Khi thế giới đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, chuyển đổi xanh trở thành câu trả lời cấp thiết, đảm bảo tương lai bền vững cho hành tinh và con người.
Để đương đầu với những thách thức này, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, xuyên suốt giữa các quốc gia và doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu.
Chuyển đổi xanh: Từ nhận thức sơ khai đến sự đồng lòng trên quy mô toàn cầu
Năm 2015, lần đầu tiên các quốc gia thừa nhận thế giới đang đứng trước thách thức phải thay đổi. Thỏa thuận Paris được đề ra, nhằm giảm lượng khí thải 46% vào năm 2030. Tuy vậy, vào thời điểm đó, phần lớn các quốc gia chưa có sự đồng thuận rõ ràng. Sau 8 năm, bài toán về chuyển đổi xanh nay trở thành vấn đề sống còn, trước bối cảnh Trái Đất được đặt trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng.
Báo cáo mới nhất về "Trạng thái Khí hậu toàn cầu năm 2021" cho thấy mực nước biển toàn cầu đã đạt đến mức cao chưa từng có, đồng thời đại dương cũng đang trải qua sự ấm nóng và axit hóa. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các loại dịch bệnh mới ngày càng khó kiểm soát, v.v đang đưa nhân loại vào "cuộc chiến" lớn, đòi hỏi tất cả phải chung tay hành động. Thế giới đang chứng kiến sự chuyển giao từ mô hình phát triển dựa trên tài nguyên tự nhiên sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phát thải thấp, chuyển đổi từ việc phụ thuộc năng lượng hóa thạch như than, dầu và khí đốt sang năng lượng tái tạo như gió và năng lượng mặt trời v.v.
Các tổ chức quốc tế và Chính phủ nhiều nước đưa ra chiến lược đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu một cách quyết liệt. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) được tổ chức thường niên để đánh giá và đưa ra giải pháp môi trường khí hậu toàn cầu. Tại COP 26 tổ chức vào tháng 12/2021, 150 quốc gia, bao gồm Việt Nam, đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để hiện thực hóa cam kết này, Chính phủ Việt Nam đưa ra một loạt kế hoạch hành động quốc gia định hướng "xanh", chuyển đổi nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất, tiêu dùng phát thải thấp. Để đạt hiệu quả tối ưu, kế hoạch này cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, cộng đồng và cả doanh nghiệp.
Hành trình chuyển đổi xanh toàn diện của Unilever Việt Nam
Unilever là một trong số những doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh. Trên thực tế, giảm phát thải trong hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp hàng tiêu dùng không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Unilever đã thực thi chiến lược toàn diện - chuyển đổi xanh trên toàn bộ chuỗi giá trị.
Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ: "Hành trình chuyển đổi xanh đóng vai trò hạt nhân trong việc hướng tới phát triển bền vững. Tại Unilever, chúng tôi cam kết xây dựng "chuỗi giá trị xanh phi phát thải" như là cốt lõi của mô hình kinh doanh bền vững; và trên thực tế đã tiên phong đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" trong toàn bộ hệ thống vận hành của mình từ năm 2021."
Trong chuỗi vận hành nội bộ của mình, Unilever Việt Nam đã chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch (diesel) sang dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đưa vào áp dụng nhiều sáng kiến tiết kiệm điện năng.Hiện nay, toàn bộ nhiên liệu vận hành lò hơi ở tất cả các cụm nhà máy của Unilever trên toàn quốc đã chuyển sang sử dụng viên nén sinh khối (biomass) - một loại nhiên liệu tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp như gỗ, vụn trấu... Việc chuyển đổi này đã giúp Unilever loại bỏ trung bình gần 10.000 tấn CO2 mỗi năm kể từ 2007 tới nay và tiết kiệm hàng trăm ngàn Euro mỗi năm.
Unilever cũng nhanh chóng điều chỉnh để bổ sung chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC đối với nguồn điện đang sử dụng tại tất cả nhà máy, văn phòng và trung tâm phân phối. Toàn bộ lượng carbon phát thải qua điện năng tiêu thụ nhờ đó mà trở thành carbon tích cực, góp phần vào mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Unilever Việt Nam còn chung tay cùng nỗ lực phủ xanh rừng trên toàn quốc. Phối hợp cùng Bộ Tài nguyên & Môi trường từ năm 2021, Unilever cam kết trồng 1 triệu cây xanh tại các vườn quốc gia, rừng phòng hộ.
Trong lĩnh vực bao bì sản phẩm, Unilever nhận định việc biến rác thải nhựa quay trở lại thành nguồn tài nguyên giá trị trong một mô hình kinh tế tuần hoàn là bài toán quan trọng cần giải quyết. Unilever đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả các bao bì nhựa phải có khả năng tái chế cũng như giảm một nửa lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì và tăng cường sử dụng nhựa tái sinh. Cùng với đó, Unilever cũng tìm cách thu gom và xử lý lượng nhựa nhiều hơn lượng bao bì bán ra.
Unilever đã thực hiện nhiều sáng kiến trong quản lý rác thải nhựa bền vững thông qua mô hình hợp tác công tư cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2020. Với nhiều nỗ lực hợp tác cùng các đối tác, Unilever đã đạt cột mốc giảm hơn 50% nhựa nguyên sinh sử dụng trong bao bì, 63% bao bì có khả năng tái chế, thu gom và xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa, hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, phúc lợi xã hội cho hơn 2.500 lao động nữ trong lực lượng lao động thu gom phi chính thức.
Có thể nói hành trình chuyển đổi xanh tại Unilever đã đạt mục tiêu kép: vừa tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các giá trị xã hội tích cực; đồng thời đóng góp vào hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững Unilever: Cải thiện sức khỏe hành tinh, Cải thiện sức khỏe, sự tự tin và hạnh phúc cho mọi người; Đóng góp vào một xã hội công bằng và hòa nhập hơn.