(Tổ Quốc) - Douyin vừa tuyên bố thử nghiệm tính năng giao đồ ăn nhanh mới, qua đó đánh dấu bước đột phá thứ hai của nền tảng thuộc sở hữu ByteDance trong lĩnh vực giao đồ ăn.
Theo SCMP, Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc vừa tuyên bố thử nghiệm tính năng giao đồ ăn nhanh mới ngay trên nền tảng, trong bối cảnh nền kinh tế địa phương bắt đầu phục hồi hậu phong tỏa do COVID-19.
Theo các chuyên gia, động thái trên đánh dấu bước đột phá thứ hai của nền tảng thuộc sở hữu ByteDance trong lĩnh vực giao đồ ăn, một thị trường gần như được thống trị hoàn toàn bởi Meituan và Alibaba.
Hiện ứng dụng video ngắn đang "cố gắng mở các tùy chọn giao hàng theo nhóm cho một số doanh nghiệp có nhu cầu cấp thiết và dự án vẫn đang được thăm dò", đại diện tập đoàn cho biết.
Tài khoản Douyin của một số nhà hàng tại các thành phố cụ thể, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như Thượng Hải, hiện đã xuất hiện nút tùy chọn, giúp người dùng đặt đồ ăn và nhận hàng giao tận nơi. Tuy nhiên, những chủ doanh nghiệp này phải sử dụng đội ngũ nhân viên giao hàng riêng biệt hoặc tài xế của một dịch vụ khác, theo tờ The Paper.
“Các bộ phận dịch vụ đời sống của Douyin đang cố gắng giúp một số doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19”, đại diện Douyin cho biết.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực giao đồ ăn Meituan
Ngoài việc lấn sân sang thị trường giao đồ ăn, ByteDance cũng đang chuẩn bị ra mắt một nền tảng truyền thông xã hội mới giúp những người dùng trẻ chia sẻ quan niệm sống và sở thích cá nhân. Ứng dụng này có tên “Kesong”, một nền tảng được tạo ra để đăng tải ảnh, bài viết về thời trang, sở thích...
Tuy nhiên, tham vọng lần này của ByteDance, kỳ lân lớn nhất thế giới, có thể sẽ gặp khó bởi công ty hiện chưa có nhân viên giao hàng riêng và cũng đang trong quá trình thăm dò thị trường. Trong khi đó, các gã khổng lồ như Meituan hay Ele.me của Alibaba lại sở hữu đội quân tài xế giao hàng hùng hậu và gần như xuất hiện ở khắp nơi trên cả nước.
Động thái mới của Douyin đánh dấu bước đột phá thứ hai trong nỗ lực lấn sân sang lĩnh vực giao đồ ăn. Năm ngoái, công ty này cũng đã thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn nhanh “Xindong Waimai” song sau đó lại không quyết định mở rộng. Một số nhà hàng thức ăn nhanh, bao gồm KFC và chuỗi trà sữa HeyTea, cũng đã cung cấp dịch vụ giao hàng thông qua Douyin từ năm ngoái bằng cách sử dụng nhân viên của chính họ. Tuy nhiên, màn hợp tác này sau đó đã đổ bể.
Theo SCMP, bất kỳ công ty nào nắm được một phần thị trường giao đồ ăn nhanh tại địa lục đều có thể nhận được khoản lời lớn. Năm 2021, tổng số người sử dụng các nền tảng giao đồ ăn tại Trung Quốc đã tăng gần 30% lên 544 triệu người. Sự phát triển này đã diễn ra từ trước khi đại dịch bùng phát và ngày càng trở nên bành trướng khi các lệnh phong tỏa được áp đặt và người dân không thể ra khỏi nhà.
Phiên bản TikTok của Trung Quốc lấn sân lĩnh vực giao đồ ăn nhanh, thách thức Meituan và Alibaba
Điều này có nghĩa là các ứng dụng đã trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc sống kỹ thuật số của nhiều người dân Trung Quốc, khi mà Meituan và Alibaba lần lượt chiếm 69% và 26% thị phần của thị trường giao đồ ăn vào năm 2020, theo dữ liệu của Zhiyan.
Trước đó, công ty tìm kiếm Internet Baidu cũng tham gia thị trường vào năm 2014, chỉ để bán Baidu Waimai 3 năm sau đó cho Ele.me của Alibaba. Dịch vụ này chiếm 4% thị phần vào năm 2020, theo Zhiyan.
Theo: SCMP
Vũ Anh