(Tổ Quốc) - Mấy năm trở lại đây, thị trường bất động sản ở nhiều vùng quê diễn ra sôi động, tính thanh khoản cao khiến giá đất liên tục tăng giá. Theo đó, không ít người dù đi làm tại thành phố sau nhiều năm tiết kiệm vẫn không đủ mua một mảnh đất ở nông thôn.
Trong bối cảnh hiện nay, với tốc độ đô thị hóa nhanh tại thành phố lớn như Hà Nội, khiến quỹ đất tại vùng trung tâm ngày càng khan hiếm. Do đó, giá đất tại nội đô ngày càng tăng cao không ít nhà đầu tư tại Hà Nội có xu hướng chuyển dịch về các vùng nông thôn tìm kiếm cơ hội.
Các nhà đầu tư xuất hiện tại nông thôn khiến tình hình giao dịch đất đai ở làng trên xóm dưới trở nên nhộn nhịp. Theo đó, giá đất ở các vùng quê hiện nay cũng tăng chóng mặt khiến anh Nguyễn Văn Khải (quê Nam Định, hiện đang làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin), dù làm việc tại Hà Nội với mức lương được xếp vào hạng cao cũng phải “ngã ngửa” khi so sánh số tiền tiết kiệm trong 5 năm cũng không đủ mua 1 mảnh đất ở quê hiện tại.
Anh Khải chia sẻ, năm 2017 anh tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội, với tấm bằng giỏi ngành công nghệ thông tin trong tay anh dễ dàng xin làm việc ở công ty có tiếng. Thời điểm đó, anh được nhận mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng/tháng. Dần dần, đến nay với kinh nghiệm 5 năm trong nghề tiền lương của anh cũng tăng lên đến 35 triệu đồng/ tháng, đây được đánh giá là mức lương thuộc hạng cao tại Hà Nội.
Tuy nhiên, đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua về quê anh Khải đã “sốc” khi mới chỉ trong 2 năm giá đất trong khu vực có mảnh đã tăng đến 3 lần.
“Tết này tôi về quê, đi hỏi thăm sức khỏe từng nhà họ hàng và hàng xóm xung quanh. Qua cuộc nói chuyện tôi mới biết về tình hình đất đai ở quê mình. Tôi cũng nghĩ là tăng nhưng không ngờ tăng cao đến như vậy. Nếu trước kia giá đất ở quê tôi chỉ khoảng 7 triệu đồng/m2 ở mặt đường giao thông lớn thì nay có những mảnh đã vượt mức 20 triệu đồng/m2, còn trung bình cũng khoảng 15 - 18 triệu đồng/m2. Còn những mảnh đất nằm trong đường ngõ trước kia tưởng như không có giá trị cao thì đến nay cũng lên đến 5 - 7 triệu đồng/m2
Nhiều người cũng khoe, sau khi bán đất họ đã có tiền tỷ trong tay để xây lại nhà khang trang, gửi tiết kiệm hay làm ăn kinh doanh,...”, anh Khải nói.
Anh Khải chia sẻ, trong 5 năm đi làm và có mức lương cao anh cũng tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng. Nhưng nếu đem hết số tiền này để mua một mảnh đất ở được giao thông lớn tại quê anh thì vẫn còn thiếu đến gần 1 nửa.
“Một mảnh đất có diện tích khoảng 100m2, với mức giá thấp nhất ở đường lớn là 15 triệu đồng/m2 thì cần 1,5 tỷ đồng mới có thể mua, chưa tính chi phí sang tên hay đóng thuế. Mức lương của tôi cũng thuộc loại cao mà sau 5 năm đi làm vẫn không đủ mua mảnh đất ở quê. Tôi nói vui với một số người bạn từ quê ra Hà Nội làm việc như tôi rằng, bây giờ muốn về quê mua đất để sau về già ở đều rất khó”, anh Khải cười nói.
Người đàn ông này nói thêm: “Nói đi cũng phải nói lại, trong 2 năm nay đường xá, các công trình trường học, bệnh viện,... ở quê tôi cũng được đầu tư sửa chữa xây mới nhiều. Thấy quê hương được thay da đổi thịt tôi cũng thấy vui nhưng giá đất tăng nhanh khiến việc sở hữu của nhiều người lại càng khó. Trong khi đó, thu nhập ở quê vốn cũng không cao như thành phố”.
Nhiều chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, kết hợp với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra đã tác động mạnh đến sự phát triển của bất động sản. Theo đó, giá đất đã tăng mạnh, nhiều vùng quê trước kia giá đất chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 thì nay có nơi đã đến vài chục triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản là một trong những kênh được người dân chọn đầu tư nhiều nhất thời gian qua.
“Trong hai năm dịch bệnh hoành hành, lượng giao dịch đổ vào bất động sản lại càng tăng do tiền dư rỗi rãi, nhiều người chuyển hướng vào đất đai như một kênh đầu tư sinh lời dài hạn. Điều này lý giải cho làn sóng lao vào bất động sản liên tục trong thời gian qua”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, giá tăng cao bất thường sẽ tạo ra sự tích tụ bong bóng. Vì thế, dù thời điểm này giá đất ở các địa phương ngoại thành Hà Nội không “phình” to như những năm trước, nhưng tốc độ tăng như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng.
“Một hệ quả đáng buồn là khi giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít người dù có nhu cầu ở thực cũng không thể mua nổi đất”, ông Đính đưa ra quan điểm.
Tuấn Minh