Các nhà nghiên cứu tại Viện ĐH John Jpkins cho biết, trong đời người thường có 6 – 10 lần tế bào ung thư xuất hiện, không loại trừ một ai. Tuy nhiên, chỉ đến khi nó phát triển đến một số lượng nhất định thì ung thư mới thực sự xuất hiện và người ta xét nghiệm mới nhận biết được.
Các nghiên cứu đã cho thấy nhiều bệnh ung thư có liên quan đến các thói quen sinh hoạt hằng ngày. Do đó, để ngăn ngừa ung thư thì cần thực hiện lối sống lành mạnh. Đây cũng chính là biện pháp đơn giản mà hiệu quả nhất để con người "bỏ đói" các tế bào ung thư, giúp giảm nguy cơ mắc ung thư xuống từ 20-30%.
Dưới đây là 5 thói quen có tác dụng như một "liều vaccine” hữu hiệu giúp bạn phòng chống căn bệnh ung thư hiệu quả:
1. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh
Duy trì cân nặng lý tưởng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người thuộc lứa tuổi U50. Nguyên nhân là vì béo phì là nguyên nhân thứ hai có nguy cơ cao gây ung thư sau hút thuốc lá. Việc thừa cân sẽ làm tăng nguy cơ của 13 loại ung thư.
Khi bạn thừa cân, các tế bào mỡ sản xuất kích thích tố và các protein khác tạo điều kiện thúc đẩy sự tăng trưởng các tế bào có thể dẫn đến ung thư. Do đó việc kiểm soát trọng lượng cơ thể sẽ gián tiếp giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và phòng ngừa bệnh béo phì.
Nếu bạn đang thừa cân, hãy cố gắng kiểm soát cân nặng và giảm cân để đạt được mức chuẩn trọng lượng BMI dưới 25 cho một cơ thể khỏe mạnh. Nếu bạn đang có một trọng lượng khỏe mạnh, hãy cố gắng giữ nó trong phạm vi ổn định.
2. Tập thể dục mỗi ngày
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc ngồi nhiều làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, và một số loại ung thư nguy hiểm khác. Khi già đi, hoạt động trao đổi chất ở cơ thể bạn trở nên chậm hơn và có thể dẫn đến tăng cân, từ đó bệnh tật cũng sẽ dễ dàng kéo đến. Do đó, việc tăng cường vận động là điều cần thiếu giúp chúng ta ngăn chặn được những căn bệnh nguy hiểm trên.
Hoạt động thể chất thường xuyên mà tiêu biểu là tập thể dục cho kết quả giúp giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư đại tràng ( cho tác động mạnh mẽ nhất), ung thư vú, nội mạc tử cung, ung thư bàng quang, ung thư dạ dày, thực quản. Hoạt động tích cực còn có thể giúp duy trì cân nặng lý tưởng, từ đó giúp giảm nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe khác như: bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường và loãng xương.
Vì thế, những người ngoại ngũ tuần nên có hoạt động thể chất vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày, đồng thời hạn chế xem truyền hình, ngồi máy vi tính quá lâu để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
3. Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Bia rượu và thuốc lá là một trong số nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Rượu kết hợp với thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thanh quản và thực quản gấp nhiều lần so với việc uống rượu hoặc hút thuốc đơn thuần.
Các nghiên cứu cho thấy trong khói thuốc có đến gần 100 chất sinh ung thư. Do đó, ngưng hút thuốc lá sẽ giúp nam giảm được 1/2 nguy cơ ung thư phổi và giảm dần nguy cơ ung thư họng, thực quản, bàng quang, thận và tuyến tụy.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Ung thư Hoa Kỳ, uống rượu bia thường xuyên sẽ vô tình kích hoạt sự nhân lên bất thường của các tế bào ung thư ở một số bộ phận trong cơ thể. Vì vậy, bỏ rượu hoàn toàn có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư nguy hiểm, giúp bạn sống khỏe và sống lâu hơn.
4. Hạn chế thịt đỏ, tăng cường rau xanh
Thịt đỏ cũng là nguồn cung cấp chất sắt và vitamin nhóm B có giá trị nhưng bạn nên hạn chế tiêu thụ loại thực phẩm này bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh được việc ăn thừa thịt đỏ có liên quan đến một số loại ung thư.
Đặc biệt, các loại thịt đỏ được nấu với nhiệt độ cao như nướng, xúc xích hoặc thịt xông khói,... sẽ hình thành các hợp chất gây u ruột kết, tạo ra các chất kích thích tăng trưởng các tế bào ung thư. Vì vậy, tốt nhất nên ăn với lượng vừa đủ và sử dụng những cách chế biến hợp lý để không tạo ra chất béo có hại qua quá trình chế biến.
5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Giống như xe cộ, cơ thể bạn cũng cần có các cuộc kiểm tra định kỳ, kiểm tra tổng quát mỗi năm để biết được tình trạng sức khỏe. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể biết được cơ thể bạn có bất kì rủi ro nào không và hạn chế được tình trạng bệnh tật trầm trọng do việc phát hiện muộn.
Hầu hết các bệnh ung thư ở giai đoạn khởi phát có thể điều trị thành công cao; giảm thiểu chi phí, thời gian và đau đớn cho người bệnh. Do đó, thói quen này là thực sự cần thiết, đặc biệt là đối với những người đã ngoài ngũ tuần, hệ miễn dịch suy yếu, khả năng chống chọi với bệnh tật cũng suy giảm.
Tốt nhất, cứ 6 tháng một lần bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo sức khỏe vẫn bình thường.
(Tổng hợp)
Ánh Lê