(Tổ Quốc) - Giá nhiên liệu máy bay toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất gần 14 năm theo xu hướng tăng giá dầu thô do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, khiến các hãng hàng không vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã rơi vào tình trạng chi phí tăng vọt.
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu – đang hồi phục nhanh chóng sau đại dịch – và khi Mỹ cân nhắc việc cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Giá dầu Brent – tham chiếu cho thị trường dầu thô toàn cầu - đã tăng 26% lên hơn 120 USD/thùng kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2, gây ra một cuộc tranh mua trên toàn cầu từ phía các nhà nhập khẩu để có được các lựa chọn thay thế cho dầu thô của Nga - đang có nguy cơ bị trừng phạt.
Giá nhiên liệu bay cao nhất 14 năm.
Cuộc chạy đua trên thị trường dầu thô đã đẩy giá các sản phẩm tinh chế lên cao, và dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề hơn nữa nếu nguồn cung dầu thô thắt chặt, với giá nhiên liệu máy bay JET-SIN của Singapore kể từ ngày 24 tháng 2 đã tăng gần 35% và đạt 150 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm 2008.
Giá nhiên liệu máy bay phản lực ở châu Âu và Mỹ cũng tăng tương tự, khiến các hãng vận tải trên toàn cầu vốn đã bị Covid-19 "hành hạ" trong hai năm qua nay phải gồng mình thêm nữa bởi phụ phí nhiên liệu và nhiều chi phí khác tăng vọt.
Giá nhiên liệu bay trên toàn cầu tăng vọt đe dọa cản trở sự hồi phục của ngành hàng không.
Chưa dừng lại ở đó, việc các loại chi phí tăng có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi của ngành hàng không vừa có chút động lực khi các nền kinh tế nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Một nhà kinh doanh nhiên liệu bay có trụ sở tại Singapore cho biết: "Đi du lịch (bằng đường hàng không) từ bây giờ sẽ không còn rẻ. Với lạm phát ở khắp các quốc gia trên thế giới, hầu bao của hầu hết mọi người đều vơi đi, thu nhập khả dụng cũng ít đi".
Theo bà, nhiều du khách sẽ hạn chế các kế hoạch cho những chuyến du lịch "cần thiết", giữa lúc những hạn chế liên quan đến đại dịch - nhiều nơi vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19 âm tính - làm tăng thêm sự không chắc chắn cho hoạt động đi lại của mọi người.
Công suất của các hãng hàng không toàn cầu giảm 0,1% trong tuần này xuống 82 triệu chỗ và vẫn thấp hơn 23% so với tuần tương ứng trước đại dịch, năm 2019, theo thông tin từ công ty dữ liệu hàng không OAG.
Số người đặt vé máy bay hiện vẫn thấp hơn so với năm 2019.
Tổng công suất của các hãng hàng không theo lịch trình tại Đông Bắc Á trong tuần tính đến thứ Hai (7/3) giảm 4,5% so với tuần trước đó, mức giảm mạnh hơn so với bất kỳ khu vực nào khác, trong khi công suất quốc tế đến và đi của khu vực này vẫn thấp hơn 88% so với tuần tương ứng trong năm 2019.
So sánh số ghế máy bay được đặt trên toàn cầu của các khu vực ở thời điểm hiện tại so với 2019.
Lịch trình các chuyến bay nội địa ở Mỹ mùa Xuân này đang có xu hướng hồi phục vượt mức của năm 2019, nhưng chi phí nhiên liệu và vé máy bay tăng cao đang có nguy cơ làm chậm lại đà tăng đó.
"Các hãng hàng không sẽ lại bị đẩy về hạn mức tín dụng và một lần nữa chứng kiến các nhà cung cấp giảm mức độ sẵn sàng đưa ra các điều khoản cho vay không đảm bảo. Giờ đây, chúng ta có thể thấy những tổn thất nối tiếp sau đại dịch Covid-19, ngay khi sự phục hồi có vẻ khả quan hơn một chút", một nguồn tin thương mại cấp cao có trụ sở tại London cho biết.
Đặt vé máy bay nội địa ở Mỹ hồi phục vượt 2019 nhưng đặt vé quốc tế vẫn thấp.
Do dự báo nguồn cung ngắn hạn sẽ bị thắt chặt hơn nữa, biên lợi nhuận lọc dầu tại châu Á đối với nhiên liệu máy bay hôm thứ Hai (7/3) đã tăng lên 26,17 USD/thùng so với dầu thô Dubai, mức cao nhất được ghi nhận từ năm 2009 theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Lợi nhuận chế biến nhiên liệu bay ở châu Á cao kỷ lục sau khi giá nhiên liệu bay cao nhất 14 năm.
Bên cạnh đó, việc không phận một số vùng bị đóng do xung đột Ukraine sẽ khiến ngành hàng không quốc tế càng thêm khó khăn. Một số hãng hàng không hoạt động giữa châu Âu và châu Á đã phải định tuyến lại các chuyến bay để bỏ qua không phận của Ukraine và Nga, dẫn đến tăng thời gian bay và chi phí nhiên liệu cao hơn.
Trong khi đó, việc đóng cửa không phận và hủy bỏ các chuyến bay cũng đã tác động đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không phận Nga đóng vai trò là một phần của tuyến đường bay ngắn nhất ở Bắc Cực giữa châu Á và châu Âu. Việc đóng cửa vùng trời dự kiến sẽ kéo dài thời gian bay và tăng chi phí bay của các hãng hàng không, đồng thời có khả năng làm tăng giá chuyến bay. Đối với các hãng, thời gian bay dài hơn sẽ dẫn đến việc sử dụng máy bay của họ kém hiệu quả và không đủ năng lực.
Năm ngoái, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, ngành hàng không toàn cầu bị thiệt hại 51,8 tỷ USD, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp