Ngày hội Sống xanh Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 vừa diễn ra thành công, nơi nhà sản xuất, đơn vị thu gom tái chế, các tổ chức đoàn thể và người dân cùng chung mục tiêu bảo vệ môi trường.
Ngày 8-9/6, Sở Tài nguyên & Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp UBND Quận 5 tổ chức chương trình Ngày hội Sống xanh lần 4 và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường tại TP.HCM năm 2024.
Đến tham dự chương trình có Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ.
Ngoài ra, còn có các đại diện của ngành TN&MT của thành phố và các quận như: ông Trần Minh Quân - Chi cục trưởng; bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - Phó chi cục trưởng; ông Nguyễn Đoàn Đăng Quang - Phó Trưởng Phòng TN&MT quận 7; bà Phạm Thị Thúy Nhàn - Phó Trưởng Phòng TN&MT quận 5; ông Lưu Quang Huy Quang – Phó Trưởng Phòng TN&MT quận 8; bà Hà Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ quận 7… Bên cạnh đó là sự tham gia của 49 đơn vị với 55 gian hàng, quầy hàng và các nhà tài trợ Unilever, Xanh SM, Saigon Co.op, Đại học RMIT,...
Gian hàng của Unilever thu hút đông đảo người tham gia sử dụng máy tái chế rác thải nhựa. Ảnh: Lê Quân
Ngày hội năm nay được tổ chức tại công viên Văn Lang, quận 5 với nhiều hoạt động thú vị, thiết thực truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Các hoạt động trong ngày hội hướng đến các tiêu chỉ bền vững như chú trọng sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, ngày hội không cung cấp nước đóng chai và bố trí các điểm lấy nước, khuyến khích người dân tham gia mang theo bình chứa nước, không sử dụng hộp xốp, ly nhựa, đem theo túi đựng hàng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày hội là sự kiện môi trường thường niên, nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và ngày Môi trường thế giới (5/6). Ngày hội đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân
Trong khuôn khổ ngày hội, Sở TN&MT phối hợp với Tập đoàn Unilever và Duy Tân Recycling tổ chức buổi toạ đàm "Kinh tế tuần hoàn về rác thải nhựa tại Việt Nam", ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các bên Dự án phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Võ Lương Bình Nguyên - Trưởng phòng Phát triển bền vững Unilever Việt Nam chia sẻ: "Unilever Việt Nam là một doanh nghiệp có các nhãn hàng rất thân thuộc với gia đình Việt như Lifebuoy, Sunlight hay Omo. Trong gần 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, phát triển bền vững là tiêu chí hàng đầu cũng như là khung chiến lược trong vận hành của Unilever. Trong đó, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa/nhựa là trọng tâm.
Song song, Unilever Việt Nam cũng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu việc ô nhiễm nhựa, thông qua việc phối hợp với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà thu gom tái chế như là nhựa Duy Tân… và người dân, cũng như sự chỉ đạo và phối hợp của chính quyền địa phương".
Tọa đàm tổng kết nhiều thành quả đạt được của Dự án phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Lê Quân
Từ năm 2023, Unilever đã đề xuất cùng đồng hành, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa ở quận 7 với mong muốn mang rác thải nhựa trở về lại vòng tuần hoàn và giảm thiểu việc ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Phía cơ quan ban ngành, bà Hà Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ quận 7 – cho biết: "Là đơn vị phối hợp với Unilever cho dự án phân loại thu gom tái chế rác thải nhựa, đến nay Hội đã triển khai hoạt động đến Hội LHPN 10 phường vận động cán bộ hội viên Phụ nữ và người dân thực hiện tốt việc thu gom, phân loại rác thải với nhiều hoạt động như: tổ chức "Ngày Hội sống xanh" tuyên truyền thu gom, tái chế rác thải nhựa và đổi rác thải nhựa lấy quà. Trong ngày hội, Hội đã vận động hơn 200 hội viên phụ nữ tham gia và thu được hơn 7.200 chai nhựa, đổi được 493 sản phẩm. Đồng thời, Hội cũng tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên và người dân trên địa bàn Quận thực hiện phân loại rác thải nhựa tại khu dân cư gắn với việc thực hiện phong trào thi đua, cuộc vận động của tổ chức hội như: "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ hội viên, người dân trên địa bàn trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường."
Đại diện đơn vị tái chế, ông Lê Viết Đông Hiếu - Trưởng phòng Marketing và PTBV Duy Tân Recycling, chia sẻ: "Duy Tân Recycling là một trong những doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam áp dụng công nghệ tái chế "Bottle-to-Bottle", tức là những chai nhựa như chai nước suối, nước ngọt sau khi sử dụng sẽ được thu gom và tái chế thành các chai nước suối mới, chai nước ngọt mới. Qua đó khép kín vòng lặp tuần hoàn của chai nhựa, giúp giảm thiểu việc sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. Tương tự với các sản phẩm của Unilever như chai sữa tắm Dove, chai nước rửa chén Sunlight… những sản phẩm này hiện nay đã được Unilever sử dụng nhựa tái chế 100%, đó cũng là một số tín hiệu tích cực cho ngành tái chế tại Việt Nam".
Hiện nay, cùng với Unilever và Hiệp hội tái chế rác thải Việt Nam, ngoài những chương trình dành cho Hội liên hiệp phụ nữ quận 7, đại diện Duy Tân Recycling cho biết đã có thêm những chương trình dành cho các em học sinh quận 7 và sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm sau.
Ông Lê viết Đông Hiếu - Trưởng phòng Marketing PTBV Duy Tân Recycling. Ảnh: Lê Quân
Dự án phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn đến nay đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Dự án đã tổ chức 8 buổi tập huấn tại các cơ sở của Hội liên hiệp phụ nữ quận 7 và tập huấn ở các phường về phân loại rác thải nhựa, tổ chức tuyên truyền cũng như lắp đặt thùng rác phân loại tại UBND quận, UBND phường, các khu dân cư trường học, trung tâm thương mại, siêu thị.