TVC - TVB quyết tâm đạt hiệu quả cao năm 2024, tái cấu trúc phát triển bền vững

Ngày 8/6/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Hai trong số những mục tiêu quan trọng nhất TVC sẽ trình các cổ đông tại Đại hội là kế hoạch đạt 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ năm 2024 và giải pháp để tái cấu trúc, phát triển bền vững.

Kết thúc năm 2023, TVC ghi nhận lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 273 tỷ đồng, hoàn thành 273% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao phó. Kết quả kinh doanh năm 2023 làm hài lòng tất cả các cổ đông TVC khi lợi nhuận tăng mạnh, tăng 826,7 tỷ đồng so với con số lỗ 553,7 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế tăng chủ yếu do Công ty được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán khi giá các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Công ty tăng và Công ty thực hiện quản trị chi phí hiệu quả hơn.

Trước đó, ngày 3/6/2024, công ty con của TVC là Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (TVB) đã họp Đại hội đồng cổ đông, thông qua kết quả kinh doanh năm 2023 và định hướng, mục tiêu cho năm 2024. Nếu như năm 2022, TVB phải ghi nhận khoản lỗ 317 tỷ đồng thì năm 2023, TVB đã khởi sắc trở lại, với lợi nhuận sau thuế đạt 63 tỷ đồng. Năm 2024, TVB lên kế hoạch 230 tỷ đồng doanh thu, 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đồng thời quyết tâm quản trị rủi ro hiệu quả để phát triển bền vững.

Chia sẻ với các cổ đông dự Đại hội, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT TVB cho biết, năm 2023, TVB lãi vượt trội so với kế hoạch được giao (16 tỷ đồng), nhưng tính đến cuối năm, lợi nhuận chưa phân phối của Công ty vẫn âm 119,2 tỷ đồng. "Trong tình hình Công ty còn khó khăn, HĐQT và Ban Tổng giám đốc không trình phương án thưởng vượt kế hoạch năm 2024", bà nói.

Cũng theo bà Hằng, nhằm thực hiện hóa kế hoạch kinh doanh đã đề ra, HĐQT xác định phương hướng hoạt động năm 2024 chú trọng vào việc tiếp tục khẳng định năng lực, tầm nhìn và duy trì thế mạnh của TVB. Cùng với đó, TVB sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, ổn định quản trị điều hành, tăng cường sàng lọc và tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh mới trên thị trường. Trong định hướng chung, TVB sẽ xây dựng cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, nhân sự chuyên môn cao để vững bước phát triển trong các bối cảnh của thị trường.

Liên quan đến băn khoăn của một số cổ đông, nhà đầu tư về việc cựu Chủ tịch TVB - TVC Phạm Thanh Tùng vừa bị truy tố lần 2 về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" có ảnh hưởng gì đến hiện trạng 2 doanh nghiệp, bà Hằng cho biết, diễn biến vụ việc đã xảy ra từ đầu năm 2020, khi Trí Việt cũng như tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt với khó khăn từ đại dịch Covid-19. "TVB - TVC đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang dần phục hồi tăng trưởng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những giá trị cốt lõi, những thế mạnh vốn có của Trí Việt với quyết tâm quản trị rủi ro hiệu quả và phát triển bền vững", bà Hằng nói.

Được biết, tại bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội, Cơ quan điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 4/5/2020 đến ngày 19/10/2020, để tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu TVB - TVC, ông Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo một số cộng sự mở nhiều tài khoản chứng khoán, đặt lệnh giao dịch đối ứng với 2 cổ phiếu này. Các giao dịch nội nhóm nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu, nhưng đã khiến 31 nhà đầu tư khác bị thiệt hại, với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng. Hiện ông Phạm Thanh Tùng đã nộp 2,206 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại cho nhà đầu tư.

Kết luận điều tra của Công an TP. Hà Nội về vụ việc trên cũng cho biết, mục đích mở nhiều tài khoản chứng khoán để các tài khoản nội nhóm Trí Việt tự giao dịch cổ phiếu TVB - TVC nhằm tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Sau khi thực hiện lưu ký, giao dịch 2 mã TVB, TVC, ông Phạm Thanh Tùng chỉ đạo sử dụng cổ phiếu TVB, TVC được lưu ký trên các tài khoản chứng khoán nội nhóm để cầm cố ký quỹ vay tiền tại các công ty chứng khoán, sử dụng tiền vay để đầu tư các mã chứng khoán khác.

Trong những tháng đầu năm 2020, diễn biến TTCK chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các cổ phiếu lớn bị sụt giảm thị giá, dẫn đến nhiều khoản vay đầu tư bị call margin, phải bán tài sản đảm bảo để trả nợ. TVB - TVC cũng nằm trong các tài sản đảm bảo phải bán để trả nợ tiền vay, nên liên tục được giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận để đảo nợ trong thời gian này. Cơ quan chức năng xác định, giao dịch liên tục cổ phiếu TVC -TVB trong nội nhóm Trí Việt gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3,3 tỷ đồng. Do TTCK sụt giảm mạnh, nên ông Phạm Thanh Tùng được xác định lỗ 130 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, đảo nợ trong giai đoạn trên.

Tính đến hết quý I/2024, TVB đạt 41,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Bà Hằng cho biết, kết quả quý I khả quan, khiến Công ty tự tin sẽ hoàn thành và vượt mục tiêu 90 tỷ đồng lợi nhuận năm này. "Ban lãnh đạo Công ty sẽ nỗ lực vượt kế hoạch, với quyết tâm hết lỗ lũy kế cuối năm 2024, đưa cổ phiếu ra khỏi tình trạng cảnh báo. Cùng với đó, Ban lãnh đạo sẽ tiến hành kiểm toán ngay sau khi kết thúc năm tài chính 2024 để phát hành báo cáo tài chính kiểm toán sớm, chậm nhất trong tháng 2/2025, giúp đưa cổ phiếu TVB ra khỏi diện kiểm soát", bà Hằng nói.

Tin Cùng Chuyên Mục
VinaCapital: Kinh tế phục hồi hỗ trợ chứng khoán nửa cuối năm 2024

VinaCapital: Kinh tế phục hồi hỗ trợ chứng khoán nửa cuối năm 2024

Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu do tác động của các yếu tố kinh tế và địa chính trị. Những chính sách tài khóa và tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn cùng với sự phục hồi kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng đầu tư.
Tin mới