(Tổ Quốc) - Dù là bệnh gì, phát hiện càng sớm, khả năng điều trị càng cao. Đối với bệnh ung thư gan, thời điểm phát hiện quyết định sự sống và cái chết.
Mới đây, Bác sĩ Trần Quốc Khánh (hiện đang công tác tại khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đã có bài viết chia sẻ một câu chuyện buồn về một bệnh nhân mắc bệnh ung thư gian giai đoạn cuối khi mới 40 tuổi. Qua đó, bác sĩ cũng tha thiết nhắn nhủ mọi người: Hãy giữ gìn sức khỏe của bản thân!
Dưới đây là chi tiết bài chia sẻ của bác sĩ Khánh mà ai trong chúng ta cũng nên đọc để có chút kiến thức dự phòng những căn bệnh nguy hiểm có thể đang rình rập cuộc sống của chúng ta:
Câu chuyện nghề buồn và những điều bác sĩ mong muốn gửi gắm!
Chiều muộn, rải rác những bệnh nhân cuối cùng vào kết luận trước khi kết thúc buổi khám. Trong số đó có anh thanh niên tầm 40 tuổi. Lý do đến khám theo như anh cho biết là tầm 2 tuần nay anh thấy đau lưng rồi cơn đau lan dọc xuống chân phải. Bác sĩ có chẩn đoán sơ bộ: "Theo dõi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng" rồi chỉ định để anh đi chụp phim. Tuy nhiên, khi kết quả X-quang và cộng hưởng từ về đã vượt quá mức đoán dự của bác sĩ: Tổn thương nhiều thân đốt sống, xương cùng và xâm lấn xương cánh chậu hai bên. Với đặc điểm hình ảnh như vậy thì đa số các trường hợp sẽ là do ung thư di căn xa đến.
Để giúp khẳng định chẩn đoán, bác sĩ chỉ định làm thêm một số thăm dò tầm soát về ung thư rồi hẹn sáng hôm sau quay lại khi có đầy đủ các xét nghiệm. Kết thúc buổi khám, trên đường ra về thấy anh đứng chờ trước cửa viện. Khi bác sĩ tới gần, ang lặng lẽ đưa tờ kết quả siêu âm vừa làm xong - "Hình ảnh u gan nhiều khối, nghĩ nhiều đến ung thư biểu mô tế bào gan".
Im lặng 1 lát rồi anh nói: "Tôi bị ung thư gan di căn vào cột sống rồi phải không bác sĩ? Chắc mai tôi không quay lại làm thêm những xét nghiệm kia nữa đâu bác sĩ ạ. Liệu bệnh của tôi được bao lâu nữa bác sĩ". Anh chia sẻ, anh bị viêm gan B từ lâu và cũng đã đi kiểm tra mấy năm trước, thấy không có gì đặc biệt nên mấy năm nay anh không đi khám lại nữa. Ai ngờ bệnh nó đến nhanh như vậy. Giờ anh chuẩn bị trở về nhà với người vợ trẻ cùng hai đứa con trai đang học lớp 8 và lớp 3 nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu nữa.
Câu hỏi với những chia sẻ từ anh làm bác sĩ thấy đau nhói trong lòng, chiều hoàng hôn càng thêm thê lương, tê tái. Nắm chặt bàn tay anh, bác sĩ động viên để anh tiếp tục việc chữa trị trong thời gian tới.. Đôi mắt anh buồn nhìn xa xăm, nước mắt bác sĩ cũng chỉ chực trào ra. bác sĩ thương anh, bác sĩ thương người vợ cùng hai đứa con thơ dại trong ngôi nhà bé nhỏ đang mong ngóng anh trở về. Rồi đây, người phụ nữ cùng hai con bé nhỏ ấy sẽ sống ra sao khi người chồng-người cha không còn nữa….Cuộc sống quá mỏng manh và biệt ly có thể đến bất cứ với ai, bất cứ lúc nào, phải không anh chị?
Anh chị ơi, qua câu chuyện đau buồn này bác sĩ khát khao gửi đến anh chị những điều sau, mong anh chị lưu tâm:
1. Ung thư gan là ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới và tiên lượng vô cùng nặng nề. Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu năm 2018: Thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư gan cũng là bệnh ung thư có tỉ lệ mắc mới cao nhất ở nước ta trong năm 2018 với 25.335 trường hợp.
2. Ung thư gan có 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan phát triển từ tế bào gan, ung thư biểu mô đường mật phát triển từ đường mật trong gan và u nguyên bào gan. Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất, chiếm tầm 80% các trường hợp và thương liên quan đến những người bị viêm gan mạn tính.
3. Những người có nguy cơ cao bị ung thư gan bao gồm:
- Nam giới hay gặp hơn nữ giới.
- Người uống nhiều bia rượu hoặc hút thuốc lá, người béo phì.
- Những người đã được chẩn đoán bệnh lý gan rượu hoặc bệnh lý viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Những người chưa biết mà vẫn đang sử dụng những ngũ cốc đã bị nấm mốc (dễ nhiễm độc tố Aflatoxin).
- Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm như thợ sơn-nhuộm-tẩy rửa hoặc tại các nhà máy hoá chất.
- Những người bị xơ gan.
4. Ung thư gan tiến triển vô cùng nhanh, nhiều trường hợp kiểm tra chưa thấy gì nhưng chỉ dăm ba tháng khám lại khối u đã phát triển và di căn khắp nơi. Thêm nữa, các triệu chứng sớm của ung thư gan hầu như không có gì và việc chữa trị, tiên lượng thì còn rất hạn chế. Vì thế dự phòng là yếu tố quan trọng nhất và cũng là "lời khuyên cháy bỏng" mà bác sĩ Trần Quốc Khánh muốn gửi đến mọi người. Những nội dung dự phòng chính anh chị cần lưu ý thực hiện bao gồm:
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng viêm gan cho cả nhà.
- Từ bỏ bia rượu và thuốc lá.
- Thức ăn là thuốc chữa bệnh nhưng nó cũng là tác nhân gây bệnh khi ta ăn uống những thực phẩm không an toàn, không hợp vệ sinh. Bác sĩ Khánh nhấn mạnh: "Thà chọn nhịn một bữa cơm còn hơn thưởng thức những thực phẩm mình thấy không an toàn, anh chị nhé!".
- Không sử dụng những ngũ cốc đã có dấu hiệu ẩm mốc
- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ 6 tháng/1 lần tại những cơ sở y tế uy tín và có bác sĩ tư vấn đầy đủ.
- Với những người bị viêm gan B, C tuyệt đối không dùng bia rượu và nên có một bác sĩ chuyên về gan mật điều trị theo dõi cũng như tư vấn định kỳ. Điều này là rất quan trọng đối với sức khỏe.
- Với những người có tính chất nghề nghiệp như luôn tiếp xúc với những hoá chất độc hại cần bảo hộ đầy đủ và thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ cẩn thận hằng năm.
- Xin hãy mua bảo hiểm, ít nhất cũng là bảo hiểm y tế toàn dân, anh chị nhé! Bệnh tật tai nạn không chừa một ai và cũng không ai biết lúc nào nó ập đến, vô cùng tốn kém. Vì thế xin hãy luôn có chỗ dựa tài chính phòng khi ốm đau.
Bác sĩ Khánh cũng chia sẻ rằng, các tài liệu nghiên cứu trên thế giới về bệnh ung thư gan chỉ ra, hơn 75% các tổn thương gan mạn tính dẫn đến ung thư gan đang thuộc về các quốc gia kém phát triển, đang phát triển do điều kiện thiếu thốn cũng như kế hoạch chữa trị, dự phòng chưa đạt được tốt. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng được bệnh này nếu như mỗi người đều có kiến thức cơ bản về nguy cơ mắc bệnh và tạo thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người bị bệnh gan mãn tính.
Hoàng Lan