảo Bảo