Không chỉ phấn đấu vì mục tiêu cá nhân, nhiều người trẻ Viettel còn mang trong mình những hoài bão lớn hơn, hướng tới khát vọng đưa Việt Nam ghi danh trên bản đồ thế giới.
Có công nghệ tiên tiến từ trong nước vẫn có thể đạt mục tiêu lớn
Đãi ngộ phù hợp, môi trường rèn luyện nhiều thử thách đi kèm cơ hội là những yếu tố khiến Viettel trở thành điểm dừng chân của không ít bạn trẻ trên hành trình sự nghiệp. Phạm Văn Khánh - Chuyên viên chính an ninh hệ thống ứng dụng - Công ty An ninh mạng Viettel là một trong số đó.
Thực tập tại Viettel từ khi còn là sinh viên năm 3 Đại học Bách Khoa, đến nay Khánh đã "bỏ túi" nhiều thành tích đáng nể. Năm 2020, Khánh đứng thứ 19 trong danh sách các chuyên gia tìm lỗ hổng bảo mật trên thế giới do Microsoft công bố. Sang đến 2021, Khánh là một trong hai nhân sự Viettel giành chiến thắng tại cuộc thi tấn công mạng uy tín và lớn nhất thế giới Pwn2Own.
Nhìn lại hành trình của mình trong quá khứ, Phạm Văn Khánh thừa nhận bản thân đã có những bước tiến đáng kể. Từ mục tiêu ban đầu chỉ dừng lại ở tìm công việc ổn định, sau đó lấy vợ, sinh con, Khánh bắt đầu mơ những giấc mơ lớn hơn. Làm việc tại Viettel không chỉ đem lại cho Khánh cơ hội được đào tạo, được làm việc mình thích, phát huy sở trường cá nhân để đương đầu với những thử thách mới, vươn tầm khu vực và thế giới. Chàng thanh niên 9x luôn ấp ủ mục tiêu sẽ dành giải thưởng Pwnie Awards, giải thưởng được ví như Nobel trong lĩnh vực an ninh mạng, chỉ trao cho một vài nhân vật xuất sắc trên thế giới.
Đặc biệt, dù là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, không thiếu cơ hội làm việc tại nước ngoài nhưng Phạm Văn Khánh vẫn chọn gắn bó với Viettel. Theo Khánh, điều kiện làm việc ở nước ngoài tốt hơn so với trong nước, nhưng trong lĩnh vực bảo mật, an ninh mạng vốn có môi trường mở và chia sẻ nên khoảng cách này không chênh lệch quá nhiều. "Nếu làm việc tại Việt Nam mà đạt kết quả tầm thế giới thì ý nghĩa, tự hào hơn so với ra nước ngoài làm việc." Khánh đánh giá môi trường Viettel đã trao cho anh cơ hội học tập và phát triển trong bối cảnh tại Việt Nam thời đó, chỉ có một vài công ty tập trung nghiên cứu về vấn đề bảo mật.
"Đến nay, lĩnh vực của tôi đã có nhiều bạn chọn con đường đi nước ngoài, đi Singapore, đi Mỹ… tham gia vào các công ty top đầu thế giới. Nhưng cá nhân tôi nghĩ khác. Tôi là người Việt Nam, sống và làm việc tại Việt Nam, mong muốn đại diện Việt Nam ghi tên của mình trên bản đồ thế giới, chứ không phải thuộc một công ty nước ngoài nào đó".
"Với lĩnh vực an ninh mạng và công nghệ thông tin nói chung, kiến thức giờ rất mở rồi. Ở Việt Nam chúng ta vẫn tiếp xúc với công nghệ tiên tiến của thế giới, điều kiện làm việc không thua kém gì nước ngoài. Vậy nên những mục tiêu lớn chúng ta đặt ra có thể trong tầm tay, chứ không nhất thiết phải đi ra nước ngoài", Khánh khẳng định.
Ước mơ bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục
Một gương mặt nổi bật khác tại Viettel chính là cầu thủ trẻ Hoàng Đức của CLB bóng đá Viettel. Trong khi các bạn cùng lứa còn đang mải mê với những trò vui của thơ thì 13 tuổi, Hoàng Đức đã ra nhập Viettel FC. Đây là bước ngoặt mà cầu thủ sinh năm 1998 đánh giá là "đúng đắn nhất cuộc đời", "nếu được lựa chọn lại vẫn luôn chọn như vậy".
Dưới sự dẫn dắt của Vietttel FC, Hoàng Đức ghi dấu mốc đầu tiên ở nghiệp "quần đùi áo số" bằng danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất Vòng chung kết U19 quốc gia năm 2016. Một năm sau Đức được "đôn" lên đội 1 CLB Viettel thi đấu giải hạng Nhất quốc gia rồi giải chuyên nghiệp V-League. Năm 2020, Hoàng Đức cùng Viettel FC vô địch giải bóng đá quốc gia V-League. Sang đến năm sau, Hoàng Đức vượt qua nhiều cái tên khác để đạt giải "Quả bóng vàng Việt Nam 2021".
Theo Hoàng Đức, môi trường đào tạo bóng đá tại Trung tâm thể thao Viettel là một nơi đào tạo cầu thủ toàn diện cả về chuyên môn lẫn con người. Tại đây, việc tập luyện vừa chuyên nghiệp, vừa đòi hỏi tính kỷ luật cao, không chỉ được nâng cao chuyên môn mà còn còn được đào tạo về văn hóa, trang bị kiến thức nền tảng và những kỹ năng ứng xử cần thiết để có thể cư xử đúng mực trong xã hội, thể hiện một tinh thần Viettel: nghiêm khắc với bản thân, cao thượng trong thi đấu, thắng không kiêu, bại không nản.
"Khát khao lớn nhất của em hồi nhỏ là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Giờ đây em mong muốn cống hiến cho bóng đá Viettel và bóng đá nước nhà, để một ngày nào đó bóng đá Việt Nam sánh ngang bóng đá châu lục, được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn", Hoàng Đức khẳng định.
Cùng Việt Nam tiến ra thế giới
Hoàng Đức cũng như Phạm Văn Khánh, là hai trong số hàng nghìn người trẻ đang nỗ lực làm việc, cống hiến tại Viettel. Thống kê từ tập đoàn cho thấy trong 5 năm qua, tuổi trẻ Viettel đã có 3.269 sáng kiến, ý tưởng đem lại giá trị hơn 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người trẻ Viettel cũng đạt được 150 giải thưởng trong nước và quốc tế.
Chia sẻ tại Diễn đàn Thanh niên của Viettel tổ chức gần đây, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, Đại tá Tào Đức Thắng khẳng định khát vọng của Viettel ngày đầu khởi nghiệp là khát vọng "làm chủ", sau đó là khát vọng vươn lên "số 1", rồi đến khát vọng "vươn ra năm châu". Ông nhìn nhận, chưa bao giờ Viettel thôi khát vọng, đồng nghĩa với chưa bao giờ thỏa mãn, dừng lại mà không ngừng vươn lên.
"Khát vọng của Thế hệ trẻ hôm nay là gì? Mỗi người trẻ phải tự tìm câu trả lời phù hợp nhất nhưng tựu chung theo tôi, khát vọng giờ đây của Viettel là đồng hành, cùng Việt Nam tiến ra thế giới".
"Đặc thù của Viettel là môi trường quân đội, chúng ta vừa có tính kỷ luật cao nhưng đồng thời khuyến khích, cổ vũ sự năng động, sáng tạo. Sáng tạo sẽ tiếp tục là sức sống của Viettel. Những thách thức, mục tiêu cao ở Viettel sẽ giúp các bạn trẻ trưởng thành nhanh hơn, bản lĩnh kiên cường hơn. Viettel sẽ chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng của các bạn trở thành hiện thực", CEO Tào Đức Thắng nhắn nhủ.
danghiep
prlayout.cnnd.vn