(Tổ Quốc) - Bác sĩ cho biết việc bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi ở độ tuổi 60 hay 70, đồng thời cải thiện tình trạng mạn tính.
SCMP cho biết ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng 90% các trường hợp có thể được ngăn ngừa bằng cách loại bỏ việc sử dụng thuốc lá.
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Đặc biệt, căn bệnh này cũng có thể xảy ra ở người không sử dụng thuốc lá.
Theo tiến sĩ Aaron Mansfield - bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Mỹ, quan niệm cho rằng chỉ người hút thuốc lá mới bị ung thư phổi là sai lầm.
Nguyên nhân gây ung thư phổi
"Mặc dù việc sử dụng thuốc lá rõ ràng là nguyên nhân lớn nhất để ung thư phổi phát triển. Song có nhiều yếu tố khác dẫn đến căn bệnh này mà chúng ta không biết", tiến sĩ Aaron Mansfield nói.
Việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Các nguy cơ khác của ung thư phổi bao gồm việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khí radon (khí phóng xạ), amiăng, các chất gây ung thư khác và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi.
Bện cạnh đó, một số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi không có bất kỳ yếu tố nguy cơ rõ ràng nào. Các triệu chứng của ung thư phổi như khó thở và đau ngực, có thể bị nhầm với viêm phổi.
Ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư trên toàn cầu.
Tiến sĩ Aaron Mansfield chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân của tôi đã được chẩn đoán là viêm phổi. Họ đã nhận nhiều đợt thuốc kháng sinh không có lợi. Họ tìm đến chúng tôi khi thấy một khối viêm phổi trên phim chụp X-quang không bao giờ được cải thiện".
Ngoài ra, ho dai dẳng, ho ra máu, sụt cân, đau xương và nhức đầu cũng có thể là các triệu chứng của ung thư phổi. Do vậy, việc sinh thiết giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác. Tiến sĩ Aaron Mansfield cho biết thêm siêu âm hoặc chụp CT giúp cho công việc đặt kim lấy mẫu mô chính xác nhất.
Làm gì để biết mình mắc ung thư phổi?
Nếu bệnh nhân phát hiện bị ung thư phổi càng sớm, họ có nhiều khả năng chữa trị thành công. Tùy từng trường hợp cụ thể, khối u có thể được loại bỏ thông qua phẫu thuật và/hoặc điều trị bằng bức xạ. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư phổi hiếm khi xuất hiện cho đến lúc bệnh ung thư đã tiến triển sang các khu vực khác của cơ thể.
Theo bác sĩ phổi Karen Swanson, một trong những vấn đề của căn bệnh này là khi đã trải qua 80% thời gian, bệnh nhân mới biết và được chẩn đoán mình bị ung thư phổi. Lúc đó, khối u đã lan rộng sang các khu vực khác.
"Điều không may là khi khối u phát triển trong phổi, nó không phải thứ chúng ta có thể cảm nhận được. Vì vậy nếu không sàng lọc, chúng tôi sẽ bỏ lỡ giai đoạn đầu của người mắc ung thư phổi", bác sĩ Karen Swanson nói.
Khi phát hiện bị ung thư phổi, nhiều khả năng khối u đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể.
Việc sàng lọc ung thư phổi bằng cách chụp CT liều thấp hàng năm giúp cứu sống và được khuyến khích cho những người có nguy cơ cao. Bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ về việc tầm soát ung thư phổi, đặc biệt nếu họ có tiền sử hút thuốc.
Nếu hút thuốc lá, bạn có thể giảm nguy cơ ung thư phổi bằng cách bỏ thuốc lá. Ngay cả khi bạn đang ở độ tuổi 60 hay 70, với việc bỏ thuốc lá, bạn có thể kéo dài tuổi thọ và giảm các tác động và triệu chứng sức khỏe mạn tính xảy ra do hút thuốc.
Ngay cả những người từng bị viêm phế quản mạn tính hay có bệnh lý khác, trong vòng vài tháng đến vài năm, họ sẽ thấy các triệu chứng giảm, cải thiện đáng kể tình trạng khó thở.
Việc bỏ thuốc lá là điều không dễ dàng. Vì vậy, bạn nên thực hiện quá trình này với sự giúp đỡ. Bạn nên bàn luận với bác sĩ về việc tầm soát ung thư phổi và các nguồn lực giúp bạn bỏ thuốc. Hiện nay, những tiến bộ trong khoa học y tế đang cải thiện kết quả cho những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi.
Những cải tiến trong tầm soát ung thư phổi đã cải thiện tỷ lệ tử vong do ung thư phổi nói chung.
Lam Phương